Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VN-Index tăng phiên thứ tư liên tiếp, lên 1.288 điểm
Thuỳ Trang - 11/10/2024 16:10
 
Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán duy trì ở mức thấp, nhưng nhờ lực cầu ở một số mã trụ như VHM, MWG, MSN, FPT, nên chỉ số VN-Index có phiên tăng thứ tư liên tiếp, lên 1.288,39 điểm.

Trước khi bước vào phiên giao dịch hôm nay, một số chuyên gia nhận định trong các phiên tới, diễn biến rung lắc có thể đan xen các nhịp hồi phục sớm của chỉ số. Nhưng với xu hướng tích cực trong ngắn hạn đang được duy trì, cơ hội mở rộng đà tăng trở lại sau đó vẫn được kỳ vọng.

Nhóm chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có thời gian tích lũy từ 1 đến 2 tháng, kiểm định vùng hỗ trợ thành công hoặc vừa bước vào nhịp tăng điểm thuộc các nhóm ngành vận tải cảng biển, dầu khí.

VN-Index mở cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh, nhưng biên độ tăng không lớn và duy trì trạng thái này suốt phiên sáng. Trước giờ nghỉ trưa, áp lực bán dâng cao trong khi lực cầu yếu đã khiến nhiều nhóm cổ phiếu như dầu khí, hàng không, bất động sản… lao dốc.  

Trong những phút trước lúc đóng cửa, lực cầu giải ngân ở vùng giá thấp xuất hiện giúp kéo chỉ số đi lên. VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1.288,39 điểm, tăng 2,03 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp và giúp chỉ số lấy lại những gì đã mất ở chuỗi giảm điểm trước đó.

Hôm nay, sàn chứng khoán TP.HCM có 195 cổ phiếu tăng điểm, lấn lướt số lượng cổ phiếu giảm với 160 mã. Rổ vốn hoá lớn đóng góp tích cực vào đà hứng khởi khi có 15 mã đóng cửa trong sắc xanh và 12 mã giảm. 

VHM tích lũy 3,44% so với tham chiếu, lên 43.600 đồng và trở thành động lực tăng chính cho thị trường. Hai đại diện khác thuộc họ Vingroup cũng góp mặt trong danh sách những mã tác động tích cực nhất đến VN-Index. Cụ thể, VIC tăng 0,97% lên 41.800 đồng và VRE tăng 2,98% lên 19.000 đồng.

Sắc xanh cũng bao trùm nhóm thép. Cụ thể, HSG và TLH cùng tăng 0,5%, lần lượt lên 21.000 đồng và 5.550 đồng, HPG tăng 0,2% lên 27.300 đồng.

Nhóm chứng khoán hòa chung đà hưng phấn với thị trường khi hầu hết cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu. Cụ thể, APG tích luỹ 3,5% lên 10.450 đồng, HCM tăng 2,6% lên 31.200 đồng, AGR tăng 1,4% lên 18.600 đồng, VCI và VDS cùng tăng 1,2% lên 36.850 đồng và 21.550 đồng.

Ở chiều ngược lại, FPT giảm 1,48% xuống 139.600 đồng và trở thành tác nhân chính ghì đà tăng của thị trường trong phiên hôm nay.

Nhóm ngân hàng cũng ghi nhận trạng thái kém tích cực khi có 6 đại diện góp mặt trong danh sách tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Cụ thể, VCB giảm 0,44% xuống 91.500 đồng, BID giảm 0,7% xuống 49.400 đồng, LPB giảm 1,35% xuống 32.850 đồng, TCB giảm 0,41% xuống 24.450 đồng, ACB giảm 0,38% xuống 26.100 đồng và OCB giảm 1,21% xuống 12.250 đồng.

Thị trường hôm nay ghi nhận gần 532 triệu cổ phiếu được sang tay thành công, tương ứng giá trị giao dịch 13.219 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh giảm 188 triệu đơn vị so với phiên trước, còn giá trị giao dịch giảm 5.252 tỷ đồng.

Rổ vốn hoá lớn đóng góp vào thanh khoản 7.063 tỷ đồng, tương ứng hơn 211 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công. Trong đó, VHM đứng đầu về giá trị giao dịch với khoảng 678 tỷ đồng (tương ứng 15,6 triệu cổ phiếu). Cổ phiếu xếp sau là MWG xấp xỉ 644 tỷ đồng (tương ứng 10 triệu cổ phiếu) và MSN hơn 554 tỷ đồng (tương ứng 6,9 triệu cổ phiếu). 

Trái ngược với trạng thái gom hàng mạnh mẽ ở phiên trước, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 318 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm này bán ra 60,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.852 tỷ đồng, trong khi chỉ giải ngân 1.533 tỷ đồng để mua 48 triệu cổ phiếu. 

VHM một lần nữa dẫn đầu bảng xếp hạng trong phiên hôm nay khi là cổ phiếu đối diện lực bán mạnh nhất từ khối ngoại với giá trị ròng hơn 216 tỷ đồng. Tiếp đến là FPT xấp xỉ 95 tỷ đồng và SSI hơn 81 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ mua vào cổ phiếu MSN với giá trị ròng hơn 177 tỷ đồng, TCB 62 tỷ đồng và EIB 47,4 tỷ đồng.

Hơn 277.000 tỷ đồng trái phiếu được huy động
Trong 9 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 268 đợt phát hành riêng lẻ và 15 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư