Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 18 tháng 11 năm 2024,
VN-Index về mốc 1.355 điểm, cổ phiếu vận tải biển rơi sâu sau chuỗi tăng phi mã
Thanh Thuỷ - 12/08/2021 16:46
 
Với số mã tăng/giảm ngang ngửa, diễn biến chỉ số chứng khoán khá giằng co trong phiên hôm nay và đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Điều chỉnh

Cả ba sàn chứng khoán đều tiếp tục giao dịch giằng co. Dù đồng loạt tăng mạnh vào đầu giờ chiều, lực bán ra mạnh hơn đã kéo chỉ số giảm mạnh. VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên – 1.355 điểm, giảm 4,74 điểm so với hôm qua. HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,03%) xuống 334,33 điểm. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 91,98 điểm. 

Không riêng ở Việt Nam, sắc xanh cũng chỉ xuất hiện hiếm hoi trong trên các sàn chứng khoán châu Á với một vài chỉ số tăng điểm như tại Ấn độ, Indonesia, Singapore…

Các chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Nguồn: BSC

VHM là cổ phiếu kéo VN-Index giảm nhiều nhất hôm qua, nhưng nay lại đóng vai trò trụ đỡ kéo chỉ số khi góp tới 0,88 điểm tăng. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn khác giảm giá đã kéo chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ như MSN, HPG, VCB, FPT. Còn trên sàn HNX, cổ phiếu PHP của Cảng Hải Phòng quay đầu giảm sau chuỗi ba phiên tăng kịch biên độ. Với mức giảm 9,9%, đây cũng là cổ phiếu kéo HNX-Index rơi sâu nhất.

Trong ngày điều chỉnh này, thanh khoản trên ba sàn đều đồng loạt giảm. Dù vậy, thị trường vẫn có một phiên giao dịch trên tỷ đôla. Tổng giá trị giao dịch đạt 27.802 tỷ đồng, giảm 12,7% so với phiên hôm qua. HPG là cổ phiếu duy nhất có giá trị giao dịch trên nghìn tỷ đồng.

Các nhà đầu tư nước ngoài khá thận trọng giao dịch với 1.034 tỷ đồng mua vào và 1.177 tỷ đồng bán ra trên sàn HoSE, giảm lần lượt 13,8% và 39% so với hôm qua. Tuy nhiên, giá trị bán ròng đã thu hẹp còn 143 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, khối ngoại bán ra 144 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức bán ròng phiên liền trước (746 tỷ đồng). Các cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất là VNM, VRE và SSI với giá trị bán ròng đều trên 50 tỷ đồng.

Cổ phiếu vận tải biển - logistics rơi sâu sau giai đoạn “bạo phát”, nhóm xây dựng bật tăng

PHP không phải cổ phiếu ngành logistics duy nhất “quay đầu”. Nhóm cổ phiếu này đã tăng nhanh và mạnh, thậm chí tăng gấp vài lần chỉ trong 2 tháng gần đây khi câu chuyện giá cước vận tải biển và lưu kho “nóng” lên.  Nhiều doanh nghiệp  ghi nhận cú bật về lợi nhuận nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2020.

Cổ phiếu VNA giảm 12,2%; cổ phiếu MVN của “ông lớn” Vinalines cũng giảm 7,3%; nhiều cổ phiếu khác cũng giảm sâu như HAH (-6,9%), MHC (6,8%), STG (-5,5%)…

VOS là “gương mặt” hiếm hoi khi vẫn tăng 2,1%, đưa giá cổ phiếu này lên gấp 3 lần thời điểm đầu tháng 6/2021. Ngoài ra, cổ phiếu GSP của CTCP Vận tải Sản Phẩm Khí Quốc tế  cũng tăng 7%. Doanh nghiệp này vừa chính thức công bố thời gian thực hiện đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thu về 200 tỷ đồng đầu tư thêm 2 tàu mới. So với các cổ phiếu khác ngành vận tải biển – logistics, GSP mới chỉ tăng khá khiêm tốn nhưng phiên tăng kịch biên độ hôm nay cũng đã đưa cổ phiếu này xác lập đỉnh giá mới.

Nhóm cổ phiếu xây dựng và một số công ty vật liệu xây dựng cũng đi ngược dòng trong phiên điều chỉnh hôm nay. Giá cổ phiếu HBC đã tăng kịch trần từ cuối phiên sáng (+6,74%). CTD tăng 3,18%, CTX tăng 2,82%, PHC tăng 1,74%. Trong khi đa số cổ phiếu thép điều chỉnh, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp xi măng, bê tông, gạch ốp lát lại tăng khá. Cổ phiếu BCC của Xi măng Bỉm Sơn tăng 9,7%, HT1 (Xi măng Vicem Hà Tiên) tăng 6,21%; CVT (Gạch ốp lát CMC) tăng 6,83%,…

Sắc xanh vẫn áp đảo, cổ phiếu PV GAS bật tăng, khối ngoại bán ròng 550 tỷ đồng
Giá dầu hồi phục sau khi rơi xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 7 giúp giá cổ phiếu nhóm dầu khí tăng mạnh. PV Gas và Vinamilk tăng hạng trong top...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư