Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VietinBank chưa dừng "chinh phạt" M&A
Chí Tín - 03/05/2016 14:17
 
Sau thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Việt Nam (PGBank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có thể chưa dừng cuộc “trường chinh” trong mua bán và sáp nhập (M&A).

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, thời gian tới, xu hướng M&A trong ngành ngân hàng sẽ diễn ra sôi động và VietinBank không những sẽ duy trì thứ hạng của mình, mà có thể thực hiện các thương vụ M&A khác để tiếp tục củng cố vị thế.

Nói thêm về vấn đề này, người đứng đầu VietinBank cho rằng, M&A là cơ hội để VietinBank tăng quy mô và vị thế. Hơn nữa, khi nhận sáp nhập các ngân hàng khác, VietinBank cũng tận dụng được các lợi thế của họ để phục vụ chiến lược phát triển chung của mình. “Ngoài PGBank, trong tương lai, rất có thể VietinBank sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A các ngân hàng khác nếu thấy phù hợp”, ông Thắng tiết lộ.

Dự kiến đến tháng 9/2016, VietinBank sẽ hoàn tất thương vụ nhận sáp nhập PGBank. Ảnh: Đức Thanh
Dự kiến đến tháng 9/2016, VietinBank sẽ hoàn tất thương vụ nhận sáp nhập PGBank. Ảnh: Đức Thanh

Thương vụ nhận sáp nhập PGBank cũng là một ví dụ được VietinBank đưa ra khi cho rằng, cuộc “hôn nhân” này phù hợp với định hướng phát triển hệ thống ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng, do PGBank có mạng lưới gồm 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, lại được tận dụng hệ thống của cổ đông lớn Petrolimex.

Trong thương vụ nhận sáp nhập PGBank, lãnh đạo VietinBank cho biết, dự kiến đến tháng 9/2016 sẽ hoàn tất. Đây là thương vụ đã được bắt tay triển khai từ năm 2015, 2 bên đã ký kết hồ sơ sáp nhập, nhưng kéo dài khá lâu. Theo đại diện VietinBank, thời gian qua đã có sự thay đổi văn bản pháp lý về M&A ngân hàng. Theo đó, một số nội dung của đề án này phải được 2 bên sửa đổi và cập nhật.

Cụ thể, 2 ngân hàng phải cập nhật tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, phương án kinh doanh dự kiến 3 năm sau sáp nhập, đánh giá tác động phương án xử lý của việc sáp nhập, việc tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ an toàn vốn sau sáp nhập… Tương tự, Hợp đồng sáp nhập cũng phải được sửa đổi liên quan đến điều khoản quy định các hành vi bị cấm đối với các bên tham gia sáp nhập.

Thực tế đã nảy sinh một số vấn đề khiến 2 bên phải cân đối lại lợi ích của cổ đông 2 ngân hàng. Năm 2015, VietinBank đã chia cổ tức năm 2014, do đó, đến hết năm 2015, sau khi cập nhật lại các số liệu tài chính 2 bên, để không làm thay đổi giá trị cổ phiếu của mỗi bên, cả VietinBank và PGBank đều cam kết không chia cổ tức trước khi việc sáp nhập hoàn tất.

Ngoài việc nhận sáp nhập PGBank có thể coi đã ngã ngũ, chuyện tiếp theo mà các nhà đầu tư quan tâm là “điểm ngắm” tới đây trong cuộc “trường chinh” M&A của VietinBank là ngân hàng nào?

Dù đã hé lộ khả năng tiếp tục M&A một hoặc một số ngân hàng khác, nhưng VietinBank vẫn khá kín tiếng về thời điểm và đối tác cụ thể. Cả 2 ngân hàng mà VietinBank đang dìu dắt khá chu đáo thời gian gần đây là Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) cũng chưa được bất cứ nguồn tin nào xác nhận có thể sẽ là đối tác M&A của VietinBank.

Được biết, Ocean Bank và GP Bank là các ngân hàng từng gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ mất thanh khoản. Thời gian qua, VietinBank đã hỗ trợ các ngân hàng này bằng nhiều hình thức như tư vấn nghiệp vụ, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro, thu hồi và xử lý nợ… Đến nay, các ngân hàng này đã hoạt động ổn định, tình hình tài chính tương đối lành mạnh.

ĐHCĐ VietinBank: Sửa Đề án sáp nhập PGBank, không chia cổ tức
Chiều nay (25/4), Ngân hàng TMCP Vietinbank (mã: CTG) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016. Một trong những tờ trình quan trọng được ĐHCĐ thông qua là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư