Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần:
VinFast đưa xe điện đến Philippines; May Sông Hồng lập công ty tại Ai Cập; Nhựa Hà Nội hợp tác với "ông lớn" Hàn Quốc
Khánh An tổng hợp - 11/05/2024 09:14
 
Thế Giới Di Động không còn 4KFarm và CTCP Logistics Toàn Tín; Nhựa Hà Nội hợp tác với "ông lớn" Hàn Quốc; VinFast gia nhập thị trường ô tô điện Philippines; May Sông Hồng đầu tư tại Ai Cập; Hoàng Anh Gia Lai IPO công ty chăn nuôi vào cuối 2024.

Thế Giới Di Động giải thể 2 công ty con

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc giải thể CTCP 4KFarm và CTCP Logistics Toàn Tín. Lý do là để tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.

4KFarm có vốn điều lệ 162 tỷ đồng và do MWG sở hữu 99% vốn. Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2020, dự án này đã được CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động lần đầu giới thiệu đến công chúng.

Theo đó, 4KFarm là mô hình nuôi trồng nông nghiệp công nghệ theo 4 tiêu chí không thuốc trừ sâu, không thực phẩm biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng và không chất bảo quản.

Dự án này là mô hình kết hợp giữa vườn rau nhà trồng và công nghệ hiện đại. Công ty có đội chuyên gia chuyển giao công nghệ cho người nông dân và cam kết bao tiêu đầu ra, sau đó đưa đến tay người tiêu dùng thông qua Bách Hóa Xanh. 4KFarm không thu mua sản phẩm từ các bên thứ ba không hợp tác, mà chỉ mua từ những đối tác nông dân của dự án.

4KFarm có vốn điều lệ 162 tỷ đồng và do MWG sở hữu 99% vốn

Logistics Toàn Tín đang cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động, An Khang ... trên toàn quốc. Hiện Thế giới Di động nắm giữ 99,99% trên vốn điều lệ của  Logistics Toàn Tín. Như vậy, Công ty này bị giải thể sau 2 năm thành lập.

Thế Giới Di Động đã từng gây chú ý với việc đóng gần 200 cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh hoạt động không hiệu quả trong quý IV/2023.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho biết khái niệm tái cấu trúc theo góc nhìn của Tập đoàn là một quá trình "giảm lượng và tăng chất" và "Quá trình này không phải làm một lần và biến mất, mà đây là một văn hóa mới, diễn ra liên tục".

Quá trình sẽ được làm mới từ 6 tháng đến 1 năm một lần, để đảm bảo chúng ta không có cái gì dư thừa trên cơ thể, bảo đảm mọi thứ giữ lại đều là những thứ hiệu quả. Như vậy, chúng ta sẽ có một tổ chức gãy gọn, ngon lành, mạnh mẽ" , vị Chủ tịch phát biểu.

Nhựa Hà Nội hợp tác với "ông lớn" Hàn Quốc

CTCP Nhựa Hà Nội (HPC) và Tập đoàn PowerNet Technologies (Hàn Quốc) ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác chiến lược toàn diện trong việc lắp ráp các thiết bị điện tử.

 Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa CTCP Nhựa Hà Nội (HPC) và Tập đoàn PowerNet Technologies (Hàn Quốc)

Với thỏa thuận hợp tác mới với Tập đoàn PowerNet Technologies, Nhựa Hà Nội sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và lắp ráp các linh kiện phức tạp cấu thành máy lọc không khí, thay vì chỉ sản xuất các linh kiện nhựa như trước đây. Do đó, đây sẽ là bước đi quan trọng đưa Nhựa Hà Nội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng cho Tâp đoàn Coway, đồng thời mở ra cơ hội để Nhựa Hà Nội trở thành nhà cung ứng hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Hàn Quốc và các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới trong tương lai.

Để triển khai Thỏa thuận một cách suôn sẻ, Nhựa Hà Nội và Tập đoàn PowerNet Technologies dự kiến sẽ thành lập và vận hành một ban chỉ đạo gồm các thành viên quản lý, hợp tác thảo luận, trao đổi về nhiều vấn đề khác nhau.

Tập đoàn PowerNet Technologies là doanh nghiệp chuyên sản xuất bộ chuyển đổi nguồn điện (SMPS) hàng đầu tại Hàn Quốc, với hơn 30 năm kinh nghiệm. Công ty có trụ sở tại Hàn Quốc và mạng lưới nhà máy đặt tại thành phố Thanh Đảo và Thẩm Dương (Trung Quốc). Hiện sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu tới 12 quốc gia trên thế giới.

Hiện PowerNet Technologies là nhà cung ứng cấp 1 của Tập đoàn Coway – một thương hiệu lớn tại Hàn Quốc, với hàng chục năm kinh nghiệm trong việc sản xuất và phát triển thiết bị gia dụng, nổi bật nhất là máy lọc không khí và máy lọc nước.

VinFast chính thức gia nhập thị trường ô tô điện Philippines

Sự kiện ra mắt thương hiệu tại Philippines sẽ được VinFast tổ chức tại thủ đô Manila vào ngày 31/05 - 02/06. Philippines là bước tiến mới của VinFast trong chiến lược mở rộng tại thị trường Đông Nam Á, đặc biệt khi quốc gia này đang áp dụng các chính sách thúc đẩy sự phát triển của xe điện.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trao đổi với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về kế hoạch đầu tư vào thị trường Philippine tại cuộc gặp ngày 29/1/2024, nhân dịp Chuyến thăm cấp Nhà nước củaTổng thống Ferdinand Marcos Jr tới Việt Nam.

Để nhanh chóng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng Philippines, VinFast dự kiến triển khai hoạt động kinh doanh thông qua mạng lưới đại lý trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cũng như tại các thị trường khác, VinFast cam kết mang đến các chính sách bán hàng hấp dẫn và dịch vụ hậu mãi cực tốt dành cho người tiêu dùng Philippines, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện tại quốc gia Đông Nam Á.

Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Tổng giám đốc VinFast Philippines cho biết: “Việc ra mắt thương hiệu tại Philippines đánh dấu cột mốc quan trọng của VinFast trong hành trình gia tăng sự hiện diện trên thị trường ô tô điện toàn cầu. Cam kết đồng hành với Philippines trong cuộc cách mạng di chuyển điện hóa, chúng tôi tự hào mang đến những mẫu xe điện hiện đại mạnh mẽ, thông minh cùng chế độ bảo hành xuất sắc, từng bước hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường khu vực”.

May Sông Hồng quyết định đầu tư tại Ai Cập

HĐQT May Sông Hồng đã quyết định góp trên 1,6 triệu USD thành lập liên doanh tại Ai Cập nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và được miễn thuế xuất khẩu sang Mỹ. 

Bên đối tác tham gia liên doanh là Giza For Upper Egypt Development. Giá trị vốn góp của May Sông Hồng  hơn 1,62 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng), chiếm 50% vốn điều lệ Công ty liên doanh. HĐQT cử Tổng giám đốc Bùi Việt Quang làm người đại diện quản lý 100% vốn của May Sông Hồng tại Công ty liên doanh.

May Sông Hồng là công ty thứ hai của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập

Hiện, May Sông Hồng là công ty thứ hai của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập. "Quyết định đầu tư tại Ai Cập cho phép tạo sự linh hoạt, lợi thế cạnh tranh cho Công ty, và đây là định hướng đúng đắn", đại diện Công ty May Sông Hồng khẳng định.

Cụ thể, Ai Cập có nhiều lợi thế, đây là nước có nền văn minh lâu đời, chi phí nhân công thấp hơn nhiều Việt Nam, hiệp định tự do ký với Israel theo đó hàng xuất đi Mỹ được miễn thuế 100%, thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ gần. Nhiều nước đã và đang đầu tư vào Ai Cập và đầu tư nhiều như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía khách hàng, họ luôn đặt ra quan ngại về rủi ro địa chỉnh trị, vì vậy các khách hàng của May Sông Hồng  cũng rất quan tâm đến dự án này.

Theo lãnh đạo Công ty, đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro nhưng cơ hội cũng rất nhiều. Để giảm thiểu rủi ro, May Sông Hồng đầu tư quy mô nhỏ và cử người ở Công ty sang vận hành. Việc mở rộng quy mô sẽ được quyết định tùy vào thực tế.

Năm 2024, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng và lãi trước thuế 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với thực hiện 2023. Kết thúc quý 1, Công ty lãi trước thuế hơn 62 tỷ đồng, thực hiện được 17% kế hoạch lợi nhuận năm.

Hoàng Anh Gia Lai tham vọng IPO công ty chăn nuôi vào cuối 2024

Trao đổi với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho biết dự kiến sẽ IPO CTCP Chăn nuôi Gia Lai vào cuối năm nay.

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức trả lời cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 

CTCP Chăn nuôi Gia Lai được tái cơ cấu vào cuối năm 2023 sau khi “gần như là công ty “chết” nhiều năm vì cục nợ Eximbank”. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thông tin, sau quá trình đàm phán quyết liệt, Chăn nuôi Gia Lai đã trả được nợ và xóa lãi phạt, nên đang trở thành công ty “cực đẹp”.

Công ty Chăn nuôi Gia Lai có hơn 2.000 ha đất sở hữu tại Gia Lai, đang trồng sầu riêng, chuối và hệ thống chăn trại nuôi heo hoàn chỉnh.

“Công ty sẽ IPO trong tương lai sẽ có tài sản rất lớn để đầu tư, Công ty đang hợp đồng với Chứng khoán LPBank, cuối năm có thể hoàn thành”, ông Đức nhấn mạnh.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu 88,03% vốn CTCP Chăn nuôi Gia Lai, đơn vị có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và địa chỉ tại số 15 Trường Chinh, phường Phù Đồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Năm 2024, HAGL đặt kế hoạch doanh thu thuần 7.750 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm trước. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là cây ăn trái (71%) dự kiến mang về 5.540 tỷ đồng, tăng 86%; heo ăn chuối 1.550 tỷ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu, giảm 21%; doanh thu từ sản phẩm hàng hóa 660 tỷ đồng, chiếm 9% và giảm 40%.

Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu đầu tư và mở rộng diện tích cây ăn trái như trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng diện tích từ 7.000 ha lên 9.000 ha; trồng thêm 500 ha sầu riêng, nâng diện tích từ 1.500 ha lên 2.000 ha.

ĐHĐCĐ Hoàng Anh Gia Lai: Hé lộ kế hoạch IPO Công ty Chăn nuôi Gia Lai
Sáng 10/5, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua kế hoạch doanh thu tăng trưởng nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư