Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
“VN-Index có khả năng chinh phục mốc trên 1.300 điểm từ nay đến cuối năm”
Thanh Thuỷ - 26/08/2023 20:43
 
Ông Trần Hoàng Sơn. Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS đánh giá lãi suất đang giảm về mức thấp cùng niềm tin nhà đầu tư trở lại là hai yếu tố lớn hỗ trợ tích cực thị trường.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tích lũy vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" dành cho các nhà đầu tư do Công ty Cổ phần chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức ngày 26/8, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường  VPBankS Research đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian vừa qua đang trong nhịp điều chỉnh “tái định giá” sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.030 công ty đại chúng đã giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 111.100 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm hoặc đi ngang.

Nhìn chặng đường dài hơn của chứng khoán Việt Nam thời gian, ông Sơn cho rằng sóng giảm lớn lần thứ 4 trong lịch sử kể từ tháng 4/2022 đã đi qua với  mức thấp nhất vào ngày 16/11/2022, giảm -42,8% kể từ đỉnh. Từ mức đáy trên, chỉ số chứng khoán đã hồi phục trở lại và khởi động năm 2023 với diễn biến tích cực với nhiều nhóm ngành phục hồi rất mạnh mẽ vượt trên mức tăng của chỉ số chung như chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index đã chính thức thoát khỏi trend giảm giá khi vượt lên trên đường trung bình động MA200 ngày và xuất hiện tín hiệu đường trung bình động MA50 ngày giao cắt và vượt lên trên đường MA200 ngày.

Sau giai đoạn điều chỉnh tích lũy, chứng khoán Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tăng mới - Nguồn: VPBankS

Còn dựa trên yếu tố cơ bản, theo đại diện khối phân tích Chứng khoán VPBankS, một biến số quan trọng để thị trường xác lập đáy và hồi phục trở lại đó là chính sách tiền tệ đảo ngược quay về trạng thái nới lỏng với các diễn biến như lãi suất tạo đỉnh và đi xuống cùng các gói hỗ trợ/ bơm tiền…

Tại Việt Nam, lãi suất điều hành đã “tạo đỉnh” và đi xuống sau 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN cũng tiếp tục được chỉ đạo hạ lãi suất, nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Chủ trương chính sách tiền tệ có sự chuyển dịch từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022 và tiếp tục sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện nay là cần thiết.

Cùng với dự báo xu hướng giảm của lãi suất, đặc biệt là lãi suất liên ngân hàng, yếu tố thứ hai hỗ trợ tăng trưởng của thị trường chứng khoán được ông Sơn chỉ ra là sự trở lại của niềm tin nhà đầu tư thể hiện con số thanh khoản thị trường. Giá trị giao dịch liên tục vượt con số tỷ đô cho thấy dòng tiền thị trường đã quay trở lại và nhà đầu tư đã lạc quan hơn. Số tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cũng tăng trưởng và vượt trên mốc 100.000 tài khoản mới trong vài tháng gần đây.

Xét về yếu tố định giá, theo tính toán của VPBankS, định giá theo P/E forward và P/B của Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn thấp hơn nhiều so với khu vưc MSCI Emerging và một số quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Việt Nam cũng nằm trong những nước có ROE cao đồng thời P/E cũng ở mức hấp dẫn.

Dù thời gian gần đây đã có nhịp điều chỉnh mạnh, chuyên gia từ VPBankS đánh giá chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên. “Thị trường đang trong chu kỳ phục hồi và đi lên trong nhịp tăng trưởng mới. Chúng tôi kỳ vọng rằng khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục tiếp những ngưỡng kháng cự cao hơn, ở khoảng 1.300 điểm trở lên trong giai đoạn từ nay đến cuối năm”, ông Trần Hoàng Sơn nhận định.

Hội thảo "Tích lũy vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" dành cho các nhà đầu tư do Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức ngày 26/8

Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, khác với giai đoạn đầu tiên khi gần như là đa phần các cổ phiếu đều ở trạng thái giảm sâu bật mạnh do thị trường chứng khoán từ đáy phục hồi đi lên, động lực tăng trưởng của cổ phiếu tới đây sẽ phần lớn đến từ lợi nhuận cũng như kỳ vọng lợi nhuận ở tương lai khoảng 6 - 12 tháng.

Trong nhịp tăng sắp tới, yếu tố chọn lọc cổ phiếu theo bức tranh lợi nhuận do đó sẽ rất quan trọng. Các cổ phiếu đầu ngành mà có lợi nhuận tốt cùng các cổ phiếu đang có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận nhờ lãi suất đang có xu hướng hạ nhiệt và hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công sẽ phục hồi sớm hơn.

Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta: Áp lực call margin sẽ không như năm 2022
Hơn một năm trước, tình trạng call margin và bán giải chấp đã xảy ra khi thị trường liên tục đi xuống. Tuy nhiên, Giám đốc phân tích Chứng khoán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư