Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Vốn từ Singapore tìm cách nhân hệ số thông qua M&A
Vũ Anh - 11/08/2023 14:57
 
Qua thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), các doanh nghiệp, quỹ đầu tư của Singapore đã nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình tại Việt Nam - đang chuyển đổi từ thị trường sản xuất sang tiêu dùng.
Bệnh viện FV giúp mở rộng sự hiện diện của Thomson Medical Group tại Đông Nam Á trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Thị trường hấp dẫn

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn với các danh mục đầu tư của Singapore. Các công ty Singapore bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế của Việt Nam, với một thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, dân số có trình độ học vấn, tay nghề và kỹ năng công nghệ ngày càng cao.

Khảo sát kinh doanh quốc gia của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) cho thấy, giai đoạn 2022-2023, Việt Nam được xếp hạng là 1 trong 3 quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Các lĩnh vực quan tâm chính của họ gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ. 

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2023, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỷ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. TP.HCM là địa phương có nhiều dự án của nhà đầu tư Singapore nhất cả nước, với hơn 1.700 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 14 tỷ USD.

Riêng về đầu tư qua góp vốn mua cổ phần, đã diễn ra nhiều thương vụ lớn của nhà đầu tư Singapore. Theo ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV), những năm gần đây, đầu tư của Singapore vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản, thương mại bán buôn, bán lẻ. Những năm tới, các nhà đầu tư Singapore sẽ tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng và hậu cần, kinh tế xanh và kinh tế số.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã chứng minh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và hậu cần. Các doanh nghiệp Singapore quan tâm đến việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo nhân lực và các giải pháp kỹ thuật số.

Môi trường cũng là một chủ đề nóng và nền kinh tế xanh sẽ trở thành mục tiêu đầu tư tiếp theo của các nhà đầu tư Singapore. Họ có thể sẽ tập trung vào các dự án về cơ sở hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, kinh tế kỹ thuật số sẽ là trọng tâm hàng đầu của các nhà đầu tư Singapore nhằm thúc đẩy việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam và vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia.

M&A - hệ số nhân giúp doanh nghiệp sớm đạt mục tiêu

Gần đây nhất, Thomson Medical Group - một trong những tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu Singapore mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD (tương đương hơn 9.025 tỷ đồng). Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Đông Nam Á kể từ năm 2020. Theo kế hoạch, việc mua lại Bệnh viện FV sẽ bổ sung cho thế mạnh của Thomson Medical Group trong việc đưa Singapore, Malaysia và Việt Nam thành 3 trung tâm y tế hàng đầu Đông Nam Á.

Ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Thomson Medical Group cho biết, việc mua lại Bệnh viện FV giúp mở rộng sự hiện diện của Tập đoàn trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bệnh viện FV mang lại chỗ đứng chiến lược cho Tập đoàn tại Việt Nam và là cửa ngõ để phát triển cũng như tập trung vào các khoản đầu tư trong tương lai tại thị trường đang phát triển nhanh chóng này.

Theo ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành của SBF, Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các khoản đầu tư của Singapore. Các doanh nghiệp Singapore mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các khoản đầu tư và doanh thu.

Hồi tháng 5/2023, Ngân hàng UOB hoàn tất mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh bán lẻ của UOB tại ASEAN, bên ngoài thị trường chính là Singapore. Mảng kinh doanh được mua lại cùng với mạng lưới kinh doanh rộng khắp khu vực sẽ tạo thành sự cộng hưởng mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nâng cao vị thế của UOB với tư cách là một ngân hàng dẫn đầu khu vực ASEAN.

Trước đó. OnPoint công bố gọi vốn thành công 50 triệu USD từ SeaTown Private Capital Master Fund - quỹ đầu tư thuộc SeaTown Holdings International, thành viên của Temasek Holdings. Đây là thương vụ gọi vốn tư nhân lớn nhất trong mảng dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á 5 năm qua.

SeaTown Holdings International là nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore, tổng tài sản hơn 6 tỷ USD, quản lý các chiến lược đầu tư đa dạng, thông qua các quỹ mở và đóng. Gần đây nhất, SeaTown thể hiện cam kết mạnh mẽ với thị trường Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào The CrownX, Golden Gate Group.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore đã tăng cường hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Mới đây, start-up xe máy điện Dat Bike công bố huy động thành công thêm 8 triệu USD trong vòng gọi vốn dẫn đầu bởi Quỹ Jungle Ventures có trụ sở tại Singapore. GSR Ventures và Delivery Hero Ventures cũng tham gia vòng này cùng với Wavemaker Partners và Innoven Capital.

Ngoài ra, tháng 8/2022, Jungle Ventures dẫn đầu khoản đầu tư 8,5 triệu USD vào nền tảng bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe địa phương Medici trong vòng cấp vốn Series A. Golden Gate Ventures - một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, đã thành lập 2 văn phòng tại Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.

Một quỹ đầu tư mạo hiểm khác là Quest Ventures cũng hợp tác với Enterprise Singapore để thực hiện Chương trình Tăng tốc GIA nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ Singapore và các doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm nhập thị trường Việt Nam. Đặc biệt, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore đã và đang nắm cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như PAN, FPT, Masan, Vinhomes…

Đầu năm nay, khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông chủ Quỹ đầu tư bất động sản Boyu cũng muốn rót vốn vào xây dựng đường cao tốc, cảng biển, sân bay, hạ tầng khu công nghiệp… ở Việt Nam.

Bất động sản TP.HCM: Đón thêm dòng vốn từ Singapore
3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón nhận thêm những dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đổ vào thị trường bất động sản. Trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư