Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Vốn đăng ký của DN thành lập mới tháng 7/2020 tăng vọt: Lại có "đại gia" giấu mặt?
Mạnh Bôn - 29/07/2020 16:12
 
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 7/2020, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới giảm 3,8% so với tháng trước nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng tới 72%.

Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 72%

Cụ thể, trong tháng 7/2020, cả nước có 13.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,8% với số vốn đăng ký là 239.300 tỷ đồng, tăng 72% so với tháng trước. Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ có 936.400 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tháng 7, số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm khoảng 26% tổng số vốn đăng ký từ đầu năm đến nay.

Nhờ đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 này đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 78,8% so với tháng 6/2020. Còn so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng chưa đến 7% nhưng vốn đăng ký tăng gần 72% và vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp cũng tăng tới 61%.

Chúng ta còn nhớ, tháng 1/2020, Tổng cục Thống kê công bố, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 8.276 doanh nghiệp, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2019 (do tháng 1 năm nay rơi vào thời gian nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý), nhưng số vốn đăng ký lên tới 267.200 tỷ đồng, tăng tới 76,8% và đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhờ đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2020 lên tới 32,3 tỷ đồng, tăng hơn 115% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt kỷ lục.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm, khi đó còn là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý: “Nếu không tính một doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực bất động sản tại một huyện ngoại thành ở Hà Nội với vốn đăng ký là 144.000 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng 1 thì vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ có 14,9 tỷ đồng. Và nếu trừ đi số vốn của doanh nghiệp bất động sản này thì tổng vốn của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2020 chỉ còn 123.200 tỷ đồng, đều giảm khá mạnh so với tháng trước và cùng kỳ các năm trước”.

Trước sự bất thường này, vào tháng 2/2020, Tổng cục Thống kê đã điều chỉnh lại số liệu. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ còn 220.000 tỷ đồng, tức là giảm 47.200 tỷ đồng so với số vốn của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2020 nên trong 2 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 11% và vốn bình quân/doanh nghiệp giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2019.

.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, tình trạng doanh nghiệp khai báo số liệu không trung thực, đặc biệt là vốn đăng ký khi thành lập vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, tình trạng doanh nghiệp khai báo số liệu không trung thực, đặc biệt là vốn đăng ký khi thành lập vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm mục đích có lợi cho doanh nghiệp.

“Cần phải có nhiều giải pháp để hạn chế, khắc phục tình trạng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo, trong đó phải tập trung vào 3 giải pháp chủ yếu. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nức như thuế, hải quan, thống kê, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh… phải mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh hiện đã tương đối đồng bộ và đầy đủ, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập chưa hiểu biết đầy đủ, vì vậy, cần phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để cộng đồng doanh nghiệp hiểu và và không vi phạm pháp luật. Và cuối cùng là cần phải có chế tài xử lý đủ mạnh, phù hợp với các sai phạm và công bằng với tất cả doanh nghiệp. Trong đó phải kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật các trường hợp vi phạm, kể cả việc rút giấy phép đăng ký kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Số vốn đăng ký “khủng” trong tháng 7 này liệu có gì bất thường? Có hai khả năng. Một là, có thể có một DN nào đó đăng ký với số "khủng" như trường hợp DN đăng ký 144.000 tỷ hồi đầu năm. Hai là, có thể nhiều DN đăng ký mới có số vốn khá lớn, giúp cho tổng vốn đăng ký mới của tháng 7/2020 tăng vọt. 

Hiện cơ quan quản lý chưa công bố cụ thể xem có doanh nghiệp nào đăng ký số vốn khủng hay không.

Doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm ở hầu hết lĩnh vực

Cũng theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, nếu tính cả số vốn khủng do doanh nghiệp nào đó đăng ký trong tháng 7 thì tính chung 7 tháng, cả nước có 75.200 doanh nghiệp gia nhập thị trường, với tổng số vốn là 936.400 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598.600 người, giảm hơn 5% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.158.400 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21.000 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm nay là 2.094.800  tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 28.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với 7 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103.800 doanh nghiệp, gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng gần 21%; sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng gần 191%. Ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,7%; kinh doanh bất động sản giảm khoảng 23%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 21%; giáo dục và đào tạo giảm 15,4%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 40,3%...

Trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32.700 doanh nghiệp, tăng 41,5%; 21.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Bên cạnh đó còn có 8.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, nhưng đáng lưu ý là có 138 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng cũng đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,5%; chưa kể trong 7 tháng đầu năm nay có tới 26.700 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

DN vốn 144.000 tỷ đồng: Các cơ quan đăng ký kinh doanh "sẽ phải quen dần với những con số lớn này"
Đưa ra một cách nhìn cởi mở về thông tin doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn "khủng", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư