Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Vietcombank lên kế hoạch phát hành hơn 2,7 tỷ cổ phiếu tăng vốn lên 75.000 tỷ đồng
T.V - 30/01/2023 15:35
 
Vietcombank (Mã: VCB) vừa công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.

Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.

Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực. Vốn điều lệ của Vietcombank là thấp nhất trong số các Ngân hàng thương mại Nhà nước, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu  trong khu vực. 

Như vậy, nếu không được tăng vốn thì ngân hàng khó có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước; đồng thời cũng không đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 – 3 ngân hàng thương mại nằm trong Top100 ngân hàng lớn nhất (về tài sản) trong khu vực Châu Á”, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Vietcombank đánh giá việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phủ hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là khá thách thức. Do đó việc thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang tiếp tục xúc tiến. 

Vietcombank cũng cho biết giải pháp phát hành trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó khăn do đối mặt với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng và gây áp lực gia tăng chi phí vốn của Vietcombank.

Với vai trò là ngân hàng thương mại lớn góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đặc biệt là cỏ đủ nguồn lực tích cực tham gia phương án tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank cho biết cần bổ sung vốn để trở thành ngân hàng thương mại Nhà nước có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Vietcombank như vào một số lĩnh vực: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém...

Ngày 30/1, Vietcombank đã ban hành nghị quyết đại hội cổ đông bất thường năm 2022. Trong đó, Vietcombank bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank vào Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng vào thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2018-2023. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974, có bằng cử nhân Kinh tế Ngoại Thương, Đại học Ngoại Thương và cử nhân Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Vietcombank như Phó TGĐ phụ trách Khối Bán buôn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp Trụ sở chính, Giám đốc chi nhánh Tây Hồ,...

Bên cạnh việc bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị, Vietcombank cũng dự kiến trình kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và trình cổ đông phương án tăng vốn năm 2023 như trên. 

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank kết phiên giao dịch ngày 30/1 ở mức 89.900 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu tháng 1/2023.

Vietcombank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội, nợ xấu thấp kỷ lục
Lãi suất cho vay luôn thấp nhất hệ thống song chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ cùng với đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ngoài lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư