Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
VN-Index tiếp tục bỏ lỡ mốc 1.100 điểm, khối ngoại bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp
Tùng Linh - 21/02/2023 17:40
 
Đà hưng phấn của thị trường phiên hôm qua không còn được duy trì, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản.

Sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, VN-Index bước vào phiên điều chỉnh khi chỉ số tiến khá sát mốc 1.100 điểm. VN-Index có thời điểm tăng lên cao nhất vượt 1.095 điểm, nhưng đến cuối phiên đã giảm hơn 10 điểm từ đỉnh về 1.082,23 điểm, giảm 4,46 điểm (-0,41%) so với hôm qua. HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,81%), xuống 214,08 điểm. 

Cổ phiếu ngân hàngbất động sản từng là động lực chính nâng đỡ thị trường trong phiên giao dịch hôm qua, tuy nhiên, đây cũng là dòng cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số chung.

Trên sàn HoSE, top cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index lần lượt là BID, VPB, CTG, HPG và MBB. Trong khi đó, trên sàn HNX, cổ phiếu SHS giảm 2,2% và cũng là đầu tàu kéo HNX-Index đi xuống. Cùng đó, THD, CEO, NVB và HUT cùng nằm trong top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung.

Cùng chung xu hướng với hai sàn niêm yết, UpCoM-Index giảm sâu nhất (-0,82%), xuống 78,18 điểm. Nguyên nhân cũng bởi động lực lớn nhất nâng đỡ chỉ số sàn UPCoM thời gian qua là cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG tiếp tục trượt dài sau khi chạm đỉnh 1,56 triệu đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VNZ đóng cửa giảm 12,75% xuống 913.000 đồng. Dù đã xuống dưới 1 triệu đồng, VNZ vẫn là cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên thị trường.

Trên cả ba sàn, số lượng mã tăng/giảm trong phiên khá ngang ngửa với 368 mã tăng, 37 mã trần; trong khi chỉ có 364 mã giảm, 14 mã giảm sàn.

Không riêng nhóm ngân hàng và bất động sản, cổ phiếu chứng khoán phần lớn lùi khá sâu (1-3%). HSG, NKG và SMC đều giảm 2-3%. TVN là cổ phiếu hiếm hoi tăng giá (+1,8%).

Điểm sáng của thị trường nằm ở nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công, một số ít các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như LDG, HQC, IJC, C47, TTA khi đều tăng trần.

Cổ phiếu HQC tăng kịch trần lên 3.240 đồng với khối lượng khớp lệnh gần 4,9 triệu đơn vị nhưng còn dư mua trần hơn 19,5 triệu đơn vị. Địa ốc Hoàng Quân cũng từng là đơn vị được biết đến với các dự án bất động sản nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dù có quy mô vốn điều lệ 4.766 tỷ đồng, tài sản 7.237 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2022 chỉ đạt 26 tỷ đồng và thậm chí còn thấp hơn ở hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid. Giao dịch cổ phiếu HQC vẫn ở mức khá thấp (dưới 20 tỷ đồng/phiên). Tuy nhiên, lượng mua trần chưa khớp do cạn cung là điều đáng chú ý.

Giá trị giao dịch trên ba sàn xấp xỉ phiên hôm qua, đạt gần 13.890 tỷ đồng. Trong đó, riêng sàn HoSE khớp lệnh đạt hơn 720 triệu đơn vị, tương đương giá trị 11.859 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 53 tỷ đồng. Đây đã là phiên bán ròng thứ năm liên tiếp của khối ngoại. Dù vậy, giá trị bán ròng đều khá khiêm tốn.

Chỉ một số cổ phiếu bị bán ròng trên 20 tỷ đồng như DXG (45 tỷ đồng), DPM (35 tỷ đồng), VND (26 tỷ đồng), DCM (20 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng hơn 37 tỷ đồng và cũng là loại chứng khoán được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất trong phiên.

Cổ phiếu của doanh nghiệp nhà ở xã hội lớn nhất phía Nam tăng trần nhiều phiên
Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất mới đây có phần "kích thích" đà tăng của cổ phiếu HQC - Địa ốc Hoàng Quân.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư