Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Áp lực chốt lời dâng cao ở phiên ATC, VN-Index quay đầu giảm gần 5 điểm
Thanh Thuỷ - 11/08/2021 18:24
 
VN-Index đóng cửa giảm 4,64 điểm dù trước đó đều giao dịch trong sắc xanh. Thanh khoản thị trường xấp xỉ 31.860 tỷ đồng, mức cao nhất từ ngày 7/7.

Lực bán mạnh ở phiên ATC kéo chứng khoán giảm điểm

Thông tin Thượng viện Mỹ thông qua gói đầu tư hạ tầng 1.000 tỷ USD đêm qua đã giúp thị trường chứng khoán châu Á giao dịch khá tích cực trong sáng nay. Cả ba sàn chứng khoán của Việt Nam cũng đều tăng điểm, VN-Index từng có lúc đạt 1.373 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời mạnh dần lên trong phiên chiều khiến cả hai chỉ số sàn niêm yết đều đóng cửa trong sắc đỏ. 

Kết phiên 11/8, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,34%) xuống 1.357,79 điểm với 205 mã giảm và 182 mã tăng. HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,19%) xuống 334,44 điểm nhưng số mã chứng khoán tăng vẫn áp đảo. Riêng chỉ số sàn UPCoM vẫn giữ được sắc xanh trong toàn bộ phiên giao dịch và đóng cửa tăng 1,48 điểm (1,63%) lên 92,01 điểm.

Áp lực bán tăng lên ở phiên ATC khiến VN-INdex và hNX-INdex đều không giữ được sắc xanh
Áp lực bán tăng lên ở phiên ATC khiến VN-Index và HNX-Index đều không giữ được sắc xanh.

Nhiều cổ phiếu đã bất ngờ giảm mạnh trong phiên ATC. Cổ phiếu của Vingroup đến cuối phiên khớp lệnh liên tục mới giảm 0,88% nhưng đã rơi xuống giảm  1,77% do áp lực chốt lời ở phiên ATC. VIC cũng là cổ phiếu kéo thị trường giảm nhiều nhất trong phiên hôm nay. Top 10 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index còn gồm VHM (-0,85%) và KDH (-4,42%). Đây đều là cổ phiếu của nhóm bất động sản.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giao dịch khá phân hoá. VCB, VPB, MSB, TPB tăng điểm và là các trụ cột chính đỡ chỉ số. Còn ở chiều ngược lại, số lượng mã giảm giá trong dòng ngân hàng lại áp đảo hơn. SHB là cổ phiếu kéo HNX-Index nhiều nhất.

Còn cổ phiếu PHP của Cảng Hải Phòng với mức tăng 9,9% lại dẫn đầu nhóm cổ phiếu kéo chỉ số tăng. Nhóm cổ phiếu cảng biển và logistics giao dịch sôi động gần đây với hàng loạt phiên tăng kịch biên độ như MVN (Vinalines), VOS (Vosco), HAH (Hải An), CDN (Cảng Đà Nẵng)…

Không duy trì được đà tăng như nhóm cổ phiếu logisitcs, dòng chứng khoán và dầu khí đều điều chỉnh. Sắc xanh khá hiếm hoi và chỉ xuất hiện ở một số cổ phiếu chứng khoán như TVB, SHS, PSI. Một số cổ phiếu dầu khí vẫn tăng nhẹ như PVD, PVC. Giá cổ phiếu GAS giảm 0,52% so với hôm qua, khiến PV Gas tụt một hạng trong top vốn hoá dẫn đầu thị trường.

Dòng tiền lớn vẫn vào thị trường

Cú đảo chiều bất ngờ của chỉ số đang phản ánh phần nào tâm lý chốt lời khi VN-Index đang tiến gần hơn ngưỡng 1.380 điểm.Tuy nhiên, lực mua vẫn rất mạnh khi chỉ số giảm. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đã khá cao từ phiên sáng với gần 13.000 tỷ đồng đổ vào thị trường. Đến thời điểm kết thúc phiên, thanh khoản sàn này đã đạt 26.344 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ ngày 7/7. Trên cả ba sàn, thanh khoản xấp xỉ 31.860 tỷ đồng, tăng 10,1% so với phiên hôm qua.

Có tới ba cổ phiếu đạt mức thanh khoản trên ngàn tỷ đồng gồm HPG (1.079 tỷ đồng), TCB (1079 tỷ đồng) và SSI (1.039 tỷ đồng). Khối lượng giao dịch của SSI tăng hơn 40% so với phiên hôm qua và tăng khoảng 22% so với bình quân 10 phiên gần đây. SSI cũng là cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong phiên với giá trị bán ròng 327 tỷ đồng.

Ngoài SSI, chứng chỉ quỹ FUEVFVND của quỹ ETF dựa theo rổ VN Diamond cũng bị bán ra 263 tỷ đồng. Dù khối ngoại mua mạnh VHM, STB hay PLX, giá trị bán ra vẫn áp đảo hơn. Trên cả ba sàn, khối ngoại đã bán ròng 746 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bán ròng thứ hai sau chuỗi mua ròng liên tục trước đây.

Thị trường chứng khoán: Nhận diện những nhóm ngành "đề kháng" mạnh với dịch bệnh
Cổ phiếu của các doanh nghiệp có “đề kháng” mạnh với dịch bệnh có thể đón đầu sự phục hồi kinh tế tốt nhất. Cơ hội đầu tư những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư