-
Nữ giám đốc chỉ đạo để ngoài sổ sách kế toán gần 200 tỷ đồng -
Vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2: Xét xử sơ thẩm 17 bị cáo -
Một khu đất “gánh” hai quy hoạch -
Đà Nẵng nêu giải pháp chống ngập lụt khu vực sân bay -
Thêm 353 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ FLC -
Đà Nẵng xử lý thế nào về vụ 238 sổ đỏ hình thành từ hồ sơ giả?
Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong đường dây rửa tiền |
Nhóm lừa đảo bí ẩn cấu kết với đường dây rửa tiền
Cuối tuần qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Rửa tiền”, liên quan tới đường dây rửa tiền do một số đối tượng người nước ngoài cầm đầu.
Trong vụ án này, có 21 đối tượng người Việt Nam bị tòa án đưa ra xét xử, trong đó 7 bị cáo bị xét xử về tội “Rửa tiền”, 14 bị cáo bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với cáo buộc đã chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị L., trú tại TP. Hà Nội.
Trước đó, 14 bị cáo này bị khởi tố về hành vi “Rửa tiền”, tuy nhiên, sau đó cơ quan tố tụng quyết định thay đổi tội danh, do xác định nhóm này giúp sức cho các đối tượng khác để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Quá trình điều tra xác định, nhóm đối tượng chủ mưu của hành vi lừa đảo liên quan vụ án này (hiện vẫn chưa rõ lai lịch, tạm gọi là nhóm vn2323) thuê Công ty Jinbian (có trụ sở tại tòa nhà Starcity, Thủ đô Phnom Penh, Campuchia) để thực hiện rửa tiền từ các nguồn tiền phạm tội.
Công ty này là một tổ chức tội phạm, chuyên hoạt động rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo, như một cổng thanh toán trung gian. Khi thực hiện hoạt động rửa tiền, công ty này sẽ thu phí 1-3% số tiền giao dịch.
Sau khi nhận được “đơn hàng”, Công ty Jinbian giao Bộ phận 777pay triển khai thực hiện. Đây là một trong 8 bộ phận trực thuộc, phụ trách các hoạt động rửa tiền tại thị trường Việt Nam, do đối tượng Tan Zhi Bao (hay còn gọi là Gu Lang, sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý.
Bộ phận này và nhóm vn2323 đã lập ra 2 nhóm chat trên phần mềm Telegram mang tên Nhóm nhập tiền vn2323 và Nhóm xuất tiền vn2323, để trao đổi, phối hợp các hoạt động lừa đảo và rửa tiền từ nguồn gốc phạm tội.
Theo đó, khi nhóm vn2323 thực hiện hành vi lừa đảo, hướng dẫn bị hại chuyển tiền vào các tài khoản do Bộ phận 777pay chỉ định, các thành viên của bộ phận này sẽ cùng phối hợp để lừa bị hại, sau đó chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau, hoặc sử dụng để mua tiền điện tử USDT.
Khi có yêu cầu rút tiền, Bộ phận 777pay sẽ chuyển tiền VND hoặc tiền điện tử tới các tài khoản do nhóm vn2323 chỉ định, thông qua cổng thanh toán mang tên VNPAY (giả mạo cổng thanh toán tại Việt Nam).
Cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận số tiền gần 20 tỷ đồng chiếm đoạt được từ chị L., các đối tượng lừa đảo vn2323 đã yêu cầu rút về 3 tài khoản ngân hàng và ví điện tử do chúng chỉ định, với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng và gần 400.000 điểm.
Nhiều bị cáo có vai trò đồng phạm lừa đảo
Trình bày trước Hội đồng Xét xử, bị cáo Mặc Bình Hưng, Tổ trưởng và Vũ Xuân Huy, Tổ phó Tổ tài vụ thuộc Bộ phận 777pay thừa nhận hành vi phạm tội theo như cáo trạng đã truy tố, nhưng cho rằng bị ép buộc phải làm thuê.
Cùng với đó, các bị cáo khác thuộc Bộ phận 777pay cũng cho rằng, chỉ đi làm thuê để hưởng lương, thực hiện công việc được giao và giữ vai trò thứ yếu trong từng công đoạn, do đó mong Hội đồng Xét xử xem xét khi lượng hình.
Trong khi đó, một số bị cáo khai chỉ được giao làm việc theo từng công đoạn, do đó không biết nguồn tiền được chuyển đến cho bị cáo xử lý là từ nguồn tiền phạm tội, với mục đích rửa tiền.
Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử đánh giá, các bị cáo có vai trò đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi đã tham gia vào một trong những khâu của hoạt động lừa đảo do các đối tượng cầm đầu tổ chức, do đó không thể chối bỏ trách nhiệm.
Đưa ra quan điểm luận tội đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đánh giá, lời khai của các bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, kết quả sao kê ngân hàng, các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập khác, đúng như cáo trạng đã truy tố.
Quá trình điều tra xác định các đối tượng lừa đảo đã thuê Bộ phận 777pay thực hiện các hoạt động rửa tiền, sau đó nhóm này đã phân chia nhiệm vụ, thực hiện phối hợp việc rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Viện Kiểm sát, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước. Việc đưa các bị cáo ra xét xử nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là trong bối cảnh tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra phổ biến hiện nay.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng lời khai của các bị cáo tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Mặc Bình Hưng từ 16 đến 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Văn Bằng, Vũ Xuân Huy, Chắng Hẻn Phấn bị đề nghị tuyên phạt từ 15 đến 16 năm tù; các bị cáo còn lại bị đề nghị thấp nhất từ 12 năm, cao nhất là 15 năm tù.
Đối với nhóm bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền”, bị cáo Đinh Văn Hùng bị đề nghị tuyên phạt từ 12 đến 13 năm tù; Lê Trần Việt Anh và Nguyễn Văn Luận từ 10 đến 12 năm tù. 4 bị cáo còn lại bị đề nghị tuyên phạt thấp nhất là 7 năm tù, cao nhất 10 năm tù.
Các bị cáo cũng bị đề nghị buộc phải liên đới bồi thường số tiền gần 20 tỷ đồng cho bị hại, trong đó gần 8,3 tỷ đồng đã được nộp khắc phục, còn lại hơn 11 tỷ đồng.
Liên quan tới số tiền nhóm lừa đảo đã luân chuyển qua 25 tài khoản ngân hàng nhưng chưa được xác minh, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Cơ quan điều tra tiếp tục xử lý trong giai đoạn II của vụ án.
Lập công ty bình phong để hoạt động rửa tiền
Trong vụ án này, bị cáo Phan Văn Minh (trú tại TP.HCM), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gia công thương mại dịch vụ Minh Phúc (Công ty Minh Phúc) bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 8 đến 10 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố.
Bị cáo Minh được xác định đã nhận gần 8,3 tỷ đồng từ Bộ phận 777pay thuê để rửa tiền, giao cho nhân viên chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản, sau đó chuyển lại cho nhóm 777pay và chỉ hưởng lợi 4,1 triệu đồng.
Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo Minh thành khẩn khai báo, tích cực khắc phục hậu quả của vụ án, trong đó đã tự nguyện lấy gần 8,3 tỷ đồng tiền của cá nhân để nộp khắc phục hậu quả cho bị hại.
Theo lời khai của nhân viên Công ty Minh Phúc, doanh nghiệp này được bị cáo Phan Văn Minh lập ra để hoạt động gia công, chế tác vàng bạc, đá quý, nhưng ngoài những sản phẩm được trưng bày, hầu như không có giao dịch gì.
Quá trình điều tra cũng xác định, bị cáo Minh làm dịch vụ thu đổi ngoại tệ, song sau đó đã hoạt động rửa tiền cho các khách hàng có nhu cầu thông qua hình thức mua bán tiền điện tử USDT.
Bị cáo này đã chủ động tìm các đối tác bên Campuchia có nhu cầu “rửa tiền” VND bằng cách tìm kiếm số điện thoại của các đại lý, nhà đổi tiền (thông qua mối quan hệ làm ăn nhiều năm, các hội nhóm Facebook và Telegram) để liên hệ chào mời dịch vụ rửa tiền.
Mỗi ngày, Minh giao dịch rút tiền mặt từ 20 tỷ đồng đến 150 tỷ đồng; trong khi quỹ duy trì hoạt động hàng ngày của Minh trung bình từ 1 đến 2 triệu USD (gồm USD, VND và tiền điện tử USDT).
-
Vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2: Xét xử sơ thẩm 17 bị cáo -
Sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Thanh Hóa -
Một khu đất “gánh” hai quy hoạch -
Hai dự án nhà máy xử lý rác tại Đà Nẵng: 10 năm vẫn nằm trên giấy -
Đà Nẵng nêu giải pháp chống ngập lụt khu vực sân bay -
Quảng Ngãi: Loạt dự án dang dở gây lãng phí -
Thêm 353 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ FLC
- Four Points by Sheraton Hà Giang chính thức ra mắt
- Giáng sinh đầu tiên của cư dân khu đô thị trung tâm thành phố Cao Bằng
- Khơi mạch nguồn yêu thương
- KPMG công bố Báo cáo CEE 2024: Kết nối công nghệ và con người để nâng tầm trải nghiệm khách hàng
- Agribank và Trung tâm RAR - Bộ Công an ký kết triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên Agribank Plus
- VPBank 5 năm liên tiếp được Mastercard vinh danh nhiều giải thưởng danh giá