Thứ Hai, Ngày 14 tháng 04 năm 2025,
VITA hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Linh Nguyễn - 10/04/2025 15:25
 
Năm 2024 là năm bản lề trong quá trình chuyển mình của ngành du lịch Việt Nam. Trong đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước để từng bước đưa du lịch trở lại vị thế ngành kinh tế mũi nhọn.

Thích ứng với tình hình mới

Ngày 10/4, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội) năm 2025, ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã nêu một số kết quả nổi bật năm 2024 và định hướng, giải pháp trọng tâm của Hiệp hội trong năm nay.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phát biểu tại hội nghị.

Ông Trí cho biết, năm 2024 Hiệp hội đã gặt hái nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật là tăng cường kết nối doanh nghiệp thông qua các hội chợ du lịch quy mô như VITM Hà Nội và TP.HCM, mở rộng hợp tác quốc tế với việc ký kết chiến lược cùng nhiều tổ chức, đặc biệt tại thị trường Đông Bắc Á và châu Âu. Cùng với đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hội viên bằng cách hỗ trợ tiếp cận các nền tảng số, và chú trọng phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng thiết thực. 

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, bối cảnh kinh tế - thương mại toàn cầu tiếp tục có nhiều biến động khó lường, đòi hỏi Hiệp hội phải có những bước đi vững chắc và linh hoạt hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội xác định 3 nhóm giải pháp chủ đạo:

Thứ nhất, thúc đẩy hội nhập sâu rộng, tận dụng các hiệp định thương mại mới. Hiệp hội tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các đối tác quốc tế, đặc biệt là trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước EU. Việc tham gia các hiệp định như EVFTA hay RCEP là cơ hội lớn để mở rộng thị trường khách và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thứ hai, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hỗ trợ hội viên. Ông Trí cho biết Hiệp hội sẽ phát triển các nền tảng tư vấn, hỗ trợ trực tuyến cho doanh nghiệp về tiếp cận thị trường, đào tạo, chuyển đổi số. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến du lịch, gắn kết địa phương, doanh nghiệp, thị trường một cách hiệu quả hơn.

Thứ ba, phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm. Hiệp hội sẽ phát động các phong trào du lịch xanh trong cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai mô hình quản trị điểm đến bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng và bảo tồn tài nguyên.

“Với vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt đồng hành cùng ngành Du lịch trong hành trình phát triển mới. Chúng tôi cam kết đổi mới mạnh mẽ, sâu sát hơn với hội viên, nắm bắt kịp thời những xu hướng và yêu cầu mới của thị trường để chủ động thích ứng.” ông Vũ Quốc Trí khẳng định.

Ngành du lịch phải tiên phong, dẫn dắt và tạo ra đột phá

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: "Cuộc cạnh tranh hiện nay không chỉ nằm ở sản phẩm, mà còn ở thể chế, nhân lực và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu". Theo ông, mặc dù ngành du lịch đã phục hồi sau đại dịch, nhưng sự phục hồi này vẫn còn thiếu đồng đều và dễ bị tổn thương trước các biến động quốc tế.

Trước thực tế đó, Hiệp hội xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025: kiện toàn tổ chức hội viên và nâng cao năng lực thích ứng với tình hình mới của thương mại quốc tế.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì hội nghị.

Cụ thể, việc kiện toàn tổ chức không chỉ là rà soát hội viên, mà còn là quá trình nâng cao chất lượng hoạt động của các Chi hội, Câu lạc bộ chuyên ngành và các hiệp hội địa phương nhằm tạo dựng một mạng lưới tổ chức vững mạnh, có tiếng nói thống nhất, kịp thời phản ánh nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về môi trường, xuất xứ dịch vụ và trách nhiệm xã hội. Việc phát triển sản phẩm du lịch xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu quốc gia cũng là những ưu tiên lớn trong năm tới.

Chủ tịch Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp hội viên tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, chia sẻ và trách nhiệm cộng đồng, đồng hành cùng Hiệp hội trong hành trình phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Đưa ra ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới cho Hiệp hội, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó chủ tịch VITA, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh sự thích ứng và chỉ ra khó khăn về nhân sự chuyên nghiệp, tài chính ở hiệp hội địa phương. 

Ông Thản đề xuất VITA cần tăng cường thông tin, hướng dẫn cụ thể về chính sách mới cho địa phương, đồng thời kêu gọi các hiệp hội hỗ trợ nhau, tập trung chất lượng, tránh rủi ro pháp lý. Đồng thời, lưu ý tầm quan trọng của thay đổi tư duy trước hành động để đảm bảo an toàn và thích nghi hiệu quả với tình hình mới.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Việt Phường, Phó chủ tịch VITA, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhất trí với các nội dung tổng kết và phương hướng năm 2025. Ông cho biết Hiệp hội sẽ nghiêm túc triển khai Nghị định 126, rà soát tổ chức, duy trì báo cáo định kỳ và sắp xếp lại các đơn vị thành viên để tinh gọn, hiệu quả hơn. 

Về công tác tổ chức, ông Phường kiến nghị VITA duy trì họp định kỳ trực tiếp 2 lần/năm để tăng cường trao đổi, chia sẻ khó khăn. Ông cũng đề nghị ngành du lịch cần được nhìn nhận đúng vai trò kinh tế tổng hợp và mong muốn VITA, các cơ quan quản lý nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ công bằng cho các hiệp hội nghề nghiệp như du lịch, tương xứng với đóng góp của ngành.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt ra vấn đề về phản ứng của ngành du lịch trước những biến động thời cuộc. “Trong khi nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, du lịch tuy ảnh hưởng không nhỏ nhưng vẫn còn dư địa để chủ động thích ứng, do đó cần chủ động phát động các chương trình kích cầu để phục hồi lượng khách, coi du lịch là trụ đỡ cho các ngành kinh tế khác”, ông Bình cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng lưu ý về nguy cơ từ chính sách quốc tế và kêu gọi ngành du lịch tranh thủ mọi cơ hội, phản ứng nhanh chóng khi Hiệp hội có thông tin. 

"Du lịch tuy là ngành nhỏ, nhưng lại có lợi thế rõ ràng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - chính trị. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, chúng ta là một trong những ngành đầu tiên phục hồi. Khi các ngành khác còn loay hoay, thì ngành du lịch đã có bước tái khởi động rất nhanh. Bản thân chúng tôi lúc đó không ngần ngại đi khắp nơi, vì biết rằng: chính thời điểm khó khăn là lúc du lịch có cơ hội”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho rằng đây là thời điểm thích hợp chuẩn bị các kịch bản kích cầu, khai thác hiệu quả lượng khách nội địa lớn và coi trọng cả khách quốc tế về khả năng quảng bá. “Chúng ta cần chuẩn bị sẵn các kịch bản kích cầu. Nếu đạt được 130 triệu lượt khách nội địa, cộng với hơn 20 triệu khách quốc tế thì lượng tiêu dùng nội địa do du lịch mang lại là vô cùng lớn. Đó là một hình thức xuất khẩu tại chỗ.”, ông nhấn mạnh.

VITM Hà Nội 2025 có quy mô 450 gian hàng
VITM Hà Nội 2025 có quy mô 450 gian hàng, thu hút sự tham gia của 60 cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, 8 hãng hàng không, 16 quốc gia và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư