Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
VN-Index tiếp đà hồi phục, loạt cổ phiếu bất động sản tiếp tục chất sàn
Thanh Thủy - 09/11/2022 16:18
 
Đây là phiên thứ hai liên tiếp hai chỉ số sàn niêm yết kết phiên trong sắc xanh. Số lượng mã cổ phiếu tăng giá cũng áp đảo. Tuy nhiên, một số cổ phiếu vẫn giao dịch tiêu cực.

Sắc xanh áp đảo nhưng loạt cổ phiếu bất động sản tiếp tục chất sàn

Tiếp đà hồi phục phiên liền trước, cả ba chỉ số giao dịch khá tích cực ngay đầu phiên. Tuy nhiên, giao dịch giằng co với biên độ của VN-Index lên tới gần 20 điểm. Kết phiên, hai chỉ số sàn niêm yết vẫn giữ được sắc xanh.

VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,4%); HNX tăng 1,62 điểm (+0,81%). Trong khi đó, chỉ số sàn UPCoM dù hồi phục khá tốt ở cuối phiên nhưng vẫn đóng cửa giảm 0,11% xuống 72,2 điểm.

VN-Index hồi phục phiên thứ hai liên tiếp.

Không riêng chỉ số chung, sắc xanh cũng áp đảo với 404 mã chứng khoán đóng cửa trong sắc xanh, 46 mã tăng kịch biên độ; trong khi chỉ có 252 mã giảm và 38 mã giảm kịch sàn. Trong đó, cổ phiếu một số ông lớn ngân hàng và bất động sản là các đầu tàu kéo chỉ số hồi phục. Top 5 cổ phiếu tác động tích cực VN-Index là VCB, BID, GAS, VHM, CTG.

Dòng ngân hàng là chỗ dựa của thị trường trong hai phiên hồi phục vừa qua. Sắc xanh chiếm ưu thế dù không phải toàn bộ, cá biệt cổ phiếu của Eximbank còn giảm kịch sàn. So với thời điểm cuối tháng 10, giá cổ phiếu EIB đã “bốc hơi” tới 25% và hiện đóng cửa ở mức 27.900 đồng.

Nhóm bất động sản cũng ghi nhận sự phân hóa mạnh. Trong khi hai cổ phiếu nhà Vingroup là VHM và VIC lần lượt tăng 1,71% và 0,75% và nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường, loạt cổ phiếu vẫn bị chất bán giá sàn. Dư bán sàn cổ phiếu NVL và PDR lần lượt là 22,7 triệu cổ phiếu 23,3 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, chỉ có vài trăm nghìn cổ phiếu được “sang tay” trong phiên. Nhiều công ty chứng khoán đang thực hiện các lệnh bán giải chấp đối với cổ phiếu bất động sản trước đà rơi sâu của nhóm cổ phiếu này. Gần nhất, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết sẽ bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt dự kiến từ 8/11.

Ngoài hai cổ phiếu chất sàn khối lượng lớn, nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng rơi vào trạng thái trắng bên mua như KBC, DIG, HPX... Tuy nhiên, thanh khoản giao dịch cổ phiếu vẫn khá hơn NVL và PDR.

Cổ phiếu của Novaland đã nhanh chóng “bốc hơi” 31% chỉ trong vòng 7 phiên giao dịch của tháng 11. Tương tự, giá cổ phiếu PDR cũng đã giảm 28%. Ở không ít doanh nghiệp bất động sản, cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của doanh nghiệp. Việc giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm nhanh cũng là một phần nguyên nhân kích hoạt các lệnh bán giải chấp khi khoản vay không được bổ sung thêm tài sản thế chấp để đảm bảo giá trị.

Khối ngoại giao dịch sôi động

Thanh khoản trên thị trường phiên 9/11 đi ngang so với phiên liền trước. Tuy nhiên, tiếp tục có những tín hiệu tích cực từ khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng ba phiên liên tiếp. Đáng chú ý là tổng khối lượng giao dịch ở cả hai chiều đã tăng lên đáng kể. Trên sàn HoSe, khối ngoại giải ngân thêm 1.679 tỷ đồng trong khi bán ra 1.112 tỷ đồng. Giá trị mua ròng đạt 567 tỷ đồng. Trên ba sàn, khối ngoại mua ròng tới 678 tỷ đồng. Trong đó, FUESSVFL là chứng chỉ quỹ được mua vào nhiều nhất (245 tỷ đồng). Đây là chứng chỉ quỹ từ quỹ ETF nội SSIAM VNFIN LEAD mô phỏng rổ chỉ số gồm tối thiểu 10 cổ phiếu, được lựa chọn từ các cổ phiếu thành phần thuộc chỉ số ngành tài chính.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng giải ngân vào VHM (152 tỷ đồng), PVS (101 tỷ đồng), BID (74 tỷ đồng) hay MSN (hơn 50 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại hiện thực hóa lợi nhuận tại cổ phiếu STB khi thu ròng về 272 tỷ đồng. Nhóm này cũng đẩy mạnh bán KBC – cổ phiếu giảm sàn trong phiên hôm nay. Cổ phiếu HPG cũng bị bán ròng hơn 33 tỷ đồng sau hai phiên mua ròng nhẹ liền trước. Giá cổ phiếu Hòa Phát đã giảm về còn 13.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ là “điểm tựa” cho các doanh nghiệp bất động sản
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, thì dòng vốn FDI được xem là “điểm tựa”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư