Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vinaconex 3 thử sức trên “đường cao tốc”
Chí Tín - 18/03/2017 09:29
 
Chặng đường phía trước sẽ là giai đoạn thử sức bền đối với Công ty cổ phần Xây dựng số 3 - Vinaconex 3 (mã VC3, sàn HXN), khi Công ty đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng trong năm 2017 sau đà tăng tốc trong năm 2016.

Vào đà tăng tốc

Năm 2016, Vinaconex 3 đã tăng tốc khá ngoạn mục khi đạt tổng doanh thu hợp nhất 559,7 tỷ đồng, tăng 16,78% so với năm 2015 và vượt 11% kế hoạch. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng tới 75,35% so với năm trước và đạt hơn 75 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS đạt 3.424 đồng/cổ phiếu. Dòng tiền của Công ty cũng đang chuyển dịch khá tốt, trong đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2016 đã đạt tới hơn 99 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015.

.
Năm 2017, đặt chỉ tiêu Vinaconex 3 lợi nhuận sau thuế 80,94 tỷ đồng và cổ tức dự kiến là 30%.

Theo ông Đinh Tiến Nhượng, Tổng giám đốc Vinaconex 3, năm 2016 là năm Công ty đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong suốt quá trình hoạt động từ trước đến nay. Theo đó, Công ty dự kiến chia cổ tức 2016 cho các cổ đông với tỷ lệ lên tới 34%, bằng 170% so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm. Thời gian chia cổ tức dự kiến được thực hiện vào khoảng quý II/2017, trong đó trả cổ tức bằng tiền 5% và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 29%.

Ngoài các con số tăng trưởng khá tốt về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016, thì cơ cấu tài chính của Vinaconex 3 đã thay đổi theo chiều hướng bền vững hơn. Chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm đáng kể, từ mức hơn 40,4 tỷ đồng năm 2015 xuống còn hơn 30,5 tỷ đồng năm 2016. Con số này cho thấy bộ máy quản trị và điều hành của Vinaconex đang vận hành có hiệu quả hơn trong việc kiểm soát các chi phí hành chính.

Trong cơ cấu tài chính, tổng nợ phải trả đến cuối năm 2016 cũng đã giảm xuống còn hơn 857 tỷ đồng, chỉ bằng 87% so với con số hơn 990 tỷ đồng năm 2015. Đáng chú ý là nợ phải trả của Công ty giảm, trong khi vốn chủ sở hữu lại được tích lũy tăng thêm, từ mức 242 tỷ đồng năm 2015 lên mức gần 300 tỷ đồng năm 2016. Sự dịch chuyển này đã làm thay đổi cơ cấu tài sản của Công ty theo chiều hướng lành mạnh hơn.

Thử thách trên đường chạy mới

Mặc dù đã có những bước tăng tốc ngoạn mục trong năm 2016, nhưng chặng đường phía trước đối với Vinaconex 3 vẫn còn khá nhiều thử thách, đặc biệt là khi công ty này đặt ra những mục tiêu kinh doanh khá tham vọng.

Năm 2017, Vinaconex 3 đặt kế hoạch doanh thu 640,32 tỷ đồng, tăng 14,4% so với thực hiện của năm 2016. Trong đó, doanh thu bất động sản là 397,23 tỷ đồng, tăng 4% và doanh thu mảng xây lắp là 214,75 tỷ đồng, tăng 95,8%. Lợi nhuận sau thuế 80,94 tỷ đồng, tăng 7,5%. Cổ tức dự kiến 30%.

Cơ sở để công ty này đặt ra những mục tiêu lớn trong năm 2017 nằm ở chỗ, quỹ đất của Công ty còn khá dồi dào tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình… Đây là khu vực mà sự phát triển các khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ, thu hút số lượng lao động lớn, nên nhu cầu nhà ở trong và xung quanh khu vực thành phố rất tiềm năng và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Trong năm 2017, Vinaconex sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và nếu suôn sẻ thì đến quý II/2017 sẽ có thể khởi công dự án. Một trong những dự án lớn khác được công ty này tập trung thực hiện là Dự án tòa nhà Văn phòng cho thuê tại 389 - Đê La Thành, Hà Nội và có khả năng dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, thử thách trước mắt của Vinaconex 3 cũng không phải là ít. Bởi lẽ, các dự án trọng điểm đều đã gần hoàn thành, trong khi các dự án mới còn khá sơ khai, cần một thời gian mới đến kỳ “hái quả”. Nếu các dự án mới không được đẩy nhanh để tạo nguồn thu gối đầu, thì có thể Công ty sẽ có giai đoạn “hụt hơi”.

Cơ cấu nợ của Vinaconex 3

Vay và nợ thuê tài chính dài hạn trong năm 2016 chỉ hơn 35,5 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng nợ dài hạn.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng chỉ ở mức hơn 69 tỷ đồng, chiếm hơn 8% tổng nợ ngắn hạn.

Khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ của Vinaconex 3 là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn gần 492 tỷ đồng. Đây là khoản Công ty đã thu từ khách hàng và phần ghi nợ sẽ tự biến mất khi bàn giao nhà cho khách hàng.

Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel chính thức "về một nhà" với SHB
Ngân hàng TMCP SHB và Công ty ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) vừa ký biên bản chính thức bàn giao để hoàn tất giao dịch sáp nhập sau đúng 1...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư