Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 28 tháng 01 năm 2025,
Vụ cưỡng chế Khách sạn Sài Gòn - Thương Mại: Lãnh đạo CTCP Thương mại Nghệ An sẵn sàng đối thoại hòa giải
Hoàng Hảo - 12/07/2016 15:06
 
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thương Mại Nghệ An cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại để hòa giải và bàn giao lại khách sạn cho Công ty CP đầu tư Môi trường xanh tiếp tục quản lý, điều hành kinh doanh nếu họ chịu thanh toán các khoản nghĩa vụ phải nộp theo hợp đồng đã ký…”.

Sau khi Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đăng tải bài viết về vụ cưỡng chế Khách sạn Sài Gòn – Thương Mại tại TP Vinh theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân TP Vinh và những vấn đề tranh chấp giữa hai đối tác từng ký hợp đồng hợp tác đầu tư là Công ty CP Thương mại Nghệ An và Công ty CP đầu tư Môi trường xanh 27/7, ông Trịnh Ngọc Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thương Mại đã có cuộc làm việc với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này. Để dư luận nhìn nhận vụ việc khách quan, đầy đủ thông tin từ hai phía, Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đăng tải nội dung cuộc làm việc:

PV: Thưa ông, nguyên nhân vì sao hai đối tác từng bắt tay hợp tác kinh doanh, bây giờ lại lôi nhau ra Tòa?

Ông Sơn: Trước đây và cả bây giờ, tôi vẫn rất tôn trọng và quý anh Hồng (Giám đốc Công ty CP đầu tư Môi trường xanh 27/7 –PV), việc phải đưa nhau ra tòa là bất đắc dĩ, vì Công ty Môi trường xanh không chịu thanh toán các khoản tiền nghĩa vụ theo hợp đồng. Từ năm 2012 đến nay, Công ty Thương Mại gần như không thu được đồng nào từ kinh doanh khách sạn.

PV: Theo lời ông Trần Văn Hồng thì Công ty Môi trường xanh đã thanh toán một số khoản nghĩa vụ theo hợp đồng, nhưng chưa thanh toán đủ là do việc tính toán công nợ bên phía Công ty Thương mại thiếu minh bạch, họ phát hiện ra một số khoản “gian lận” nên yêu cầu làm rõ trước khi thanh toán. 

Ví dụ như tiền thuê đất mà khách sạn phải nộp cho nhà nước mỗi năm là 303 triệu đồng, theo hợp đồng thì bên A chịu 50%, bên B chịu 50%, tức là Công ty Môi trường xanh chỉ phải nộp hơn 150 triệu đồng, nhưng Công ty Thương mại lại đòi Công ty Môi trường xanh thanh toán 404 triệu đồng cho khoản này; Rồi khoản vay ngân hàng 1,8 tỷ đồng và cả khoản lương cho Ban A v.v… bên Công ty Thương mại đều tự áp mức lãi suất 18,25%/năm để nhân lên bắt Công ty Môi trường xanh thanh toán.

Kế toán Công ty Môi trường xanh cho biết là do sự gian dối của Công ty Thương mại khi đưa ra khoản nợ quá lớn so với khoản nợ thực tế phải thanh toán nên Công ty Môi trường xanh đang chờ làm rõ rồi mới thanh toán chứ không phải không chịu trả nợ?

.
Vụ cưỡng chế Khách sạn Sài Gòn - Thương mại Nghệ An đang gây sự chú ý của dư luận

Ông Sơn: Ngày 31/12/2014, hai bên đã làm biên bản đối chiếu công nợ và cùng xác nhận khoản nợ khách sạn phải thanh toán cho Công ty Thương mại là hơn 5,3 tỷ đồng. Ngày 31/03/2015, Công ty Thương mại đã gửi công văn đề nghị thanh toán, ông Hồng kêu bên Công ty Môi trường xanh đang gặp khó khăn về tài chính nên xin gia hạn nợ và ký cam kết với nội dung “Đến ngày 16/04/2015 nếu không trả được khoản lợi nhuận khoán năm đầu là 1,2 tỷ đồng thì Công ty Môi trường xanh xin thanh lý hợp đồng với Công ty Thương mại”, nhưng đến nay bên ông Hồng vẫn chưa trả. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty Môi trường xanh lên làm việc, nhưng bên phía ông Hồng không chịu hợp tác. Họ cứ dây dưa tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác và tiếp tục kinh doanh khách sạn lấy tiền, trong khi số nợ thì ngày càng tăng.

Tính đến ngày 31/03/2016 thì Công ty Môi trường xanh còn nợ Công ty Thương mại tổng cộng hơn 9,67 tỷ đồng. Tất nhiên những con số đó bên phía Công ty Thương mại mới chỉ tạm tính, nó chưa phải là con số cuối cùng. Để xác định số nợ chính xác phải thanh toán thì cần có sự ngồi lại với nhau giữa hai bên đối chiếu tìm sự thống nhất.

Nhưng ít ra Công ty Môi trường xanh cũng phải thanh toán kịp thời những khoản đã rõ ràng cho chúng tôi như nộp khoán năm 2014 là 1,2 tỷ đồng; năm 2015 là 1,7 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký và các khoản bảo hiểm cho người lao động. Khoản nào còn thắc mắc thì tạm gác lại để đối chiếu làm rõ rồi thanh toán sau cũng được. Tuy nhiên đến nay, Công ty Môi trường xanh chỉ mới thanh toán cho chúng tôi được 290 triệu đồng.  

PV: Theo phản ánh của Công ty Môi trường xanh thì khoản 290 triệu đồng đó là số tiền mà Công ty Thương mại yêu cầu chuyển thì mới chịu xuất cho Công ty Môi trường xanh 9 quyển hóa đơn để kinh doanh khách sạn?

Ông Sơn: Thực chất việc này là do suốt một thời gian dài trước đó bên phía ông Hồng kinh doanh khách sạn mà không chịu nộp các khoản thuế, bảo hiểm cho người lao động buộc Công ty Thương mại phải đứng ra chi trả cho nhà nước. Chúng tôi không thể để tình trạng kéo dài nên mới có cuộc làm việc với ông Hồng và đưa ra chế tài để khách sạn phải thực hiện các nghĩa vụ. Do đó mới yêu cầu Công ty Môi trường xanh chuyển 290 triệu đồng để Công ty Thương mại nộp thuế, bảo hiểm cho người lao động. Nếu không thì Công ty Thương mại sẵn sàng cho người xuống khách sạn trực tiếp xuất hóa đơn cho khách hàng chứ chúng tôi không thể đứng ra thanh toán nghĩa vụ nhà nước thay cho Công ty Môi trường xanh mãi được.

PV: Theo ông Hồng thì bên Công ty Thương mại không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng là vay hộ ngân hàng cho Công ty Môi trường xanh 7 tỷ đồng, vì vậy Công ty Môi trường xanh thiếu vốn đầu tư, do đó không thực hiện được đúng tiến độ dự án cải tạo nâng cấp khách sạn?

Ông Sơn: Hợp đồng hai bên thỏa thuận việc giải ngân khoản 7 tỷ đồng đó cho bên B là căn cứ vào hợp đồng xây lắp với nhà thầu; tiền vay được giải ngân tương ứng với 35% giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành. Ngay sau khi có kết quả nghiệm thu giai đoạn 1, Công ty Thương mại đã chuyển cho Công ty Môi trường xanh 1,8 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo chưa có biên bản nghiệm thu được hai bên thống nhất nên chúng tôi chưa thể giải ngân. Hơn nữa bên Công ty Môi trường xanh còn chưa chịu thanh toán các khoản nợ nghĩa vụ thì buộc chúng tôi phải dừng lại.

PV: Mâu thuẫn giữa hai bên chủ yếu xoay quanh vấn đề thanh toán công nợ và các khoản nghĩa vụ. Hai công ty làm việc nằm ngay cạnh nhau, vậy vì sao hai bên không ngồi lại với nhau để đối chiếu, làm rõ, minh bạch các khoản để thống nhất mà thanh toán, lại cứ để tình trạng nhập nhằng kéo dài rồi lôi nhau ra Tòa như hiện nay?

Ông Sơn: Thực ra tôi biết được hoàn cảnh của ông Hồng đang rất khó khăn về tài chính suốt hai năm qua. Tôi rất thông cảm với ông Hồng nên đã hết sức tạo điều kiện. Ngược lại thì ông Hồng không chịu hợp tác.

Ví dụ, tôi bảo các khoản nợ bên kế toán chúng tôi thống kê ra đó, anh thấy khoản nào chưa đúng, chưa hợp lý thì cứ chỉ ra để chúng tôi xem xét lại; Về chứng thư thẩm định giá trị đầu tư thì các anh thấy chỗ nào chưa đúng cứ nêu ra và cung cấp đầy đủ chứng từ, nếu các anh có đầy đủ hồ sơ chứng minh được giá trị đầu tư bao nhiêu thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Hiện nay ông Hồng bảo Công ty Môi trường xanh đã đầu tư cải tạo nâng cấp khách sạn với tổng giá trị hơn 27,8 tỷ đồng, nếu ông Hồng có đầy đủ chứng từ hợp lệ chứng minh được con số đó thì chúng tôi chấp nhận ngay.

PV: Theo như anh nói thì anh rất cảm thông với tình hình khó khăn về tài chính của ông Hồng và đã kiên nhẫn để Công ty Môi trường xanh nợ kéo dài hơn 1 năm qua. Vậy tại sao thời gian gần đây, nhất là trong tháng 6/2016, các anh lại xử lý gấp gáp, gửi đơn lên Tòa án rồi vội vã yêu cầu Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để nắm lại quyền quản lý kinh doanh khách sạn. Đặc biệt là việc thuê cả lực lượng vệ sĩ thực hiện cưỡng chế và làm những việc gây phản cảm đối với dư luận như vậy?

Ông Sơn: Việc Công ty Môi trường xanh không chịu thanh toán các khoản nghĩa vụ theo hợp đồng đủ để chúng tôi có lý do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và lẽ ra chúng tôi đã làm từ lâu. Sau nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty Môi trường xanh tổ chức cuộc họp với Công ty Thương mại để xử lý vấn đề công nợ, nhưng ông Hồng cứ trốn tránh, vẫn tiếp tục kinh doanh khách sạn mà không chịu thực hiện nghĩa vụ nên tôi phải gửi đơn lên Tòa án, đó là một biện pháp để buộc ông Hồng phải ngồi lại làm việc với chúng tôi cho rõ vấn đề. Nếu không làm thế thì tình trạng sẽ cứ kéo dài mãi và càng kéo dài ngày nào thì càng thiệt hại cho nhà nước và Công ty Thương mại ngày đó.

Anh thử tính xem, khoản nghĩa vụ năm 2014 là 1,2 tỷ; năm 2015 là 1,7 tỷ; năm 2016 sẽ là 1,7 tỷ nhân 5%... rồi cộng các khoản thuế, BHXH v.v… số nợ cứ cộng dồn lên hàng chục tỷ thì sẽ đến lúc Công ty Môi trường xanh không có khả năng thanh toán, đến lúc đó chúng tôi biết đòi ai? Với tình hình hiện nay, chúng tôi khởi kiện ra Tòa yêu cầu chấm dứt hợp đồng để lấy lại quyền quản lý, kinh doanh khách sạn là nhằm giảm bớt thiệt hại cho Công ty chứ chưa chắc đã đòi được các khoản nợ mà Công ty Môi trường xanh phải trả. Vì liệu họ có khả năng tài chính để trả nợ nữa hay không?

PV: Qua những cuộc làm việc với Công ty Môi trường xanh, ông Hồng cho chúng tôi biết, Công ty Môi trường xanh đã sẵn sàng thanh toán các khoản nợ với Công ty Thương mại, nhưng yêu cầu các khoản nợ phải minh bạch, rõ ràng và đề nghị Công ty Thương mại phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Như vậy tôi thấy ít nhiều hai bên đã có điểm chung và hoàn toàn có thể đi đến thống nhất với nhau mà không cần phải kéo nhau ra Tòa?

Ông Sơn: Nếu được như vậy thì tốt quá! Tôi sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại hòa giải. Nếu cần tôi sẵn sàng mời ông Hồng và toàn bộ cổ đông của Công ty Môi trường xanh tham dự cuộc đối thoại với Công ty Thương mại để làm rõ những vấn đề khúc mắc giữa hai bên, tìm ra hướng giải quyết chung. Nếu có những vấn đề khó giải quyết, Công ty Thương mại sẵn sàng chịu thiệt để hỗ trợ Công ty Môi trường xanh, nhưng tất nhiên phải hợp lý và nằm trong khả năng của chúng tôi. Nếu Công ty Môi trường xanh thanh toán đầy đủ các khoản nghĩa vụ và có nhu cầu tiếp quản lại khách sạn để quản lý, kinh doanh cho đủ 19 năm theo hợp đồng thì chúng tôi cũng sẵn sàng bàn giao lại và rút đơn khởi kiện ở Tòa án nhân dân TP Vinh.

Ngay sau cuộc làm việc với ông Trịnh Ngọc Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Thương mại Nghệ An, phóng viên Báo Đầu tư tiếp tục trở lại làm việc với Công ty Môi trường xanh. Ông Trần Văn Hồng cũng cho biết, đồng ý ngồi lại với ông Trịnh Ngọc Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thương Mại Nghệ An để đối thoại, hòa giải. Dự kiến buổi đối thoại diễn ra vào sáng 13/07/2016 tại Khách sạn Mường Thanh Sông Lam (TP Vinh).

Ngày 30/06/2016, Công ty CP Thương mại Nghệ An đã đưa ra bán đấu giá 597.422 cổ phần do UBND tỉnh Nghệ An sở hữu (tương đương 89,24% vốn điều lệ của Công ty), mệnh giá mỗi cổ phần là 100.000đ, giá khởi điểm 106.000đ/cp.
Có tổng số 3 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, đều là nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng đăng ký của cả 3 nhà đầu tư này là 1.374.122 cổ phần, giá đặt mua cao nhất là 106.000đ/cp. Kết quả cả 3 nhà đầu tư đều trúng giá và tổng giá trị cổ phần mà UBND tỉnh Nghệ An đã bán được là 63.326.732.000 đồng. Hiện nay 3 nhà đầu tư đã nắm lượng cổ phần chi phối Công ty CP Thương Mại Nghệ An này vẫn chưa được tiết lộ danh tính.

Cưỡng chế tại Khách sạn Sài Gòn - Thương mại Nghệ An: Dùng lực lượng vệ sĩ phong tỏa, lôi xềnh xệch phóng viên tác nghiệp
Mặc dù chưa mở phiên tòa xét xử, nhưng Tòa án nhân dân TP. Vinh đã ra Quyết định buộc bị đơn là Công ty CP đầu tư Môi trường xanh 27/07 bàn giao toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư