Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VTV không thoái hết vốn tại SCTV, K+, VTVcab
Hữu Tuấn - 25/09/2015 08:35
 
Đó là khẳng định của những người trong cuộc tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)
TIN LIÊN QUAN

VTV chỉ cổ phần hóa, không thoái hết vốn!

Tuần qua, trên một số tờ báo đã đăng tải thông tin về việc ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, cuối năm 2015, VTV sẽ tiến hành thoái vốn tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp này. Trong thời gian tới, VTV cũng sẽ tiến hành thoái vốn tại Công ty Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) và Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV- tức K+). Sau khi thoái vốn tại VTVcab, cũng như SCTV, K+, VTV chỉ nắm quyền quản lý các đơn vị này về mặt nội dung theo quy định của pháp luật.

Việc tiến hành thoái vốn của VTV tại 3 doanh nghiệp truyền hình trả tiền nhằm mục đích để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho các cổ đông góp vốn. Đồng thời, các khoản lợi nhuận này sẽ quay ngược trở lại giúp phát triển cho các hoạt động của VTV nhiều hơn.

Truyền hình cáp là mảng kinh doanh quan trọng nên VTV tiếp tục nắm cổ phần chi phối. Ảnh: Đức Thanh
Truyền hình cáp là mảng kinh doanh quan trọng nên VTV tiếp tục nắm cổ phần chi phối. Ảnh: Đức Thanh

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Truyền hình K+ cho biết, thông tin VTV sẽ thoái vốn toàn bộ tại SCTV, K+, VTVcab là không chính xác.

“Thông tin trên được anh Trần Bình Minh nói tại buổi Lễ kỷ niệm 20 năm của VTVcab, nhưng không phải là thoái vốn tại VTVcab hay K+, SCTV mà là VTV đang có chủ trương mời gọi đầu tư vào các kênh truyền hình trả tiền của VTV. Nếu có thêm đối tác giàu tiềm năng tài chính, kinh nghiệm, công nghệ thì các kênh này sẽ hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh hơn. Thông tin đăng tải trên một số tờ báo đã hiểu sai ý và đưa tin VTV thoái vốn toàn bộ là không chính xác”, ông Công cho biết.

Theo ông Công, truyền hình trả tiền là mảng kinh doanh quan trọng, nên VTV sẽ không thoái vốn toàn bộ mà sẽ chỉ cổ phần hóa một số doanh nghiệp đang sở hữu tỷ lệ cao theo yêu cầu của Chính phủ. Còn tại K+, VTV nắm 51% vốn chủ sở hữu và tham gia với tư cách làm nội dung, thực hiện nghĩa vụ truyền dẫn, phát sóng, còn phía đối tác là Canal+ (chiếm 49%) tham gia đầu tư tài chính, công nghệ. Liên doanh này đang hoạt động tốt, hiệu quả và bắt đầu có lãi sau 5 năm đầu tư.

Ông Tạ Sơn Đông, Phó tổng giám đốc VTVcab cũng cho hay, không phải là thoái vốn mà là tiến hành mời gọi đối tác chiến lược để tiến hành cổ phần hóa. Thông tin đăng tải việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại VTVcab trên một số tờ báo là không chính xác.

Sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV

Báo cáo của VTV cho thấy, VTV đã đầu tư, góp vốn thành lập 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền hình gồm: VTV nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ truyền hình - Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom) và VTVcab, trong đó VTVcab tham gia góp vốn vào K+ và nắm giữ 51% vốn điều lệ; VTV nắm giữ 50% vốn điều lệ là SCTV; Tại Công ty cổ phần Truyền thông quảng cáo Đa phương tiện (Smart Media) VTV tham gia góp 18,07% vốn điều lệ.

Theo báo cáo, VTV đang xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể các doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện. Theo đó, trong giai đoạn tới, dự kiến sẽ thực hiện cổ phần hóa VTVcab và VTV Broadcom.

Theo ông Đông, hiện việc cổ phần hóa của VTVcab đang được 4 - 5 đối tác nước ngoài đặc biệt quan tâm và tìm hiểu cơ hội hợp tác. VTVcab đang xây dựng phương án, lộ trình cổ phần hóa. Bước đầu sẽ bán 15-20%, sau đó sẽ bán tiếp nhưng không vượt quá 49%. Dự kiến, năm 2016, VTVcab sẽ bắt đầu thực hiện các bước cổ phần hóa.

Theo lãnh đạo VTV, chủ trương cổ phần hóa, lựa chọn đối tác chiến lược cho VTVcab đã có từ  gần 2 năm nay, nhưng do chưa thống nhất được tỷ lệ sở hữu, định giá, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nên vẫn chưa chốt được phương án.

Đối với K+, sau 5 năm Liên doanh hoạt động, tháng 12/2014, VTV và Canal+ đã ký Hợp đồng liên doanh và thống nhất Điều lệ của công ty, với việc VTV thay VTVcab làm đại diện phần vốn tại Liên doanh. Hiện K+ đã đạt điểm hòa vốn sau hơn 5 năm hoạt động, đang hoạt động khá tốt với hơn 800.000 thuê bao, tăng trưởng thuê bao bình quân 140%/năm, tăng trưởng doanh thu tăng bình quân 150%/năm (hiện đạt trên 1.200 tỷ đồng) và lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế đạt con số dương vào tháng 6/2015. Theo cam kết với đối tác, sẽ không có chuyện VTV thoái vốn hay chuyển vốn đầu tư cho đối tác khác tại Liên doanh.

SCTV cũng là một thương hiệu làm ăn hiệu quả mà VTV góp vốn. Hiện SCTV có khoảng 2,5 triệu thuê bao, doanh thu năm 2014 đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, SCTV sẽ hoàn thành cổ phần hóa. Lúc đó, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong SCTV sẽ giảm đi và sẽ có sự tham gia của các đối tác tiềm năng về tài chính, công nghệ, nội dung. 

Theo Công văn số 2408/VPCP-ĐMDN ngày 28/3/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc VTV, sẽ giữ nguyên mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên đối với SCTV. Nhưng theo thông tin từ Saigontourist, doanh nghiệp này đang có chủ trương chuyển SCTV sang Công ty cổ phần do công ty mẹ nắm 50% vốn điều lệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư