Thứ Sáu, Ngày 18 tháng 07 năm 2025,
"Vua" cá tra trên sàn một thời nhận án phạt vì bỏ bê công bố thông tin
Thanh Thủy - 18/07/2025 14:03
 
Công ty Cổ phần Hùng Vương từng là doanh nghiệp niêm yết lớn của ngành thuỷ sản trên sàn. Tuy nhiên, tình hình tài chính của công ty này đến nay lại tà một dấu hỏi lớn khi các nghĩa vụ công bố thông tin đều không được thực hiện.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 163/QĐ-XPHC ngày 16/7/2025, xử phạt hành chính Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) 85 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định pháp luật. Theo quyết định, Hùng Vương đã không thực hiện công bố hàng loạt tài liệu quan trọng, bao gồm báo cáo tài chính từ quý IV/2022 đến quý I/2025, báo cáo thường niên các năm 2022-2024, báo cáo quản trị và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trong suốt ba năm gần đây.

Đây là hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP với mức khung hình phạt hiện hành là từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm. Mức phạt hành chính ở tầm giữa. Tuy nhiên, việc “im lặng” kéo dài khiến cổ đông của Hùng Vương hoàn toàn mất khả năng tiếp cận thông tin về tình hình tài chính và quản trị của doanh nghiệp.

Đây cũng là lý do cổ phiếu HVG đang bị duy trì diện hạn chế giao dịch từ cuối năm 2023. Mới nhất, trong công văn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Hùng Vương tiếp tục duy trì thuộc diện hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Kể cả khi không còn trong diện đình chỉ giao dịch, cổ phiếu chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần. Nguyên nhân do không tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên hai năm liên tiếp và chậm nộp báo cáo bán niên đã soát xét quá thời hạn.

Cập nhật gần nhất thông tin từ Cục thuế - Bộ Tài chính, Hùng Vương vẫn đang giữ trạng thái hoạt động. Lần gần nhất Hùng Vương công bố thông tin là vào tháng 4/2024 là nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường. Theo đó, các cổ đông đã thông qua phương án thoái vốn tại một số công ty thành viên nhằm thu tiền trả nợ.

Thông tin cập nhật về CTCP Hùng vương tại Cục thuế

Đầu năm 2020, CTCP Hùng Vương cùng một công ty con của Thaco đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn tại  Hùng Vương và góp 65% vốn vào liên doanh sản xuất heo giống với công ty này. Liên doanh này có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1,5 năm, vào tháng 7/2021, Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và Chủ tịch HĐTV là ông Trần Bá Dương đồng loạt bán toàn bộ tổng cộng hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG.

Tình trạng chậm công bố các báo cáo định kỳ tại Hùng Vương đã diễn ra hơn nửa thập kỷ. Báo cáo tài chính gần nhất được cập nhật vào quý I/2020. Tại báo cáo tài chính hợp nhất gần nhất, công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 1.743 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế "ăn mòn" nguồn vốn chủ sở hữu. Với 7.134 tỷ đồngnợ phải trả, vốn vay chiếm tới 91,5%% tổng nguồn vốn của Hùng Vương

Hùng Vương từng là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cá tra tại Việt Nam, thực hiện nhiều thương vụ M&A lớn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu. Năm 2016, doanh thu hợp nhất đạt gần 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực tài chính từ các khoản vay lớn và việc mở rộng sang các lĩnh vực ngoài ngành đã kéo doanh nghiệp nhanh chóng lao dốc.

Hùng Vương niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE từ năm 2009 và chuyển xuống sàn UPCoM sau này. Dù không còn là cái tên lớn như một thời, Hùng Vương "lẳng lặng" rút lui khỏi thị trường đặt ra câu hỏi tới các nhà đầu tư về tính minh bạch và trách nhiệm, nhất là khi doanh nghiệp này vẫn chưa hủy tư cách công ty đại chúng.

Xử phạt 2 doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch
Không chỉ công bố thông tin sai lệch, cả DDG và TEG đều vi phạm nhiều quy định khác trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư