Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021: Sớm đón đầu sẽ có cơ hội chiến thắng cao
Kỳ Thành - 30/07/2021 08:49
 
Thị trường chứng khoán trong tháng 7/2021 đã có nhịp điều chỉnh mạnh từ đỉnh, nhưng theo các chuyên gia, triển vọng nửa cuối năm, đặc biệt là dài hạn, vẫn rất “sáng” bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp giảm trong tháng 7/2021, với mức giảm 13 - 14% so với mức đỉnh ảnh: Lê Toàn

Nhiều tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm

“Có những yếu tố tích cực, lạc quan bên cạnh các rủi ro, nhưng chắc chắn, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội, triển vọng phía trước. Nếu chúng ta sớm đón đầu cơ hội thị trường, nhìn dài hạn, thì cơ hội chiến thắng rất cao”. Đó là nhận định được ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư tổng kết từ ý kiến của các chuyên gia phân tích, cơ quan chính sách và doanh nghiệp tham dự Tọa đàm trực tuyến “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021”, do Báo Đầu tư tổ chức vào giữa tuần này.

Có thể nói, sau chuỗi tăng điểm kéo dài, thị trường chứng khoán đang chịu những tác động nhất định của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, thị trường có sự suy giảm nhất định về chỉ số cũng như khối lượng giao dịch so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, các phân tích trong nước và quốc tế đều cho thấy, những biến động thị trường trong tháng 7/2021 chỉ là ngắn hạn.

Theo ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, nhìn về chu kỳ kinh tế, cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ nhận định, suy thoái kinh tế do Covid-19 đã kết thúc vào tháng 4/2020. “Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã hồi phục và thị trường chứng khoán cũng hồi phục. Tương tự, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện đáy thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3/2020”, ông Trung phân tích.

Theo vị chuyên gia này, khi đầu tư, Passion Investment thường nhìn vào dài hạn nhiều hơn là các biến động ngắn hạn. Trong khi đó, lợi nhuận các doanh nghiệp vẫn dự báo tăng trưởng từ nay đến năm 2022.

Ông Trung đánh giá, trong tháng 7/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp giảm 13% là cơ bản tạo đáy và đang trong xu hướng đi lên.

Với việc kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, kỳ vọng khống chế Covid-19 sớm, thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu tăng trưởng còn đi lên, với dự báo sau nhịp điều đỉnh, thị trường có thể tăng 30-40%. “Với các giả định này, tôi cho rằng, cuối năm nay, VN-Index có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm, với điều kiện Covid-19 được khống chế trong tháng 8-9”, Tổng giám đốc Passion Investment nhận định.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital cho rằng, việc thị trường điều chỉnh trong tháng 7 là hợp lý. Mặc dù chỉ số VN-Index giảm 13-14% so với mức đỉnh, nhưng thị trường đã có sự trưởng thành vượt bậc.

“Thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng không thực chất và mức này khó ổn định trong thời gian dài. Tôi cho rằng, trên sàn HoSE, với mức thanh khoản 15.000 - 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý”, ông Tuấn nói.

Trong quá trình tăng trưởng, các nhịp điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Theo thống kê, mức điều chỉnh bình quân là 17%/nhịp, thời gian bình quân là 6 tháng. Như thị trường Mỹ là đã điều chỉnh 14% từ đỉnh. Với Việt Nam từ tháng 3/2020 đến nay đã có các nhịp điều chỉnh: tháng 6 - 7/2020, tháng 1/2021 và tháng 7/2021, khá tương đồng với các con số trong quá khứ.

Bên cạnh đó, cũng có các yếu tố khác được các chuyên gia dự báo sẽ hỗ trợ thị trường từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh việc hệ thống giao dịch do Công ty cổ phần FPT cung cấp đã hoạt động trơn tru, khắc phục được hiện tượng nghẽn lệnh, tạo thuận lợi trong giao dịch, thì theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, dự kiến đầu năm 2022 có thể đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới do Hàn Quốc (KRX) cung cấp.

Hệ thống mới này cho phép thực hiện giao dịch lô lẻ, giao dịch T0, giúp cơ quan quản lý có cơ sở triển khai nhiều sản phẩm chứng khoán mới, qua đó giúp tăng thanh khoản cho thị trường.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, để triển khai những sản phẩm, nghiệp vụ mới cho giai đoạn tới, ngoài khung pháp lý về mặt thể chế gồm Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, vấn đề quan trọng là nền tảng về hệ thống công nghệ, trong đó có gói thầu KRX.

Về công nghệ, có 2 nội dung liên quan đến sản phẩm của VSD cần chuẩn bị, dù khung pháp lý đã có từ khá lâu. Đó là hệ thống bù trừ đối tác trung tâm cho thị trường cơ sở và triển khai các sản phẩm nghiệp vụ chứng khoán kèm theo, như bán khống và giao dịch trong ngày.

Với hệ thống bù trừ đối tác trung tâm cho thị trường cơ sở, nhà đầu tư sẽ không phải ký quỹ 100% tiền mặt trước khi đặt lệnh mua chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ với tỷ lệ 10-20%.

Điều này giúp các nhà đầu tư có đòn bẩy tốt hơn để ra quyết định mua bán trên thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, VSD chuẩn bị nhiều sản phẩm hỗ trợ thị trường, như quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, nghiên cứu và ký hợp tác các đơn vị triển khai cho phép tổ chức nước ngoài như các quỹ của châu Âu mở tài khoản thành viên trên VSD.

Nhiều nhóm ngành có triển vọng và đang có mức giá hấp dẫn

Trong nửa đầu năm nay, thị trường đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản công nghiệp… Do đó, câu hỏi được các nhà đầu tư quan tâm là nửa cuối năm nay, các ngành, lĩnh vực nào sẽ thành tâm điểm đầu tư.

Có những yếu tố tích cực, lạc quan bên cạnh các rủi ro, nhưng chắc chắn, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội, triển vọng phía trước. Nếu chúng ta sớm đón đầu cơ hội thị trường, nhìn dài hạn, thì cơ hội chiến thắng rất cao.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tính đến cuối tháng 6/2021, VN-Index giao dịch với mức P/E 19,2 lần, cao hơn 19% so với mức P/E trung bình 3 năm (16,2 lần), nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2018 khi P/E chạm mốc 22,2 lần.

“Đây là mức khá cao, nhưng nhìn dài hạn, dòng tiền có nhu cầu đầu tư trong dân rất lớn, số lượng tài khoản mở mới vẫn ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua. Sau đợt điều chỉnh vừa rồi, việc nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn là cơ hội cho nhà đầu tư mua”, bà Lam nhận định.

Đồng quan điểm với bà Lam, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, khi VN-Index điều chỉnh về 1.200 điểm là cơ hội tích lũy cổ phiếu và nhà đầu tư chưa mua được cổ phiếu giá rẻ thì sắp tới sẽ mua được. Cơ sở đưa ra là dựa vào EPS dự kiến tăng 33,8%. “Thị trường sẽ phản ánh nội tại doanh nghiệp, EPS tăng 33,8%, thì P/E sẽ giảm và là cơ hội để mua vào”, ông Lê Quang Minh nói.

Do đó, ông Lê Quang Minh đưa ra khuyến nghị 5 nhóm ngành cho nhà đầu tư, gồm công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistics và bất động sản khu công nghiệp.

Dẫn chứng, ông Lê Quang Minh cho biết, với nhu cầu chuyển đổi số không chỉ có ở doanh nghiệp, mà cả cá nhân, với nhu cầu cả ở phần cứng và phần mềm, nên các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin đang có hiệu quả kinh doanh tốt hơn cả khi không có Covid-19.

Hay với lĩnh vực logistics, nhờ hưởng lợi từ đặc thù kinh tế Việt Nam và tăng giá cước phí, doanh thu và lợi nhuận của nhóm ngành này tăng trưởng tốt, dự kiến một số doanh nghiệp sẽ có kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2021. “Triển vọng dài hạn còn ở việc phục vụ nhu cầu cho cả nền kinh tế mở”, ông Lê Quang Minh cho hay.

Với vai trò nhà sản xuất, phát triển bất động sản công nghiệp, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cho biết, doanh nghiệp này đang tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng, xây dựng thêm các khu công nghiệp, đồng thời tham gia các dự án bất động sản nhà ở, như tại Khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng)… “Chúng tôi đã chuẩn bị được quỹ đất lớn, tỷ lệ thu hút đầu tư cũng rất tốt và hy vọng sẽ đạt được những kết quả ấn tượng trong thời gian tới”, ông Tâm chia sẻ.

Phân tích thêm về triển vọng của nhóm ngành bất động sản, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup cho rằng, lực đẩy trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 2022 - 2023 chính là giải ngân đầu tư công lớn. Ước tính, có tổng cộng 35 tỷ USD đầu tư công khu vực phía Nam trong 5 năm tới, giúp tất cả các phân khúc bất động sản nói chung đều hưởng lợi.

“Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, có nhiều tên tuổi quen thuộc và nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp đầu ngành, đa dạng sản phẩm. Nhà đầu tư cũng nên tiếp cận thông tin bên thứ ba, từ doanh nghiệp để có kế hoạch đầu tư phù hợp”, ông Phiên khuyến nghị.

Chia sẻ góc nhìn từ quỹ đầu tư, ông Lã Giang Trung cho biết, khi đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào, cũng cần quan tâm đến yếu tố quản trị của doanh nghiệp, định giá của doanh nghiệp ở mức hợp lý và doanh nghiệp có triển vọng tốt về lợi nhuận trong ngắn và trung hạn.

Thị trường chứng khoán: Nhận diện những nhóm ngành "đề kháng" mạnh với dịch bệnh
Cổ phiếu của các doanh nghiệp có “đề kháng” mạnh với dịch bệnh có thể đón đầu sự phục hồi kinh tế tốt nhất. Cơ hội đầu tư những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư