Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ Vạn Thịnh Phát: SCB đề nghị giao toàn bộ tài sản của bà Lan để khắc phục hậu quả
Việt Dũng - 28/03/2024 18:00
 
Được xác định là bị hại trong vụ án này, Ngân hàng SCB đề nghị tòa giao tòa nhà 127 Pasteur và toàn bộ tài sản của của bị cáo Trương Mỹ Lan cho SCB toàn quyền sử dụng.

Chiều ngày 28/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.

Sau khi các luật sư hoàn thành việc bào chữa cho các bị cáo, luật sư Nguyễn Minh Tâm tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho hay, đây là vụ án lớn nhất xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, gây tâm lý bất an cho những người gửi tiền, ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng SCB và các ngân hàng nói chung.

Quá trình tái cơ cấu, SCB được Ngân hàng Nhà nước giải quyết cho vay các khoản vay đặc biệt, vì vậy SCB phải có trách nhiệm với khoản vay đặc biệt đó. Với tư cách bị hại, luật sư khẳng định, SCB không có ý kiến gì về tội danh của các bị cáo, SCB chỉ quan tâm vấn đề là làm sao thu hồi tài sản, khắc phục tối đa hậu quả của vụ án.

ssss
Ngân hàng SCB không có ý kiến gì về tội danh của các bị cáo, SCB chỉ quan tâm vấn đề thu hồi tài sản, khắc phục tối đa hậu quả của vụ án.


Luật sư Tâm cho hay, ngày 26/3, Ngân hàng SCB đã có văn bản kiến nghị HĐXX xử lý đối với tài sản là bất động sản tại 127 Pasteur, giao cho SCB toàn quyền sử dụng. Bởi SCB xác định số thiệt hại do bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây ra là hơn 760 nghìn tỷ đồng gồm nợ gốc và nợ lãi của 1.284 khoản vay, tính đến ngày 5/3/2024.

Luật sư cho rằng, việc Viện kiểm sát (VKS) buộc bà Lan và các bị cáo liên đới bồi thường cho SCB số tiền hơn 677.000 tỷ đồng và 84.000 tỷ đồng là phù hợp.

Hậu quả mà bị cáo Lan và các đồng phạm gây ra cho SCB là rất lớn nên SCB đề nghị HĐXX giao toàn bộ 1.166 mã sản đảm bảo cho các khoản vay gồm bất động sản, cổ phần, cổ phiếu…là vật chứng của vụ án cho SCB toàn quyền sử dụng, khai thác.

Đối với số tiền 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí giao trả cho bị cáo Lan và 5,2 triệu USD mà bị cáo Lan cho nhân viên hối lộ bị cáo Đỗ Thị Nhàn, luật sư đề nghị không nên tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Bởi, theo luật sư Tâm, đây là số tiền có nguồn gốc từ SCB nên cần thiết trả lại cho SCB.

Đại diện phía SCB cũng đề nghị HĐXX giao toàn bộ tài sản đã kê biên, thu hồi của các bị cáo cho SCB. Bởi thiệt hại của SCB rất lớn, toàn bộ số tiền này vẫn chưa đủ để khắc phục hậu quả.

Đối với những số tiền, tài sản mà gia đình bị cáo nộp khắc phục hậu quả, luật sư cho rằng giao cho SCB là hợp lý. Ngoài ra, SCB cũng đề nghị HĐXX tiếp tục phong tỏa, kê biên các tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm cùng các tổ chức có liên quan, giao cho SCB để khắc phục hậu quả.

Đồng thời, đại diện SCB đề nghị HĐXX buộc bà Trương Mỹ Lan phải hoàn trả 300 tỷ đồng tiền cọc thuê nhà tại tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).

“SCB có thuê và có cọc, có hợp đồng tại tòa nhà 19 Nguyễn Huệ. SCB đã thanh toán tiền thuê và phí quản lý 166 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều số tiền SCB dặt cọc. Hiện địa chỉ này đang bị kê biên, nên yêu cầu hoàn trả lại số tiền đặt đọc”, đại diện SCB nói.

Trước đó, thực hiện bào chữa cho bị cáo Võ Văn Thuần(Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN Chi nhánh TP.HCM), luật sư Bùi Văn Dũng cho hay, bị cáo nhận thức rõ hành vi vi phạm trong công tác giám sát ngân hàng SCB, thừa nhận hành vi vi phạm của bản thân. Không tranh luận về mặt tội danh.

Việc giám sát, chỉ đạo tổ công tác khi chưa có quy định hướng dẫn đã gây nhiều khó khăn cho các bị cáo. Các hành vi vi phạm của ông Thuần rõ ràng nhưng đây là khó khăn chung khi thực hiện giám sát SCB trong trường hợp chưa giám sát ngân hàng nào khác giống như SCB.

Công việc nhiều, nhân sự không đủ, khó có thể hoàn thành công việc giám sát. Mặc dù trách nhiệm của các bị cáo chưa thực hiện đầy đủ nhưng vấn đề nhân sự của tổ giám sát cũng cần được xem xét.

Trong quá trình giám sát SCB, hồ sơ thể hiện các thành viên theo chỉ đạo của ông Thuần yêu cầu SCB giải trình nội dung của tổ công tác. Bị cáo Thuần cũng yêu cầu SCB nghiêm túc giải trình. Tuy nhiên, SCB đã không thực hiện, làm kéo dài thời gian, khó khăn cho tổ công tác cho việc báo cáo lại cho cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.

Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá khách quan về hoàn cảnh, hành vi phạm tội của bị cáo Thuần.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thùy (Phó Trưởng ban Kiểm tra, giám sát nội bộ ngân hàng Agribank (nguyên Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) cũng trình bày, bị cáo Thuỳ lần đầu tiên tham gia vào đoàn thanh tra để thanh tra tổ chức tín dụng.

Khi tham gia đoàn, ông Thùy là thành viên nên chịu sự chỉ đạo cấp trên. Ông Thùy vắng mặt nên không biết nội dung cuộc họp dự thảo kết luận thanh tra. Chỉ khi cơ quan điều tra triệu tập, ông Thùy mới biết nội dung kết luận thanh tra. Ông thùy giữ vai trò thứ yếu, theo chỉ đạo cấp trên nên mong HĐXX xem xét, đánh giá.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Văn Thùy cho biết, bị cáo nhận thức được sai phạm. Trong quá trình tạm giam, bị cáo rất ăn năn, hối tiếc. Bị cáo chỉ mong muốn xin HĐXX cho bị cáo nhận được chính sách khoan hồng.

Tương tự, bị cáo Vương Đỗ Anh Tuấn (Trưởng phòng Thanh tra, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) và bị cáo Lê Thanh Hà (Phó Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, (nguyên Trưởng phòng Phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII)... cũng bày tỏ sự ăn năn hối lỗi, xin cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Phó chánh thanh tra cho rằng sai vì... tin tưởng cấp dưới
Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho rằng, do khối lượng công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư