Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vụ Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan bào chữa bổ sung gì?
Việt Dũng - 01/04/2024 17:00
 
Sau phần đối đáp quan điểm bào chữa của Viện Kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày nhiều nội dung để bào chữa bổ sung cho bản thân, xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng và cháu gái.

Chiều 1/4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác tiếp tục làm việc.

Sau phần đối đáp quan điểm của Viện kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã trình bày thêm nhiều nội dung để bổ sung thêm cho phần bào chữa cho bản thân. 

Đồng thời, bà Lan cũng xin Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo khác. Trong đó có bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu gái) và bị cáo Nguyễn Cao Trí…

Trình bày nội dung đầu tiên, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, trong phần đối đáp, Viện Kiểm sát vẫn giữ quan điểm buộc bị cáo, cho rằng bị cáo quanh co, chối tội, đổ tội cho cấp dưới… Theo bị cáo Lan, Viện Kiểm sát chưa xem xét, cập nhật diễn biến phần xét hỏi của HĐXX.

“Tôi đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề của mình với tư cách là cổ đông của SCB. Tại tòa, tôi bày tỏ tôn trọng lời khai, thậm chí xin HĐXX giảm nhẹ tội cho các bị cáo là nhân viên tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... không quanh co, đổ tội cho họ. Tôi chỉ xin xem xét vai trò của cá nhân tôi tại SCB”, bị cáo Lan nói.

sss
Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày nhiều nội dung để bào chữa bổ sung cho bản thân sau phần đối đáp của Viện Kiểm sát.


Tiếp tục các nội dung bào chữa, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại việc bị cáo tham gia quá trình tái cấu trúc SCB theo lời đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.  Đề nghị xem xét quá trình hoạt động của SCB trước và sau tái cấu trúc. 

Theo bị cáo, hoạt động của SCB hơn 10 năm sau hợp nhất không sử dụng kinh phí của nhà nước. Trước khi xảy ra vụ án, SCB hoạt động bình thường, các nhà đầu tư đã và đang thi công dự án Mũi Đèn Đỏ..., nhưng cơ hội đã bị bỏ lỡ do bị cáo bị bắt. Từ đó, bạn bè và người thân mất niềm tin mới rút tiền vội vã.

Bị cáo trình bày thêm, trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo đề nghị HĐXX xác định số cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại SCB là bao nhiêu. Mục đích nhằm làm rõ số cổ phần thực tế mà bị cáo đang sở hữu tại SCB.

Mong HĐXX xem xét phần bào chữa của các luật sư. Dòng tiền không ra khỏi SCB, dù có ra thì cũng quay lại để trả nợ. Tại tòa, nhiều ls trình bày chi tiết các khoản vay. Hơn nữa, sau hợp nhất, SCB buộc phải huy động tiền của người dân để xử lý các khoản nợ cũ…

Đối với tội danh tham ô tài sản, bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét lại. Bởi bị cáo vẫn không biết vì sao Viện Kiểm sát lại tách hành vi của mình thành 2 tội khác nhau. Trong khi đó hành vi phạm tội là xuyên suốt.

Thậm chí, có những bị cáo đồng phạm với bị cáo, với cùng phương thức thủ đoạn, nhưng chỉ bị truy tố về tội vi phạm hoạt động ngân hàng… Trong khi bị cáo lại bị truy tố về tội tham ô tài sản. 

“Tôi thấy hết sức mâu thuẫn và không biết thế nào là đúng, xin HĐXX xem xét. Việc tách 2 tội độc lập là bị cáo thấy bất lợi hoàn toàn chứ không thấy cái gì có lợi cho bị cáo”, bị cáo Lan nói.

Liên quan đến số tiền gây thiệt hại, các luật sư đã đề nghị xem xét lại và xin đề nghị HĐXX xem xét tính xác thực của các số liệu này.

Trước đó, trong phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, xuyên suốt từ 1/1/2012 cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là tương tự nhau, cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội. Xét về bản chất, hành vi của Trương Mỹ Lan đều là hành vi chiếm đoạt tiền của SCB thông qua chuỗi hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

dd
Viện Kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản.


Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định về khái niệm tội phạm: tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại bộ luật này... Như vậy, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến trước ngày 1/1/2018 thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đến giai đoạn từ ngày 1/1/2018 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội danh tham ô tài sản đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

Theo quy định Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội ngày 20/6/2017 của Quốc hội về hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, theo quy định tại điểm a Điều 2 của nghị quyết: tất cả các điều khoản của  Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0h ngày 1/1/2018… 

Do đó, tại thời điểm này hành vi chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm cấu thành tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ Luật hình sự năm 2015. Vì vậy, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo về hai tội danh nêu trên là có căn cứ đúng pháp luật.

Về một số ý kiến luật sư nêu các bị cáo đồng phạm nhưng lại truy tố các tội khác nhau, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, theo quy định Điều 17 Bộ luật Hình sự về đồng phạm: hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm. Trong vụ án đồng phạm, có đối tượng là chủ mưu cầm đầu, có đối tượng thực hành giúp sức.

Kết quả điều tra xác định từ năm 2012 đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm ở những cương vị, vị trí, vai trò khác nhau. Thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước và tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Việc thực hiện tội phạm thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn - cơ quan tố tụng đã rà soát, phân loại.

Tính hành vi của đối tượng đồng phạm, vai trò, vị trí, số lượng tính chất mức độ hành vi phạm tội và lỗi ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi phạm tội có vai trò thực hành, giúp sức đến đâu thì xem xét xử lý đến đó, tương xứng với tính chất, hậu quả hành vi phạm tội đối tượng đồng phạm gây ra.

Trong vụ án này, chỉ những bị cáo có chức vụ, quyền hạn có vai trò chủ chốt quan trọng tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB, người thân cận với Trương Mỹ Lan, tiếp nhận trực tiếp chỉ đạo của Trương Mỹ Lan giúp bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản thì Viện Kiểm sátmới truy tố về đồng phạm tội tham ô tài sản.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Viện Kiểm sát đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư
Viện Kiểm sát cho rằng, có đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan nắm quyền điều hành của Ngân hàng SCB, chỉ đạo điều hành cấp dưới để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư