Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vốn điều lệ của các ngân hàng tăng cao
T.V - 08/06/2023 08:46
 
Một số ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn từ nguồn chia cổ tức, phát hành thêm. Lượng vốn điều lệ các ngân hàng dự kiến tăng thêm năm nay là 163.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong ngày 7/6, ACB có báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và thay đổi vốn điều lệ.

Theo đó, ACB phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 qua đó nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 3.377 triệu cổ phiếu lên 3.884 triệu cổ phiếu. Tương đương vốn điều lệ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Trước đó, ACB đã thông báo 2/6/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu.
Tỷ lệ thực hiện trả cổ tức bằng tiền là 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Với gần 3.377 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ACB sẽ phải chi ra hơn 3.377 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Ngày thanh toán dự kiến là 12/6/2023.

Về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, ACB dự kiến phát hành hơn 506,6 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tương đương 5.066 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2022.

Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới được nhận đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015, với tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận được 700 đồng) và với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014.

HDBank cũng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, tăng vốn thêm gần 3.800 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên trên 29.200 tỷ đồng, không lâu sau khi chốt danh sách cổ đông trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%.

Hiện HDBank đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Sau khi hoàn thành phương án phân phối lợi nhuận này, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng thêm tối đa 3.772 tỷ đồng vốn điều lệ, từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng

Mức cổ tức cao năm nay tiếp nối truyền thống chia cổ tức cao và đều đặn nhiều năm liền của HDBank, trên cơ sở kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, liên tục và bền vững. Năm 2022, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế lần đầu đạt trên 10.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động đồng thời quản trị tốt mọi rủi ro.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông năm 2023 của HDBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% và trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.

Phương án trả cổ tức của HDBank được giới đầu tư đánh giá là hài hòa cho cả những người muốn nhận bằng tiền mặt và những nhà đầu tư muốn nhận cổ phiếu để tiếp tục hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ và bền vững của HDBank. Đối với nhà đầu tư ưa thích cổ tức bằng tiền mặt, vào ngày 12/6 tới đây họ sẽ nhận 1.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Ngày 5/6, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6,849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trước đó, ngày 16/5, Hội đồng quản trị OCB đã có nghị quyết về việc không tiếp tục triển khai tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 30% vốn điều lệ). Tuy nhiên, OCB sẽ triển khai việc tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 50%).

Cụ thể, OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 6.849 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền, và cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới).

Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB cũng vừa có quyết định về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, MB dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/6/2023 để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng). Thời gian thực hiện chi trả cổ tức là ngày 10/7/2023.

Với hơn 4,5 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, MB dự kiến chi ra 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Như vậy, MB sẽ là ngân hàng tiếp theo thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Ngoài ra, ngân hàng này còn có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 6.801 tỷ đồng

MB là một trong 6 ngân hàng công bố hoặc đã triển khai chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023, cùng với TPBank, VIB, ACB, VPBank và HDBank. Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng.

Trong đó, VIB và TPBank đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức tiền mặt vào đầu tháng 4/2023. HDBank và ACB cũng đã chốt danh sách trong tuần trước và chỉ còn VPBank chưa công bố ngày chốt quyền.

Đánh giá về xu hướng tăng vốn gần đây của các ngân hàng trong năm nay, giới phân tích cho rằng, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản khó khăn, các thông tư tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trong thời kỳ covid hết hiệu lực, tình hình kinh tế khó khăn và lãi suất tăng đã khiến cho áp lực nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của các nhà băng đã phản ánh rất rõ câu chuyện kể trên. Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng cũng giảm xuống. Tất cả những điều này khiến cho các tổ chức tín dụng phải tăng vốn và tăng cường phòng thủ.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%. Khi rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ CAR sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn.

Đến thời điểm hiện nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều có hướng tăng vốn điều lệ. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước  về việc Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 làm rõ hơn về quá trình tăng vốn tới đây.

Vì vậy, lượng vốn điều lệ các ngân hàng dự kiến tăng thêm trong năm nay là 163.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 154.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Vốn điều lệ ngân hàng tăng cao
Nhiều ngân hàng được chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ sau kỳ đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 và đang trong quá trình triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư