Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VN-Index giảm hơn 20 điểm, "gió đổi chiều" đẩy nhóm hàng hoá cơ bản rơi sâu
Tùng Linh - 14/03/2022 18:50
 
Vỏn vẹn một tháng, VN-Index có ba phiên giao dịch giảm hơn 20 điểm, đẩy chỉ số sàn HoSE lao dốc nhanh về còn 1.446 điểm. Giá dầu đảo chiều kéo theo sự lao dốc của nhiều nhóm cổ phiếu.

Gió đổi chiều, sắc đỏ phủ rộng thị trường chứng khoán Việt Nam

Mở cửa phiên đầu tuần, giá dầu Brent giao sau giảm khoảng 3% xuống còn 109 USD/thùng, kéo dài đà giảm của tuần trước nhờ hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho xung đột Nga - Ukraine ngay cả khi chiến sự vẫn diễn ra. Cuối tuần trước, thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman cho biết Nga đang có dấu hiệu sẵn sàng có các cuộc đàm phán thực chất về Ukraine.

Dù cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang có tín hiệu tích cực hơn, đa phần các thị trường châu Á đóng cửa trong sắc đổ. Các sàn chứng khoán Trung Quốc đỏ lửa, riêng chứng khoán Hồng Kông “bốc hơi” gần 5%. Nhiều khu vực tại Trung Quốc đang thực hiện giãn cách xã hội để làm chậm sự bùng phát của Covid, như Thâm Quyến, cũng làm gia tăng lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận một phiên rơi sâu. VN-Index giảm 20,29 điểm (-1,38%) xuống 1.446,25 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/1. Vỏn vẹn một tháng, VN-Index có ba phiên giao dịch giảm hơn 20 điểm gồm phiên 14/2 (-29,75 điểm); 8/3 (-25,34 điểm) và 14/3 (-20,29 điểm). HNX-Index cũng giảm 1,27% xuống 436,57 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index chỉ điều chỉnh nhẹ, giảm 0,32 điểm (-0,28%) xuống 115,05 điểm.

VN-Index giảm hơn 20 điểm trong phiên 14/3

Trên ba sàn, thanh khoản giảm nhẹ (-3,4%) so với cuối tuần trước với giá trị giao dịch đạt 33.565 tỷ đồng. Không kể giao dịch thoả thuận có phần đột biến hơn các phiên khác, tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.335 tỷ đồng, giảm 9% so với phiên trước. Cổ phiếu HPG được chuyển nhượng nhất với khối lượng giao dịch 33,8 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch xấp xỉ 1.700 tỷ đồng. Giao dịch đặc biệt sôi động ở cuối phiên. Chỉ trong phiên ATC đã có 5,57 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay, chiếm 16,47% tổng khối lượng giao dịch của HPG.

Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 702 tỷ đồng trên ba sàn, nối dài chuỗi bán liên tiếp của khối nhà đầu tư này. Trong khi đó, tổ chức và cá nhân trong nước mua ròng phiên hôm nay.

Khối ngoại cũng mạnh tay bán cổ phiếu HPG, nhưng cũng có nhà đầu tư mua thêm. Nhóm nhà đầu tư này bán ròng 113 tỷ đồng riêng cổ phiếu HPG. Xét về giá trị bán ròng, top 5 cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất lần lượt là MSN, NVL, DXG, HPG và SSI. Tất cả các cổ phiếu này đều đóng cửa giảm. Trong khi đó, top 5 cổ phiếu được mua ròng đều tăng giá, trừ cổ phiếu của Đạm Cà Mau (DCM) giảm kịch biên độ. Trừ STB được mau ròng trên 72 tỷ đồng, một số cổ phiếu như VCB, VRE, DIG, DCM… được giải ngân thêm 30-40 tỷ đồng.

Nhóm hàng hoá cơ bản và vận tải biển quay đầu giảm giá mạnh

Từng là các dòng cổ phiếu được hỗ trợ với đà tăng của giá hàng hoá, cú lao dốc đồng loạt của đa số các hàng hóa trên thị trường cũng ngay lập tức “giáng đòn” vào cổ phiếu nhóm thép, dầu khí, phân bón. Dòng phân bón/hoá chất đứng đầu trong nhóm ngành tăng giá tích cực tuần trước lại là nhóm rơi mạnh nhất hôm nay. Lựa chọn chốt lời, nhiều nhà đầu tư ồ ạt bán ra dẫn đến tình trạng trắng bên mua, hầu hết các cổ phiếu như DPM, DCM, BFC, LAS đều giảm kịch biên độ. DGC giảm 4,3% còn 180.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của ba đầu mối phân phối xăng dầu gồm PVOil, Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) và Petrolimex giảm lần lượt 7,8%; 6,8% và 3,6%. Ông lớn ngành dầu khí PVGas cũng giảm tới 6,1%, kéo giá cổ phiếu GAS về còn 106.000 đồng/cổ phiếu, nhanh chóng xoá hết nỡ lực tăng giá từ cuối tháng 1/2022..

Sắc đỏ cũng phủ rộng ở nhóm cảng biển, vận tải biển đã tăng “bạo phát” giai đoạn trước. GMD giảm kịch sàn; PVT giảm 6,3%;  HAH cũng giảm 4,3%. Cổ phiếu thép cũng giao dịch tiêu cực với mức giảm hầu hết trên 3%, thanh khoản ở mức cao khi nhiều người chấp nhận bán ở vùng giá thấp.

Dẫn dắt xu hướng giảm của VN-Index phiên này đều là cổ phiếu biến động theo xu hướng giá hàng hoá, như GAS, HPG, GVR. MSN cũng nằm trong nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số chung sàn HoSE. Giá cổ phiếu này đã giảm 4 phiên liên tiếp, bốc hơi 12,5%.

Ở chiều ngược lại, các ngành dự kiến hưởng lợi từ đà hồi phục của nền kinh tế cũng tăng khá. Ngay trước thềm mở cửa lại du lịch quốc tế (15/3), cổ phiếu hai hãng hàng không Vietjet Air và VietnamAirlines đều ngược dòng tăng mạnh. Cổ phiếu VJC tăng 4,69%, còn HVN tăng 1,36%.

Một số cổ phiếu ngân hàng đã níu lại phần nào đà giảm dù tính chung cả dòng ngân hàng, só lượng mã giảm giá vẫn áp đảo. 6/10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số đến từ nhóm nhà băng. SHB và EIB tăng mạnh nhất trong nhóm, lần lượt là 3,8% và 3,39%.

Cũng nhờ sự hồi phục của nhóm ngân hàng, mức giảm của VN30-Index ít hơn chỉ số chung. Theo đánh giá của Chứng khoán MB, chỉ số VN30 đã giảm về mức đáy kể từ tháng 10 có thể là cơ hội cho dòng tiền vào bắt đáy. Trong đó, việc chỉ số Vn30 thấp hơn so với thị trường chung là tín hiệu sớm cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng có khả năng phục hồi. 

Sức ép với doanh nghiệp từ xung đột Nga - Ukraine
Xung đột Nga - Ukraine làm giá dầu mỏ leo thang, ảnh hưởng đến nhiều ngành, khiến chi phí sản xuất gia tăng, giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư