Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Vietravel Airlines ghi tên vào thị trường air cargo; Masan mở chuỗi bán lẻ mới; Starbucks và MoMo bắt tay
Khánh An tổng hợp - 10/09/2022 09:18
 
Be Group nhận khoản vay từ Deutsche Bank, Vietravel Airlines tham gia thị trường air cargo; Gạo Việt lên kệ siêu thị Pháp; Masan mở chuỗi bán lẻ mới... là một số thông tin đáng chú ý tuần qua.
.
Thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang có thêm nhiều tên tuổi mới

Vietravel Airlines muốn ghi tên vào thị trường air cargo 

Vietravel Airlines sẽ tham gia vào thị trường vận tải hàng hóa hàng không (air cargo) sau khi bắt tay cùng Asean Cargo Gateway (ACG).

Hợp tác đầu tư giữa Vietravel Airlines và ACG vừa được công bố, theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% - 49% nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không, đại lý hàng hóa cho các hãng trong khu vực.

Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho rằng, thị trường hàng hóa hàng không vẫn còn nhiều tiềm năng khi chưa được khai thác triệt để. Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có sức hút hàng đầu cũng là cơ hội để ngành logistics và vận tải hàng hoá hàng không cất cánh.

Ông nhận định hiện tại là thời điểm thích hợp để xây dựng phát triển mảng vận tải hàng hóa hàng không (air cargo) tại Việt Nam. Sau gần 2 năm cất cánh, Vietravel Airlines đang vận hành đội tàu bay với 3 chiếc A321 và cũng đang có kế hoạch nhận thêm các tàu bay mới sắp tới.

Trong năm đầu tiên tham gia thị trường air cargo, Vietravel Airlines sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các công xưởng sản xuất lớn tại châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan trên đội tàu bay cargo chuyên dụng 2 đến 4 chiếc B737-800F. Hãng dự kiến tăng gấp đôi quy mô đội bay chở hàng trong năm tiếp theo.

Thời gian qua ngành hàng không bị ảnh hưởng nằng nề bởi Covid-19 nhưng mảng vận tải hàng hóa lại phát triển và cũng là phương án hỗ trợ cho nhiều hãng bay trong mùa dịch. Ông lớn Vietnam Airlines đã chuyển đổi một số máy bay chở khách thành chở hàng và cũng từng tuyên bố muốn lập đội bay chở hàng riêng biệt.

Hiện tại, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đang triển khai các bước cuối cùng để đưa hãng bay chở hàng IPP Air Cargo cất cánh. Nếu được các cơ quan chức năng cấp phép, hãng dự kiến có chuyến bay đầu tiên tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vào tháng 11. Đến nay, hãng này đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF. Với tham vọng lớn của ông vua hàng hiệu vào thị trường air cargo, doanh nghiệp dự tính mua thêm 10 máy bay trong các năm tiếp theo.

Gạo Việt lên kệ siêu thị Pháp

Sau khi lên kệ hơn 700 siêu thị E.Leclerc, gạo Việt tiếp tục được phân phối bởi 253 đại siêu và hơn 3.000 siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp thuộc hệ thống phân phối Carrefour.

.
Lễ khai trương sự kiện được tổ chức tại đại siêu thị Carrefour Ormesson và E.Leclerc Viry Chatillon với sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đại diện Bộ Công Thương, ban lãnh đạo Tập đoàn Carrefour Pháp và E.Leclerc Viry Chatillon

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, các ngày 2/9 và 6/9, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đối tác tổ chức Tết Trung thu Việt Nam trên hai hệ thống phân phối của Pháp là Carrefour và E.Leclerc. Theo đó, những túi gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam” tiếp tục có trên kệ tại chuỗi siêu thị Carrefour gồm 253 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp.

Trong khuôn khổ hoạt động này, người tiêu dùng Pháp sẽ được giới thiệu về sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Việt Nam”. 

Trước đó, gạo Việt Nam cũng lần đầu tiên được bày bán trên kệ 583 đại siêu thị, hơn 100 siêu thị khác thuộc hệ thống phân phối E.Leclerc. Đây là bước tiến đầu tiên, dài và đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, gạo là mặt hàng mũi nhọn được triển khai trong Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài của Bộ Công Thương. Quá trình xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch cho tới thương thảo hợp đồng và chính thức lên kệ tại Pháp kéo dài gần 2 năm.

Số liệu thống kê từ Hải quan, trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 17.000 tấn gạo sang Pháp, đạt 13 triệu USD, chiếm 2,9% tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của Pháp. 

Mới đây, món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản, gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn một năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. 

Đánh giá về việc gạo Việt bày bán trong siêu thị Pháp, thành "bữa ăn đặc biệt" trong văn phòng Nội các Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, bước tiến trong thực hiện chiến lược chọn đúng điểm nhấn, đưa gạo Việt Nam vào những thị trường khó tính nhất. Đồng thời chứng minh chất lượng gạo đã theo đổi theo hướng ngày càng tốt hơn.

Qua đây cũng cho thấy, nông sản Việt thay vì chỉ được bày bán tại những siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ gốc Á ở châu Âu, nay đã chính thức đặt chân vào những hệ thống phân phối lớn tại các thị trường cao cấp. 

Masan mở chuỗi bán lẻ mới

Tập đoàn Masan cho biết vừa đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng đa tiện ích WIN tại Hà Nội và TP HCM.

,
Chuỗi cửa hàng đa tiện ích WIN của Masan trong hệ sinh thái WINlife

Đây là chuỗi cửa hàng mới trong chiến lược phát triển hệ sinh thái WINlife của Masan. Mục đích của công ty là giúp người tiêu dùng trải nghiệm hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ cao cấp, tiện lợi hơn.

Chuỗi mới này có nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, dược phẩm Phúc Long, dịch vụ viễn thông (Reddi). Trong năm 2022, Masan có kế hoạch đưa khai trương từ 80 đến 100 cửa hàng WIN trên cả nước.

ừ khi mua chuỗi siêu thị Vinmart từ VinGroup, tới nay Masan đã tái cấu trúc thành công, cải thiện hiệu quả chuỗi này. Nửa đầu năm nay, Masan cũng đã đổi tên thành công toàn bộ cửa hàng VinMart thành WinMart.

Báo cáo nửa đầu năm nay, Tập đoàn Masan cho biết doanh thu giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.700 tỷ đồng. Phần lớn nguồn thu đến từ những siêu thị mở trước năm 2021, các điểm còn lại đóng góp gần 200 tỷ đồng.

WinMart và WinMart+ ghi nhận lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái. Hai chuỗi này đóng góp gần 40% vào tổng doanh thu và 32% vào tổng lãi gộp của Masan. Nguồn thu còn lại đến từ công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, thịt, khai khoáng, trà và cà phê.

Be Group vừa nhận khoản vay mới từ Deutsche Bank

Bà Vũ Hoàng Yến, Giám đốc điều hành của Be Group, cho biết khoản vay của Be Group từ Deutsche Bank, bao gồm một điều khoản cho phép tăng nguồn tài chính lên tới ít nhất 100 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để mở rộng và nâng cao các dịch vụ chính của Be Group, bao gồm dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và ngân hàng số.

,
 Be Group đang tìm cách trở thành một nền tảng di động kết hợp tất các phương thức giao thông vào ứng dụng để cung cấp giải pháp “all- in-one” cho khách hàng.

Ra mắt vào năm 2018, Be Group hoạt động tại 28 tỉnh thành ở Việt Nam. Đến nay, ứng dụng của Be đã được cài đặt trên hơn 20 triệu thiết bị di động. Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của Be Group tại một số thị trường trọng điểm như TP.HCM đã tăng gấp 2 lần. Dự kiến, nền tảng ứng dụng này sẽ vượt qua 10 triệu người dùng trong năm tới và đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó vào năm 2026.

Một trong những chiến lược quan trọng của Be Group là hướng tới trở thành một nền tảng mở, kết hợp nguồn lực của các đối tác cùng tham gia. Hiện tại, Be Group hợp tác với Emddi và Liên minh taxi Việt nam cũng như liên kết với hệ thống bán vé xe khách toàn quốc Vexere.vn để đưa dịch vụ gọi xe taxi, mua vé xe khách lên ứng dụng. Thay vì hướng tới trở thành mô hình siêu ứng dụng như nhiều hãng gọi xe khác, Be Group đang tìm cách trở thành một nền tảng di động kết hợp tất các phương thức giao thông vào ứng dụng để cung cấp giải pháp “all- in-one” cho khách hàng.

Có thể nói, thị trường gọi xe Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ các người chơi lớn như Grab của Singapore, Gojek của Indonesia và Be Group của Việt Nam. Sự cạnh tranh của các nền tảng không chỉ đến từ phí dịch vụ mà còn là về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các nền tảng gọi xe công nghệ là tài chính. Những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính rất khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công. Ở khía cạnh này, rất ít người chơi có thể vượt qua được tiềm lực tài chính của Grab. Liệu với nguồn lực mới từ Deutsche Bank, Be Group có thể sẽ thách thức được sự thống trị của Grab tại Việt Nam?

Starbucks và MoMo bắt tay

Chuỗi cà phê Starbucks và MoMo vừa chính thức hợp tác để ví điện tử Việt Nam trở thành một phương thức thanh toán kỹ thuật số tại chuỗi này.

.
 MoMo là ví điện tử đầu tiên trở thành phương thức thanh toán tại chuỗi Starbucks Vietnam

Hợp tác của hai bên giúp hệ thống cà phê quốc tế tiếp cận được tệp hàng chục triệu người dùng của MoMo. Ngược lại, phía MoMo cũng sẽ có thêm nhóm khách hàng hiện đại, thu nhập cao từ Starbucks của chuỗi Starbucks Vietnam (bằng hình thức mã thanh toán), bên cạnh hình thức thanh toán tiền mặt và thẻ như hiện tại.

Cú bắt tay của hai thương hiệu lớn cũng góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, góp phần tích cực trong mẫu hình chuyển đổi số doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Tổng giám đốc MoMo cho rằng, hợp tác với Starbucks giúp ví điện tử này củng cố thêm niềm tin để hiện thực hóa giấc mơ người Việt có thể ra đường chỉ với một chiếc điện thoại.

Masan ra mắt hệ sinh thái WINLife “Trọn vẹn điều bạn cần” với chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích đầu tiên
Ngày 9/9, Tập đoàn Masan ra mắt hệ sinh thái WINLife “Trọn vẹn điều bạn cần” với chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích đầu tiên đáp ứng đầy đủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư