Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
VN-Index đi lên sau phiên bán tháo, thanh khoản sàn HoSE giảm một nửa
Thanh Thủy - 13/07/2021 17:42
 
Dòng tiền đa phần lựa chọn quan sát thay vì quyết định bán - mua. Thanh khoản trên thị trường do vậy sụt giảm mạnh. VN-Index kịp lấy lại sắc xanh dù đã rơi khá sâu trong phiên chiều.

Các chỉ số chứng khoán đã lấy lại sắc xanh sau phiên giao dịch “đỏ lửa” hôm qua. Áp lực bán thực tế cũng đã mạnh lên vào đầu phiên chiều khiến VN-Index từng có lúc giảm gần 19 điểm xuống 1.278 điểm, nhưng lực cầu gia tăng mạnh khi đó đã kéo chỉ số hồi phục.

Kết phiên 13/7, VN-Index tăng 1,24 điểm (0,1%) lên 1.297,54 điểm. HNX-Index giữ sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch và đóng cửa tăng 3,72 điểm (1,27%) lên 296,7 điểm. Chỉ số sàn UPCoM hồi phục mạnh nhất, tăng 1,75% lên 85,36 điểm.

Sắc xanh trở lại sau phiên bán tháo
Sắc xanh trở lại trên ba sàn sau phiên bán tháo.

Sắc xanh áp đảo với số mã tăng điểm chiếm ưu thế. Tổng cộng, ba sàn có 521 mã tăng giá, 69 mã tăng kịch biên độ; trong khi số lượng mã giảm và giảm kịch sàn chỉ là 225 mã. Số lượng cổ phiếu nhóm VN30 tăng cũng áp đảo (16/30 cổ phiếu). Tuy nhiên, với nhiều cổ phiếu vốn hóa top đầu giảm sâu, VN30-Index đóng cửa giảm 0,15%.

Nhiều mã cổ phiếu giảm sâu hôm qua nhưng đã bật mạnh trở lại. Trong nhóm VN-30, SBT là cổ phiếu duy nhất tăng kịch biên độ. Cổ phiếu này cũng giảm sàn phiên hôm qua. Một số cổ phiếu đầu cơ với khối lượng giao dịch lớn cũng tăng kịch trần như FLC, ROS… Trong khi đó, MSN hay MWG là những cổ phiếu ngành bán lẻ tiêu dùng giao dịch khá tích cực hôm qua lại điều chỉnh khá.

Các cổ phiếu kéo VN-Index giảm nhiều nhất là VCB (-3,56 điểm); MSN (-1,49 điểm); VNM (-1,1 điểm); VIC (-0,9 điểm); VIB (-0,61 điểm). Dù có khoảng thời gian giằng co giữa phe tăng/ giảm, sắc xanh vẫn thắng thế. GAS là cổ phiếu kéo chỉ số sàn HoSE tăng nhiều nhất khi đóng góp 1,87 điểm tăng, bên cạnh VHM (+1,35 điểm); HPG (+0,67 điểm); GVR (+0,66 điểm) hay VRE (+0,54 điểm).

Ngoài GAS tăng giá 4% so với hôm qua, nhóm dầu khí cũng có phiên giao dịch tích cực. Cổ phiếu BSR của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng tới 7,2%, PVS tăng 5,8%. Giá dầu và giá khí tự nhiên thế giới tiếp tục ở mức cao. Việc liên minh OPEC + chưa giải quyết tình trạng bế tắc liên quan đến việc tăng sản lượng vẫn là nút thắt tác động lên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Cùng với nhóm dầu khí, cổ phiếu chứng khoán và thủy sản cũng ghi nhận một phiên hồi phục mạnh.

Tuy nhiên, đà hồi phục của thị trường hôm nay lại không đi kèm khối lượng giao dịch lớn. Thanh khoản đã sụt giảm mạnh. Trong đó, riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE giảm gần 51% xuống còn 14.287 tỷ đồng. Cùng các giao dịch thảo thuận, tổng giá trị giao dịch đạt 15.915 tỷ đồng, thấp nhất kể từ phiên 28/4. Sau phiên thanh khoản kỷ lục liền trước, giao dịch trên ba sàn hôm nay chỉ đạt 19.392 tỷ đồng.

Không chỉ các nhà đầu tư nội lựa chọn quan sát thị trường thay vì quyết định hành động mua - bán, giao dịch của khối ngoại cũng bớt sôi động hơn hẳn. Các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay chỉ giải ngân 1.547 tỷ đồng và bán ra thu về 1.761 tỷ đồng trên HoSE, tương đương giá trị bán ròng 214 tỷ đồng. Cùng với hơn 9 tỷ đồng bán ròng trên HNX và 11 tỷ đồng mua ròng trên UPCoM, khối ngoại tổng cộng đã thu về 212 tỷ đồng từ bán ròng cổ phiếu.

Thị trường đi lên trong nghi ngờ. Theo chuyên gia phân tích Chứng khoán BIDV, lực cầu hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để giúp cho chỉ số đảo chiều và thị trường vẫn có thể xuất hiện những phiên giảm nhẹ trong tuần này.

TTCK ngày 12/7: Bán tháo cổ phiếu diện rộng, khối ngoại mua ròng hơn 1.400 tỷ đồng
Các nhà đầu tư nước ngoài lại có hành động ngược với nhóm nhà đầu tư trong nước trong phiên giao dịch “đỏ lửa” ngày 12/7.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư