Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 05 năm 2025,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
VinSpeed đăng ký làm đường sắt tốc độ cao; Vinatex lo hụt đơn hàng cuối năm; Vietnam Airlines mua 50 tàu bay
Khánh An tổng hợp - 17/05/2025 14:01
 
IPPG muốn đầu tư khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành; VinSpeed đăng ký làm đường sắt tốc độ cao; Vinatex lo hụt đơn hàng cuối năm; Vietjet và Boeing trao quyền khai thác 50 tàu bay Boeing 737 cho Vietjet Thái Lan.

VinSpeed đăng ký làm đường sắt tốc độ cao

Ngày 14/5/2025, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.000 tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Trước đó, ngày 6/5, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed được thành lập, trụ sở tại tòa nhà Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Công ty có vốn điều lệ là 6.000 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Vingroup (sở hữu 10% cổ phần), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (35% cổ phần), bà Phạm Thúy Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (3% cổ phần), ông Phạm Nhật Vượng (sở hữu 51% cổ phần); ông Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh mỗi người sở hữu 0,5% cổ phần.

Trong đề xuất, VinSpeed mong muốn sẽ nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030.

VinSpeed cho biết đang thỏa thuận với đối tác đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam. Công ty cũng sẽ nhanh chóng tổ chức đào tạo nhân sự, làm chủ công nghệ nhằm tạo sự chủ động trong việc phát triển công nghiệp đường sắt cho quốc gia.

Để đảm bảo một phần nguồn thu hoàn trả cho Nhà nước, VinSpeed sẽ hợp tác với Vingroup và Vinhomes đề xuất phát triển các đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích tại các vị trí phụ cận với các ga đường sắt theo mô hình TOD.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) muốn đầu tư khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cùng lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi làm việc với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương về việc tìm hiểu để đầu tư khu thương mại tự do tại Đồng Nai.

Tại buổi làm việc, Đồng Nai đã thông tin cho phía Tập đoàn Liên Thái Bình Dương về Đề án Khu thương mại tự do mà tỉnh đang xây dựng. UBND tỉnh đang xây dựng đề án và dự kiến hoàn thành trong tháng 5 với quy mô đề xuất Khu thương mại tự do là 8.000 ha (chiếm 1,3% diện tích tỉnh), hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển khu thương mại tự do.

Qua rà soát, Sở Tài chính đề xuất vị trí 2 khu logistics sát sân bay Long Thành diện tích 1.000 hecta và 180 hecta, ngoài ra còn có khu đất 284 hecta cạnh sân bay để công ty tìm hiểu.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức hoan nghênh Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đến tìm hiểu đầu tư tại Đồng Nai. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp cùng trao đổi, bàn bạc những vấn đề cụ thể, hướng tới xây dựng thành công một khu thương mại tự do trên địa bàn.

Đồng Nai đang gấp rút triển khai xây dựng Đề án Khu thương mại tự do nhằm khai thác tốt hơn những tiềm năng lợi thế của địa phương. Dự kiến đề án sẽ được hoàn thành trong tháng 5/2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai, khu thương mại tự do sẽ tận dụng tối đa lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng Phước An và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại khu thương mại tự do sẽ phát triển các ngành, lĩnh vực khác nhau với các phân khu chức năng như: khu sản xuất; khu logistics; khu thương mại dịch vụ, tài chính; khu kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.

Tỉnh Đồng Nai đang đề xuất 6 khu vực có thể nghiên cứu để xây dựng khu thương mại tự do gồm: Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp; Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu đổi mới sáng tạo; Khu logistics (huyện Long Thành); Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ); Khu cảng Phước An và hậu cần cảng (huyện Nhơn Trạch).

Vietjet và Boeing trao quyền khai thác 50 tàu bay Boeing 737 cho Vietjet Thái Lan

Ngày 16/5, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, Vietjet và Boeing đã trao thỏa thuận hợp tác với Vietjet Thái Lan về việc chuyển quyền khai thác 50 tàu bay Boeing 737 tại Thái Lan.

Vietjet sẽ chuyển giao 50 tàu bay Boeing 737 cho Vietjet Thái Lan thuộc hợp đồng đặt mua 200 tàu bay đã được ký kết giữa Vietjet và Boeing

Theo thỏa thuận, Vietjet sẽ bàn giao quyền khai thác 50 tàu bay Boeing 737 cho Vietjet Thái Lan. Đây là một phần trong hợp đồng đặt mua 200 tàu bay mà Vietjet đã ký kết với Boeing trước đó. Những tàu bay đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao từ tháng 10/2025, với kế hoạch tiếp nhận tổng cộng 9 chiếc trong năm nay.

Việc bàn giao này sẽ giúp Vietjet Thái Lan mở rộng đáng kể mạng bay nội địa và quốc tế, đặc biệt là tăng cường kết nối các điểm đến giữa Thái Lan và Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet nhấn mạnh: "Việc trao quyền khai thác đội tàu bay Boeing 737-8 hiện đại và hiệu quả cho Vietjet Thái Lan là cam kết lâu dài của Vietjet trong việc phát triển bền vững ngành hàng không khu vực. Chúng tôi sẽ hành động để thực thi chiến lược 'Ba kết nối' giữa hai nước, bao gồm kết nối chuỗi cung ứng, doanh nghiệp và địa phương".

Với trụ sở đặt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok), Vietjet Thái Lan đang khai thác 33 đường bay nội địa và quốc tế, kết nối các trung tâm kinh tế - du lịch của Thái Lan với Việt Nam, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hãng đã phục vụ hơn 30 triệu lượt hành khách, đóng góp tích cực vào phát triển du lịch, thương mại và quan hệ hợp tác khu vực ASEAN, đặc biệt giữa Việt Nam và Thái Lan.

Vinatex lo dệt may hụt đơn hàng cuối năm

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhận định từ nay đến 10/07, Mỹ có thể công bố các chính sách thuế tạm thời với Việt Nam, tuy nhiên còn phụ thuộc vào tiến độ đàm phán giữa Bộ Công thương và Chính phủ. Tồn kho thấp tại Mỹ có thể giúp đơn hàng quý III duy trì tốt, nhưng quý IV/2025 dự báo giảm khoảng 10% do sức tiêu dùng Mỹ yếu đi. Dự báo chung, tiêu dùng Mỹ có thể giảm 5% trong năm nay.

Theo ông Trường, chính sách thuế hiện được đàm phán theo nhóm mặt hàng, đây là cơ hội để dệt may Việt Nam tận dụng tốt các phân khúc lợi thế. "Thuế cao và thị trường biến động không phải chuyện mới với dệt may Việt Nam. Chúng ta từng vượt qua các rào cản thuế và hạn ngạch trước thời WTO, giờ cũng cần chủ động thích ứng", ông nhấn mạnh.

Về kết quả kinh doanh, quý I/2025, Vinatex ghi nhận lãi ròng 172 tỷ đồng, tăng 372% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng 8%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 12,1% từ mức 8,7%. Ngành sợi chuyển từ lỗ sang lãi nhờ tiết giảm chi phí, trong khi ngành may vẫn kín đơn hàng đến hết quý II. Tuy vậy, nhiều khách hàng đang trì hoãn đơn hàng quý III để chờ chính sách mới từ Mỹ.

Thông tin từ Bộ Công thương, chiều 16/5, tại Jeju, Hàn Quốc, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 31 (MRT 31), theo kế hoạch hai bên đã định trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ có phiên đàm phán trực tiếp cấp Bộ trưởng với Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Jamieson Greer.

Đây là phiên đàm phán cấp bộ trưởng trực tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau Phiên đàm phán trực tuyến ngày 12/4/2025 nhằm thực hiện việc đàm phán Hiệp định thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ theo chỉ đạo giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer ghi nhận, đánh giá cao thiện chí và sự chủ động của Việt Nam trong việc chuẩn bị tích cực cho việc đàm phán giữa hai bên, cơ bản đồng tình với cách tiếp cận và những đề xuất của Việt Nam. Hoa Kỳ hy vọng với sự nỗ lực của cả hai phía, cuộc đàm phán cấp kỹ thuật trong những ngày tới đây sẽ đạt kết quả tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững trong quan hệ thương mại song phương và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước.

Vietnam Airlines đầu tư 3,6 tỷ USD mua 50 tàu bay

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông qua 2 kế hoạch quan trọng là tăng vốn giai đoạn 1 thêm 9.000 tỷ đồng và dự án mua 50 máy bay thân hẹp.

Theo kế hoạch được thông qua, Vietnam Airlines sẽ đầu tư 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng với tổng vốn đầu tư gần 3,6 tỷ USD (tương đương hơn 92.300 tỷ đồng).

Nguồn vốn chủ sở hữu đối ứng chiếm 46%, nguồn vốn vay chiếm 54%. Hình thức đầu tư tàu bay mới 100% trực tiếp từ Nhà sản xuất tàu bay. Kế hoạch trên có thể được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai thực hiện.

Việc mua máy bay thực hiện từ 2025-2050, trong đó các tàu bay, động cơ dự kiến được bàn giao và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2030-2032.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ: "Hiện nay, nhu cầu máy bay thương mại trên toàn cầu đang tăng mạnh. Nếu đặt mua dòng máy bay thân hẹp của BOEING ở thời điểm hiện tại, phải đến năm 2032 mới được bàn giao”.

Theo ông Hòa, Vietnam Airlines xác định đây là giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không.

Cổ đông Vietnam Airlines thống nhất tăng vốn điều lệ thêm 9.000 tỷ đồng ngay trong năm 2025
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương Dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư