Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vua mỳ tôm Colusa - Miliket đuối sức
Hồng Phúc - 20/09/2016 09:32
 
Từng được mệnh danh là “vua mỳ tôm” với hình ảnh nhận diện 2 tôm nổi bật, song báo cáo kinh doanh trong những năm gần đây của Colusa – Miliket đang cho thấy, danh vị một thời đang đuối sức trong cuộc chiến mỳ gói “dai, xoắn, cay nóng bỏng”.
TIN LIÊN QUAN

Khi ông vua phải buộc bụng

Khép lại năm 2015, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Lương thực - Thực phẩm Colusa -Miliket (đơn vị thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam) đạt 477,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 31,1 tỷ đồng, tăng 10,4 tỷ đồng so với năm 2014. Nhưng so với giai đoạn từ 2011 -2013, mức lợi nhận này lại thấp hơn rất nhiều.

Điều đáng nói, lợi nhuận này có được là nhờ giá nguyên liệu giảm và các quyết định cắt giảm chi phí của Công ty, chứ không phải do sản lượng hay doanh thu tăng. Thậm chí, các con số về sản lượng và doanh thu đều ghi nhận mức giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới thị phần của Công ty.

Lợi thế lớn của Colusa - Miliket là có kênh phân phối, đã có thị trường, phân khúc xác định. Ảnh: Lê Toàn
Lợi thế lớn của Colusa - Miliket là có kênh phân phối, đã có thị trường, phân khúc xác định. Ảnh: Lê Toàn

Giải trình về báo cáo kế hoạch sản xuất - kinh doanh này, ông Võ Văn Út, Tổng giám đốc Colusa - Miliket cho biết, trong năm 2015, mặc dù Công ty đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp, nhưng số lượng tồn kho tại nhà phân phối ở mức cao, sức tiêu thụ trên thị trường chậm, kèm theo đó là cuộc đua khuyến mại, giảm giá để cạnh tranh nguồn tiêu thụ của các doanh nghiệp cùng ngành.

Trong bối cảnh này, kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” là điều không thể tránh khỏi. Năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp của Colusa- Miliket sẽ giảm 980 triệu đồng so với năm 2015. Chi phí cho các hoạt động bán hàng cũng được xác định sẽ giảm 14,1 tỷ đồng so với năm 2015.

Cũng phải nói thêm, trong giai đoạn từ 2013-2015, các thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Công ty đều phải chấp nhận mức thù lao khá khiêm tốn. Cụ thể, các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và Trưởng ban Kiểm soát cùng nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng. Thành viên ban kiểm soát chỉ được nhận lương 3 triệu đồng/tháng. Trong kế hoạch năm 2016, các mức thù lao này đã được thay đổi đôi chút, tuy nhiên vẫn đang được nhìn nhận ở mức thấp. Trưởng ban Kiểm soát chuyên trách được tăng lên 15 triệu đồng/tháng. Các chức danh khác cùng nhận lương đồng hạng 7 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về mức thù lao này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, có hai điều có thể rút ra từ các con số này.

Mặt tích cực, theo ông Hiển, đó là sự thể hiện trách nhiệm của các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát khi chưa hoàn thành được nhiệm vụ được giao là đưa Miliket trở lại thời hoàng kim. Thậm chí, ngay cả chiến lược tiếp tục khai thác hình ảnh nhận diện hai tôm từng làm mưa gió trên thị trường những năm 90 của thế kỷ trước, dường như cũng chưa đem lại kết quả đáng kể nào thể hiện vai trò điều hành của các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. 

Nhưng, ông Hiển cũng không loại trừ khả năng các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp có những tính toán riêng.

Trên thực tế, ở một số công ty đang có tình trạng lãnh đạo không nhận lương, hoặc nhận ở mức rất thấp, nhưng giữ quyền lực lớn để có những tác động tới các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi việc sẽ trở nên thiếu minh bạch nếu có sự cài cắm lợi ích cá nhân trong cách điều hành này.

Tất nhiên, mọi phân tích đều ở dạng giả thuyết. Thực tế thì tiếng tăm của “vua mỳ gói” đang nhạt nhòa.

Rẻ có phải là cửa ra?

Theo số liệu của Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới, Việt Nam tiêu thụ mỳ gói nhiều thứ 5 trên thế giới với 5 tỷ gói mỳ/năm, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 55 gói /năm.

Điều này đồng nghĩa với sự hấp dẫn của lĩnh vực kinh doanh này và sự khốc liệt trong cuộc chiến dành thị phần.

Cho tới thời điểm này, đang có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường mỳ gói, nhưng miếng bánh lớn đang rơi vào tay Acecook, Masan và Asia Foods với 70% thị phần. 3 ông lớn này vẫn đang trong cuộc chiến giành thị phần cân sức, với nhiêu chiêu trò gây chú ý của thị trường.

Hồi đầu năm là cuộc chiến truyền thông giữa một bên là Masan với mẫu quảng cáo mỳ Tiến Vua bò cải chua và thông điệp “nếu nước trong tô mỳ chuyển sang màu vàng đục chứng tỏ sản phẩm có sử dụng phẩm màu” và một bên là các thương hiệu khác, trong đó có Acecook Việt Nam, khi cho rằng mẫu quảng cáo này đã cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về cách nhận định chất lượng mỳ.

Hiện tại, các thương hiệu đang tiếp tục cuộc đua “dội bom” quảng cáo trên tivi, báo in, tờ rơi cũng như các chương trình khuyến mại với số tiền bỏ ra hàng tỷ đồng. Và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự giảm nhiệt trong cuộc chiến này.

Nhưng, tiếng nói của Colusa - Miliket trong cuộc đua này vẫn quá yếu. Thậm chí, ngay cả kế hoạch thu mình, tìm về nông thôn của thương hiệu mỳ gói 2 tôm sau gần 30 năm có mặt trên thị trường cũng đang lung lay khi các thương hiệu lớn đang có xu hướng các thương hiệu tập trung trở lại phân khúc giá rẻ, thay vì cuộc đua đẳng cấp vài năm trước. Đến mức, mức giá 2.700 - 6.000 đồng/gói của Colusa - Miliket vẫn chưa phải là điểm lùi vững chắc của thương hiệu hai tôm này.

Thực ra, ban lãnh đạo Công ty cũng đã nỗ lực tìm kiếm hình ảnh mới. Năm 2015, Công ty đã cho ra thị trường 2 dòng sản phẩm mới là sản phẩm giấy kiếng mang thương hiệu Colusa và sản phẩm giấy kiếng Lẩu Thái tôm. Cùng với đó là các sản phẩm chế biến khác như miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền… cũng đã được Công ty tung ra liên tục nhằm tăng độ phủ cho dấu hiệu 2 tôm.

Nhưng kết quả vẫn là sự dậm chân tại chỗ cả về thị phần và dấu hiệu nhận diện. Trong khi hình ảnh mỳ gói 2 tôm lảng bảng đâu đó thì Hảo Hảo (VinaAcecook) hay Kokomi (Masan Consumer), Gấu Đỏ (Asia Foods)… ào ạt tấn công thị trường bình dân với những phong cách và chất lượng luôn mới.

Ở đây, phải đặt câu hỏi về chiến lược giữ nguyên mẫu mã, bao bì và giá rẻ làm dấu ấn riêng mà lãnh đạo Colusa – Miliket đã chọn có thực sự là lợi thế của doanh nghiệp này.

Nếu là lợi thế thì cách Công ty chỉ dành khoảng 40 tỷ đồng trong năm 2015 cho việc hỗ trợ bán hàng có là tính toán phù hợp trong bối cảnh cuộc đua quảng cáo đang là chiếc máy ngốn tiền của các doanh nghiệp cùng ngành.

Cơ hội nào cho thương hiệu 2 tôm

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, Colusa- Miliket hiện thiếu cả 4 yếu tố đột phá để phát triển. Đó là vốn, công nghệ, sản phẩm mới và quảng cáo. Vì vậy, tham gia vào cuộc đua tranh quảng cáo không phải là cách để ông vua mỳ tôm tìm lại thời hoàng kim.

Thậm chí, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, Colusa - Miliket nên tiếp tục đi ngược lại những gì mà các công ty mỳ gói lớn đang làm. Nên tập trung vào lợi thế “dấu hiệu được thương – 2 con tôm” với giá rẻ và an toàn là cách mà ông Hiển cho là hợp hơn cả với Colusa- Miliket trong lúc này.

Lý do là, Việt Nam vẫn còn nhiều người có thu nhập thấp, thực phẩm rẻ vẫn là nhu cầu thiết yếu. Điều mà Miliket cần chú trọng, theo ông Hiển, là rẻ nhưng an toàn. Sản phẩm an toàn không cần bao bì phải đẹp, không cần quảng cáo rầm rộ mà nên sử dụng các kênh tiện và rẻ hơn như các trang mạng xã hội, quảng bá qua truyền miệng của tiểu thương bán ở chợ.

“Về chất lượng, Miliket vẫn có thể giữ hương vị cũ và đa dạng hương vị bò, heo hay thay đổi hình thức mỳ ly, mì tô… các gói gia vị không có quá nhiều bột ngọt cũng là một trong những điểm cộng trong mắt người tiêu dùng”, ông Hiển nói.

Lợi thế lớn của Colusa - Miliket là có kênh phân phối, đã có thị trường, phân khúc xác định. Đây là lý do thương hiệu này khó rơi vào bi kịch đã từng xảy ra với nhiều thương hiệu đình đám một thời như Dạ Lan hay Thorakao.

“Chỉ có điều, nếu không nhanh chóng giải quyết 4 yếu tố đột phá ở trên, sự trì trệ sẽ đẩy thương hiệu này vào chỗ khó bật trở lại”, ông Hiển lo lắng.

Dễ nhận thấy là trong báo cáo tài chính từng năm của Colusa - Milket, lợi nhuận không mấy khả quan. Ngay cả việc đề ra lợi nhuận trước thuế năm 2016 khoảng 28 tỷ đồng cũng chứng tỏ sự cẩn trọng của ban lãnh đạo Công ty này khi thị trường mì gói đang dần bão hòa. Tin tốt là lãnh đạo Công ty đang tìm và lựa chọn các đối tác chiến lược để hợp tác, liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường, tăng sản lượng.

Có vẻ như Colusa - Miliket đã dần quyết liệt hơn trong việc giữ lại thị phần. Tuy nhiên, hơn nửa năm 2016 trôi qua, thị trường vẫn chưa nhận thấy tín hiệu tích cực nào từ thương hiệu này.

Xem ra, tương lai có bừng sáng trở lại với vua mỳ gói Miliket hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư