Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
“Vụng tay” quản lý dự án đường nối hai tuyến cao tốc phía Bắc
Anh Minh - 02/10/2022 08:07
 
Các đơn vị được giao quản lý Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa chỉn chu trong quản lý chi phí và tiến độ công trình.
Thi công Dự án thành phần II, giai đoạn II, đoạn qua tỉnh Hà Nam	 ảnh: nguyễn trọng tài
Thi công Dự án thành phần II, giai đoạn II, đoạn qua tỉnh Hà Nam ảnh: nguyễn trọng tài

Công tác tổ chức rối rắm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 546/TB-KTNN ngày 9/9/2022 thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đây là lần thứ hai trong 3 năm qua, Dự án do Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hưng Yên và Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư bị Kiểm toán Nhà nước đưa vào tầm ngắm.

Được biết, do nằm trên địa phận của 2 tỉnh, nên phương án tổ chức triển khai Dự án khá cồng kềnh. Dự án được chia làm 2 dự án thành phần do 2 đơn vị khác nhau làm chủ đầu tư và trong mỗi dự án thành phần lại được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án thành phần I, II (giai đoạn II)

 - Đối với Sở GTVT Hưng Yên: Giảm thanh toán 4,2 tỷ đồng đồng; giảm giá trị hợp đồng 3,1 tỷ đồng.

 - Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam: thu hồi nộp ngân sách nhà nước 67,8 triệu đồng; giảm thanh toán 1,6 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng 18,594 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án thành phần I - Xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên từ Km0- Km24+930,9 (nút giao Quốc lộ 39) có chiều dài 23,83 km do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.058,58 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 1.007,53 tỷ đồng; giai đoạn II là 1.051,05 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Hưng Yên được giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện dự án.

Nếu như giai đoạn I (đã hoàn thành vào năm 2019), Dự án có mục tiêu xây dựng công trình theo quy mô đường 2 làn xe, chiều rộng mặt đường 11 m, thì trong giai đoạn II, Sở GTVT Hưng Yên sẽ tổ chức nâng cấp  công trình lên 4 làn xe, chiều rộng mặt đường là 22,5 - 24 m.

Dự án thành phần I giai đoạn II đã được khởi công từ tháng 11/2021, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào tháng 6/2023.

Công tác tổ chức thi công Dự án thành phần II - Xây dựng phần đường và cầu từ nút giao Đường tỉnh 499 (tại Km31+245) đến nút giao Liêm Tuyền (Km47+543) trên địa phận tỉnh Hà Nam, do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư còn rối rắm hơn.

Tại Dự án thành phần II, trong giai đoạn I, Sở GTVT Hà Nam ủy thác quản lý dự án này cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hà Nam, nhưng đến giai đoạn II, Sở GTVT Hà Nam trực tiếp quản lý và giao Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hà Nam là đại diện chủ đầu tư.

Về quy mô và phân kỳ đầu tư Dự án thành phần II cũng thực hiện tương tự như phía Hưng Yên. Tổng mức đầu tư Dự án thành phần II (2 giai đoạn) là 1.758,02 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 1.082,21 tỷ đồng, giai đoạn II là 702,82 tỷ đồng.

Dự án thành phần II, giai đoạn I đã hoàn thành vào năm 2019; giai đoạn II được chủ đầu tư phát lệnh khởi công từ tháng 12/2021; theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào tháng 8/2023.

Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (ngày 30/6/2022), với mục tiêu chính là quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án giai đoạn II, tổng nguồn vốn là 725,535 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương là 725,53 tỷ đồng đồng). Chi phí đầu tư thực hiện theo báo cáo là 278,26 tỷ đồng, giá trị chưa đủ điều kiện kiểm toán là 0,588 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán 277,617 tỷ đồng, số kiểm toán 271,731 tỷ đồng. Chênh lệch qua kiểm toán là 5,886 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng 3,972 tỷ đồng; sai đơn giá 67,82 triệu đồng; sai khác (áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% năm 2022 sai quy định 1,846 tỷ đồng).

Được biết, sai sót lớn đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến công tác lập dự án tại cả 2 dự án thành phần I và II, giai đoạn II.

Đối với Dự án thành phần I, giai đoạn II, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán do Sở GTVT Hưng Yên thực hiện còn một số sai sót về khối lượng và đơn giá làm tăng giá trị dự toán 8,311 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng 6,329 tỷ đồng, sai đơn giá 581 triệu đồng, sai khác 1,401 tỷ đồng.

Đối với Dự án thành phần II, giai đoạn II do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư, Gói thầu xây lắp thi công xây dựng công trình được Kiểm toán Nhà nước phát hiện là áp dụng định mức chưa phù hợp với công việc xây dựng, tính toán khối lượng thiết kế chưa chính xác, dẫn đến sai giá trị dự toán 20,871 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng 19,260 tỷ đồng, sai định mức đơn giá 1,61 tỷ đồng.

Cũng tại Dự án thành phần II, giai đoạn II, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chủ đầu tư đã không áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng theo quy định đối với các gói thầu tư vấn.

Cụ thể, việc Sở GTVT Hà Nam lập, trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1054/QĐ-BGTVT ngày 11/6/2021 và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh tại Quyết định số 1380/QĐ-BGTVT ngày 26/7/2021 với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với Gói thầu số 1 - Tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và Gói thầu số 4 - Tư vấn giám sát thi công xây dựng là chưa tuân thủ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 29, Thông tư số 11/2019/TT- BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Lỗi đàm phán hợp đồng

Một hạn chế khác được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tại Dự án thành phần II, giai đoạn II là công tác thương thảo và ký kết hợp đồng Gói thầu số 3 - Xây dựng công trình của Sở GTVT Hà Nam chưa tuân thủ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và Nghị định 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, Hợp đồng Gói thầu số 3 không có điều khoản tạm dừng hợp đồng (Điều 40, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP); không quy định về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu và bên nhận thầu thi công (Điều 27, 28, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP).

Đặc biệt, trong quy định về điều chỉnh tiến độ hợp đồng thiếu yếu tố thay đổi do điều chỉnh dự án, tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên giao thầu; tạm dừng thực hiện công việc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; một số điều khoản về chấm dứt hợp đồng xây dựng theo Điều 41, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP chưa được thỏa thuận tại Hợp đồng.

Theo các chuyên gia xây dựng, sơ suất này sẽ gây rất nhiều bất lợi cho chủ đầu tư nếu như trong quá trình thực hiện hợp đồng, đơn vị thi công không hoàn thành đúng các cam kết về tiến độ, chất lượng.

Cần phải nói thêm rằng, đơn vị trúng thầu Gói thầu số 3 là cái tên rất quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng giao thông - Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình).

Liên quan công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, qua hồ sơ thi công của nhà thầu (Báo cáo số 25/BC-DNXT ngày 12/01/2022), Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc trong quá trình đóng cọc ván thép và tiến hành đào thay đất, đắp nền đường đoạn Km44+780 - Km44+940 có xuất hiện nứt dọc mặt đường cũ (giai đoạn I).

Tuy nhiên, cả chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đã không tiến hành lập biên bản hiện trường, xác định nguyên nhân để tránh hiện tượng xuất hiện các vết nứt như trên khi  thi công các đoạn tiếp theo.

Cũng tại Gói thầu số 3, Dự án thành phần II, giai đoạn II, đến thời điểm kiểm toán, công trình đã thi công được 29,19% khối lượng, nhưng chủ đầu tư chưa mua bảo hiểm công trình theo quy định (khoản 1, Điều 46, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP); chưa lập Kế hoạch tổ chức thí nghiệm, quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật; chưa lập biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm cấu kiện được sử dụng cho công trình; xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng theo quy định tại khoản 3, Điều 13, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác quản lý tiến độ, đăng ký và giải ngân vốn đầu tư tại cả 2 dự án thành phần cũng xuất hiện một số hạn chế.

Tại Dự án thành phần II, giai đoạn II, công tác giao kế hoạch vốn năm 2022 bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá không phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân trong năm 2022 của Dự án theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo đó, việc giao kế hoạch vốn năm 2022 tại dự án này vượt nhu cầu vốn chủ đầu tư đăng ký gửi Bộ GTVT (Sở GTVT Hà Nam đăng ký nhu cầu năm 2022 là 150 tỷ đồng, so với số vốn được Bộ GTVT giao 230 tỷ đồng (cao hơn nhu cầu của chủ đầu tư 80 tỷ đồng).

Năm 2021, Sở GTVT Hà Nam chưa đăng ký nhu cầu vốn gửi Bộ GTVT tổng hợp theo Công điện số 15/CĐ- BGTVT ngày 13/8/2020 về xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Điều đáng lo ngại là, giá trị giải ngân cho Dự án đạt tỷ lệ thấp. Đến ngày 30/6/2022, Dự án thành phần I (tỉnh Hưng Yên) mới giải ngân được 42,281 tỷ đồng, đạt 7,87% so với kế hoạch; Dự án thành phần II (tỉnh Hà Nam) mới giải ngân được 58,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25,27%, tiềm ẩn nguy cơ chậm giải ngân vốn đầu tư của Dự án so với kế hoạch.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2019, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có Thông báo số 573/TB - KTNN, thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Hạt sạn lớn nhất được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Dự án thành phần I và Dự án thành phần II (giai đoạn I) liên quan  việc chọn nhà thầu thi công.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu các gói thầu tại 2 dự án là không phù hợp với quy định, thiếu căn cứ. 

Mặc dù 2 dự án do 2 chủ đầu tư khác nhau, được triển khai trên 2 địa bàn khác nhau, nhưng đơn vị được giao thầu lại có cùng một cái tên là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Trong quá trình thi công, do vốn bố trí không đủ, nên tiến độ triển khai cả 2 dự án bị vỡ rất sâu, trong đó, Dự án thành phần I - Gói thầu xây lắp chính và duy nhất phải gia hạn thêm 46 tháng. Tại Dự án thành phần II, Sở GTVT Hà Nam cũng phải chấp nhận gia hạn tiến độ thêm 25 tháng, với nguyên nhân chủ yếu do công tác bố trí vốn, chậm giải phóng mặt bằng, điều chỉnh một số giải pháp thiết kế.

“Đến thời điểm kết thúc kiểm toán (tháng 11/2019), các bên vẫn chưa phân định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, cũng như mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân”, Kiểm toán Nhà nước cho biết.

[Infographic] Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thí điểm 100% thu phí tự động không dừng
Từ ngày 1/6/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thí điểm 100% thu phí tự động không dừng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư