Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vietjet và Bamboo Airways mong ngóng gói hỗ trợ tài chính từ Nhà nước
Anh Minh - 27/11/2020 14:13
 
Cả hai hãng hàng không tư nhân là Vietjet và Bamboo Airways đều mong sớm nhận được gói hỗ trợ tài chính như Vietnam Airlines được hưởng để tồn tại, vượt qua tác động của dịch Covid -19.
Thị trường hàng không Việt Nam được dự báo cần 2 -3 năm nữa mới có thể phục hồi như trước dịch Covid-19.
Thị trường hàng không Việt Nam được dự báo cần 2 -3 năm nữa mới có thể phục hồi như trước đại dịch Covid-19.

“Gói hỗ trợ tài chính”; “khoản vay lãi suất” là những cụm từ được các doanh nghiệp hàng không nhắc đến nhiều nhất trong cuộc hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không tổ chức vào sáng 26/11.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không trong và ngoài nước. Đối với Bamboo Airways, tại thời điểm cao điểm dịch, đội tàu bay của hãng hàng không non trẻ này đã phải ngừng hoạt động từ 80% - 90%.

Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh năm 2020, nhưng theo đại diện Bamboo Airways, về mặt tài chính, ngoài việc mất thêm các chi phí cho hoạt động cách ly, phòng chống dịch, hãng này đã và đang phải chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nội địa cũng như quốc tế sụt giảm rất sâu.

“Để hỗ trợ hãng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Bamboo Airways đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt cho Vietnam Airlines”, đại diện Bamboo Airways kiến nghị.

Khoản hỗ trợ tài chính này được đánh giá là rất cần thiết để các hãng duy trì dòng tiền bên cạnh các gói hỗ trợ chính sách như giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2020; kéo dài thời gian giảm một số loại phú liên quan đến hoạt động bay…

Là hãng hàng không tư nhân được cho là có nền tảng tài chính mạnh, nhưng chỉ trong 9 tháng năm 2020, dịch Covid -19 đã khiến Vietjet lỗ khoảng 2.400 tỷ đồng.

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, để duy trì dòng tiền, Vietjet đã phải cần tới các khoản vay trị giá 10.000 tỷ đồng dù đã bán hay chuyển nhượng tài sản đã tích lũy trong nhiều năm.

“Không chỉ Vietnam Airlines, các hãng bay khác trong nước đều muốn tiếp cận khoản vay ưu đãi với thời hạn 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của Nhà nước. Khi phục hồi, các hãng sẽ trả lãi vay ưu đãi và vốn vay để vượt qua giai đoạn khủng hoảng”, bà Yến Phương cho biết và kiến nghị Chính phủ cần đơn giản hóa các thủ tục để có thể giải ngân những gói hỗ trợ này một cách kịp thời.

Là đơn vị vừa được Quốc hội ban hành gói hỗ trợ tài chính, trong đó có khoản vay ưu đãi có quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm nhưng ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết khó khăn với hãng vẫn còn rất lớn do việc phục hồi như trước dịch Covid -19 cần từ 3-4 năm.

Đại diện Vietnam Airlines dự báo, thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay, riêng, Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

“Thị trường nội địa tuy có phục hồi nhưng sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh. Thị trường quốc tế đóng băng tập trung chủ yếu là các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Hiện, dịch Covid-19 đã lắng dịu nhưng với đà suy thoái kinh tế và tâm lý lo ngại đó vẫn là rào cản kéo dài phục hồi ngành hàng không nói chung,” ông Hoàng chỉ ra thực tế chung và kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT xem xét không cấp phép thành lập thêm các hãng hàng không mới cho tới khi thị trường phục hồi hoàn toàn.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.

Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại.

Kịch bản thứ hai, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Đánh giá hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo chữ V, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.

“Mặc dù vậy, với kịch bản tích cực nhất là thị trường hàng không cũng mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019,” ông Hảo khẳng định.

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khoản hỗ trợ mà Quốc hội dành cho Vietnam Airlines trên tư cách là hỗ trợ của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu 86% vốn tại Vietnam Airlines là thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu, khác với chính sách hỗ trợ chung cho các hãng hàng không. Việc này Quốc hội đã có nghị quyết cho phép hỗ trợ rất mang tính thị trường, minh bạch.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, trên tầm nhìn quốc gia các hãng hàng không Việt Nam cũng cần phải được hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ bằng lãi suất tái cấp vốn. Đây là khoản hỗ trợ cần thiết để các hãng bay Việt Nam có thể đứng vững và có thể bật dậy ngay khi thị trường hàng không thế giới phục hồi.

Ngoài việc chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, ông Thiên khuyến nghị các hãng hàng không cần tập trung kích hoạt thị trường nội địa hàng không như là điểm tựa quan trọng để có thể tồn tại, phục hồi sau dịch Covid-19.

“Dịch Covid-19 đã làm thay đổi cấu trúc của ngành hàng không thế giới. Tại thời điểm này không phải cứ to lớn, nổi tiếng là chắc chắc sống sót. Nếu các hãng hàng không Việt Nam đoàn kết, đồng lòng thì đây lại là cơ hội để chúng ta có thể vươn lên tham gia vẽ lại bản đồ hàng không thế giới”, ông Thiên nhấn mạnh.

Không nên dùng từ “giải cứu” Vietnam Airlines
Là cổ đông đang nắm hơn 86% vốn điều lệ, việc hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra cũng chính là cách mà chủ sở hữu Nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư