Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VietinBank đại hội cổ đông vào 21/4, có điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận?
Thùy Liên - 12/03/2020 08:21
 
Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank; HoSE:CTG) vừa thông báo kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020 vào ngày 21/4 tại Hà Nội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
à
VietinBank và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lên kế hoạch ĐHCĐ trong tháng 4/2020

Có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020?

Đại hội cổ đông thường niên 2020 của VietinBank năm 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào 21/4/2020, tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank (Hoài Đức, Hà Nội).

Tại đại hội, cổ đông sẽ xem xét và thông qua các báo cáo về kết quả hoạt động năm 2019, định hướng năm 2020 của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Điều hành và Ban kiểm soát.

Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, thông qua mức thù lao với HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2020; thông qua tờ trình nhân sự của VietinBank và các nội dung khác.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2019 là  11.780 tỷ đồng, tăng thêm 5.222 tỷ đồng so với năm trước, đạt mức tăng trưởng 79,6%.

Giải trình của VietinBank cho thấy, lợi nhuận tăng mạnh do thu nhập lãi thuần tăng 49,5%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng hơn 120%, lãi thuần từ dịch vụ tăng 46,4%. Trong khi hiệu quả tăng lên thì chi phí hoạt động của ngân hàng lại được kiểm soát chặt chẽ,  cải thiện hiệu quả sử dụng. Năm 2019, mức tăng chi phí của ngân hàng chỉ 11,7% (1.651 tỷ đồng). Tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập hoạt động (CIR) được kiểm soát ở mức 38,8%, thấp hơn nhiều so với năm 2018.

Hiện VietinBank chưa công bố tài liệu trình ĐHCĐ nên chưa rõ các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng có được điều chỉnh hay không. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm nay, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 6% - 8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8% - 10%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 10% trở lên so với năm 2019.

Tại ĐHCĐ thường niên của BIDV mới đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, ngân hàng chưa điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2020 song dự báo năm 2020 sẽ rất khó khăn với nền kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy, Chủ tịch BIDV cho biết sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông. 

 Tăng vốn sẽ là vấn đề nóng

VietinBank không đưa ra nội dung tăng vốn trong công bố thông tin về ngày tổ chức ĐHCĐ năm 2020. Tuy nhiên, chắc chắn vấn đề tăng vốn sẽ là câu chuyện được nhiều cổ đông quan tâm nhất tại ĐHCĐ của ngân hàng này, bởi hệ số an toàn vốn (CAR) của VietinBank đang ở mức tối thiểu và có có thể tăng trưởng thời gian tới nếu không được tăng vốn.

Tại  Hội nghị Nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đầu năm nay, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngoài phương án giữ lại lợi nhuận năm 2017-2018 để tăng vốn, ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu các bước tăng vốn tiếp theo để trình Chính phủ và các cơ quan bộ ngành.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ cải thiện vốn tự có bằng nguồn vốn cấp 2 như phát hành trái phiếu. VietinBank cũng đang tái cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con, các công ty góp vốn cổ phần theo hướng cổ phần hóa mạnh mẽ những công ty con trực thuộc của VietinBank.

Lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, với dự kiến sẽ tăng được vốn trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khoảng 8-10% và ngân hàng hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn nếu lộ trình tăng vốn được đẩy nhanh. 

Hiện Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trong năm nay. Cuối tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank.

Trong tháng 4/2020, ngoài VietinBank, đến thời điểm này còn có hàng loạt ngân hàng khác lên lịch tổ chức ĐHCĐ như Vietcombank, ACB, Eximbank, Sacombank…

VietinBank còn gần 6.200 tỷ đồng dư nợ trái phiếu VAMC
VietinBank thực ra đã sớm đưa nợ xấu về cùng một sổ nhưng lại vừa bổ sung thêm hơn 13.000 tỷ đồng cuối năm ngoái. Đến nay, ngân hàng đã trích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư