Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vietcombank hé lộ kết quả kinh doanh, xin gỡ room tín dụng, trả lương theo cơ chế thị trường
Thùy Liên - 28/12/2022 17:40
 
Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị NHNN xem xét cho phép các ngân hàng quốc doanh được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động.
f
f

Tín dụng, lợi nhuận tăng mạnh

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, dự kiến đến hết năm 2022, tổng tài sản của VCB ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; Tín dụng ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tỷ trọng tín dụng bán lẻ của Vietcombank đã tăng từ 40% năm 2017 lên trên 55% năm 2022. Cơ cấu thu nhập chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, các mảng kinh doanh dịch vụ tăng trưởng nhanh về quy mô.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng liên tục giảm qua các năm. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%, giảm mạnh so với mốc 1,12% năm 2017. VCB đã thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế và là ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trên thị trường.

Không nêu lợi nhuận ước tính năm 2022, song Chủ tịch Vietcombank cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận Vietcombank đạt 25.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Xin gỡ room tín dụng, có cơ chế riêng về trả lương để giữ nhân tài

Nhằm tạo điều kiện cho các NHTMNN có thể thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường, là lực lượng nòng cốt thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, lãnh đạo Vietcombank đề nghị, NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước (big 4) được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

“Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi qui mô vốn điều lệ”, ông Dũng khẳng định.

Ngoài ra, Vietcombank cũng đề nghị NHNN cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để VCB nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong 5 năm qua (2016-2021), năng suất lao động bình quân của VCB tăng hơn 200% nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%.

VCB cũng xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan cho phép có cơ chế lương riêng, không thuộc quỹ lương chung của ngân hàng, dành cho các vị trí công việc đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trước mắt có thể cho phép triển khai thí điểm với các điều kiện ràng buộc về hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.

Ngoài ra, do ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò trọng yếu đối với hệ thống, có quy mô tài sản và số lượng cán bộ nhân viên rất lớn. Vietcombank kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép  Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung được tăng thêm số lượng Phó Tổng Giám đốc để đảm bảo chất lượng hoạt động.

Tính từ năm 2012 đến nay, qui mô của VCB đã tăng gần 5 lần, trong khi định mức tối đa về số lượng Phó Tổng Giám đốc (được áp dụng từ năm 2012) là không thay đổi - chưa kể đến thực tế có 1 PTGĐ người nước ngoài đại diện của cổ đông chiến lược Mizuho không tham gia điều hành.

Sốt ruột vì tăng vốn chậm 

Chủ tịch Vietcombank cho biết, tính đến thời điểm này,  Vietcombank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng được đề ra tại Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả; tạo ra những bước chuyển lớn và tiền đề quan trọng cho một giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, một nội dung quan trọng Vietcombank chưa hoàn thành so với Phương án đã đề ra là việc tăng vốn điều lệ, là vấn đề nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nói chung cũng như Vietcombank nói riêng. 

Hiện tại, VCB đang hoàn thiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN, bản chất nội hàm chính là Chiến lược phát triển của VCB đến 2025, định hướng 2030 đã được VCB xây dựng với tầm nhìn giữ vững vị trí là ngân hàng số 1 tại Việt Nam, đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, một trong các giải pháp trọng yếu được Vietcombank xác định là phải tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát chặt chẽ chất lượng danh mục tín dụng. Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn đạt mức tối thiểu 10%, đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 11%.

Để thực hiện mục tiêu này, Vietcombank đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTMNN còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

“VCB rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 & 2020 sau khi trích lập các quĩ (nội dung này đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ). Trong năm 2023, VCB dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (là nội dung đã được Thủ tướng Chính Phủ, NHNN và BTC đồng ý về chủ trương). VCB rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, NHNN và các bộ ban ngành liên quan trong quá trình báo cáo, giải trình và xin phê duyệt của Quốc hội”, ông đề nghị nhấn mạnh.

Tín dụng tăng cao gấp đôi huy động vốn, NHNN thận trọng room tín dụng năm 2023
Phó Thống đốc cho biết, tín dụng tính tới thời điểm này tăng gần 13% trong khi huy động vốn chỉ tăng 6%. Việc cung ứng vốn cho nền kinh tế phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư