Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vĩnh Long tìm giải pháp cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index
Trúc Giang - 20/05/2023 11:07
 
Người đứng đầu các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index và có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.

Ngày 19/5, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Vĩnh Long năm 2022 của tỉnh Vĩnh Long.

Theo các Báo cáo phân tích các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index, kết quả năm 2022 tỉnh Vĩnh Long có 2 Chỉ số tăng điểm, tăng hạng là Chỉ số PAPI và PAR INDEX; 2 Chỉ số giảm điểm, giảm hạng là PCI và SIPAS.

Cụ thể, Chỉ số PAPI của tỉnh Vĩnh Long đạt 43,02 điểm, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố của cả nước; so với năm 2021, PAPI của tỉnh tăng 1,19 điểm và tăng 17 bậc. So với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long đứng thứ 2/13 tỉnh (sau Bạc Liêu), tăng 4 bậc.

Chỉ số PAR INDEX của tỉnh đạt 83,54%, đứng vị trí thứ 46/63 tỉnh, thành cả nước; so với năm 2021, tăng 0,72 % và tăng 12 bậc và đứng thứ 8/13 khu vực ĐBSCL, tăng 3 bậc.

Chỉ số PCI của tỉnh chỉ đạt 64,4 điểm và đứng vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố của cả nước. So với năm 2021, giảm 1,03 điểm và giảm 17 bậc. Đây là năm mà thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khu vực ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 8/13 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc so với năm 2021 và xếp sau các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Chỉ số SIPAS đạt 77,17%, đứng vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành phố cả nước; so với năm 2021, giảm 9,79% và giảm 18 bậc. So với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, tỉnh đứng thứ 11/13, giảm 4 bậc;

Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã có ý kiến phát biểu thảo luận về những kết quả đạt được, đánh giá từng tiêu chí cấu thành trong từng chỉ số thành phần; đồng thời, nhận diện những tồn tại hạn chế trong việc cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX, từ đó tiếp tục đề ra những giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá nhằm cải thiện mạnh mẽ các chỉ số này trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, trước hết, xác định việc cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Đây là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế của tỉnh. Người đứng đầu của các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện các Chỉ số nêu trên và có Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, báo cáo kết quả triển khai về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước 15/6/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị các sở, ngành tỉnh, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Nghị quyết, Chương trình hành động của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến doanh nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên lắng nghe, đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp từ lúc thành lập/đầu tư đến hoạt động sản xuất kinh doanh để có hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; tạo sự thuận lợi, hiệu quả hơn trong hoạt động của doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời chỉ đạo: “Sau Hội nghị hôm nay, tôi đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các giải pháp do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ đề xuất tại báo cáo phân tích, đánh giá Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX năm 2022 của tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả thực hiện”.

Vĩnh Long đầu tư hơn 311 tỷ đồng thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông
Đó là Dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 903 (đoạn từ vòng xoay ngã 5 thị trấn Cái Nhum - Đường tỉnh 902), huyện Mang Thít, và Dự án cầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư