Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vượt mốc 1.260 điểm, VN-Index tiếp tục giằng co hay bứt phá?
Thanh Thủy - 17/05/2021 09:50
 
VN-Index đã tăng điểm tuần qua dù khá chật vật với các phiên tăng giảm xen kẽ. Trạng thái tranh chấp và giằng co tuần trước được nhiều công ty chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục trong tuần này.

Trước ngưỡng tâm lý 1.300 điểm: Giằng co hay bứt phá?

Dù ghi nhận các phiên tăng giảm xen kẽ, VN-Index vẫn có tuần tăng điểm đầu tiên sau 5 tuần đi ngang liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số sàn HoSE vẫn chưa thể vượt qua mức kháng cự tại 1.270 điểm.

Theo phân tích kỹ thuật, chuyên gia phân tích Chứng khoán BSC nhận định ngưỡng hỗ trợ của chỉ số trong trung hạn là tại khu vực xung quanh 1.185 điểm, tương ứng với giá trị hiện tại của đường trung bình động 20 ngày (SMA20). VN-Index vẫn ở trong xu hướng tăng dài hạn và đang ở sóng Elliott thứ năm. Bên cạnh đó, việc thanh khoản vẫn chưa trở về mức cao như đầu năm cho thấy các nhà giao dịch đang có sự thận trọng nhất định về thị trường trong thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, VN-Index trong tuần tiếp theo nhiều khả năng sẽ bứt phá hướng về khu vực 1300 điểm. Tâm lý của nhà đầu tư có thể được hỗ trợ khi nhiều thị trường chứng khoán thế giới dần trở lại đà tăng.

Chứng khoán Rồng Việt dự kiến trạng thái tranh chấp sẽ tiếp diễn vào phiên giao dịch tiếp theo nhưng cũng cho rằng thị trường vẫn có cơ hội tiến bước theo nhịp tăng. Theo nhận định của VDSC, nhà đầu tư có thể nắm giữa danh mục và kỳ vọng vào nhịp tăng của thị trường, đồng thời, có thể lựa chọn cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt sau nền tích lũy cho mục tiêu ngắn hạn.   

Một số công ty chứng khoán khác đưa ra nhận định thận trọng hơn. Theo dự báo của Chứng khoán Bảo Việt, Vn-Index có thể sẽ dao động giằng co bên dưới vùng kháng cự 1.275-1.285 điểm. Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trên vùng 1.200 điểm để tạo nền giá mới trong ngắn hạn.

Số liệu bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài là điều Chứng khoán Bảo Việt lưu tâm. Ngoài giá trị bán ròng khủng trong tuần trước (hơn 3.700 tỷ đồng, khối ngoại cũng đã bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 20.900 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, riêng tại sàn HoSE, giá trị bán ròng xấp xỉ 20.600 tỷ đồng.

Mặc dù cũng đánh giá cao việc chỉ số sàn HoSE VN Index đã xuất hiện nhịp tăng và vượt mốc 1.260 điểm sau nhiều lần thất bại liên tiếp, VCBS cũng cho rằng áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư ngoại với tính chất cơ cấu lại danh mục vẫn đang hiện hữu cũng góp phần gia tăng áp lực tâm lý tiêu cực lên nhà đầu tư nói chung và tạo nên diễn biến rung lắc trong phiên.

Chuyên gia từ VSBC khuyến nghị các nhà đầu tư tạm thời nên cân nhắc chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng và chỉ nên giải ngân với tỷ trọng vừa phải vào một số cổ phiếu vốn hóa trung bình có triển vọng kinh doanh tốt và đang trong đà tăng tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Loạt sự kiện vĩ mô quan trọng công bố tuần giữa tháng 5

Nhiều thông tin vĩ mô quốc tế sẽ được công bố trong tuần này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Australia (RBA) sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách trong tuần tới. Trong khi đó, ngân hàng trung ương ở Trung Quốc (PboC) có cuộc họp định kỳ để thiết lập lãi suất. PBoC đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản ở mức 3,85%/năm trong một năm qua. Thông báo hàng tháng tiếp theo về lãi suất sẽ đến ngày 20/5.

Tại Mỹ, các biên bản từ cuộc họp FOMC gần nhất sẽ được công bố vào rạng sáng thứ 5 (20/5) được kỳ vọng sẽ cung cấp một số thông tin rõ ràng về các động thái tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách. Vào tháng 4, Fed đã giữ nguyên chính sách tiền tệ, mặc dù thừa nhận lạm phát tăng "tạm thời" và triển vọng kinh tế được cải thiện.

Số liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tại Mỹ, Anh, Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản và Úc công bố tuần này cũng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc khảo sát PMI tháng 5, nhiều khả năng sự mở rộng khu vực sản xuất ít có sự thay đổi so với mức cao kỷ lục của tháng 4 và tăng trưởng hoạt động dịch vụ giảm bớt, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao khi các quốc gia này tiếp tục nỗ lực mở cửa trở lại. Ngay từ ngày 17/5, lệnh giãn cách xã hội tại Anh cũng đã bắt đầu được nới lỏng, gỡ bỏ hạn chế hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời.  

Trong nước, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (17/5). Trước đó, do lo ngại về sự chưa rõ ràng hướng thay đổi Thông tư 01, nhiều ngân hàng đã dừng mở rộng danh mục nợ được tái cơ cấu từ cuối năm 2020.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 toàn cầu và tại Việt Nam  cũng là yếu tố được dõi theo và có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Gần 56 triệu cổ phiếu APH sắp về tài khoản cổ đông, MBS chốt quyền cho đợt tăng vốn

Sau các phiên họp đại hội đồng cổ đông, tập trung nhiều vào cuối tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đang chuẩn bị chi trả cổ tức cho các cổ đông. Chứng khoán MB (MBS) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/5 tới đây. Ngoài nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, cổ đông còn nhận quyền mua cổ phiếu cho đợt phát hành tăng vốn thông qua chào báo cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, mỗi cổ phiếu được hưởng 1 quyền, 7 quyền được mua 3 cổ phiếu mới. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cùng đợt này, MBS còn chào bán cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Nếu thành công, công ty chứng khoán này sẽ tăng vốn lên 2.676 tỷ đồng. 

Tuần này, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức. CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) thanh toán cổ tức còn lại cho năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 14,8%. Cùng đợt chi trả trước, tỷ lệ cổ tức cả năm 2020 lên tới 66,8%, tương đương 99% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2020. Các cổ đông sở hữu cổ phần BMP ngày 18/5 sẽ được nhận cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 4/6.  

Tương tự, công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cũng chi trả cổ tức đợt 2 bằng tiền với tỷ lệ 4,38%. Danh sách cổ đông sẽ chốt vào ngày 19/5, thời gian chi trả là 30/6.  Công ty Giống bò sữa Mộc Châu (MCM) sẽ chốt quyền trả cổ tức đợt 2 năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 15% vào ngày 21/5.  Phần cổ tức còn lại này sẽ được chi trả vào 15/6.

Cũng trong tuần, hơn 55,7 triệu cổ phiếu mới của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings cũng sẽ chính thức giao dịch từ ngày 18/5. Đây là số cổ phần APH mà An Phát đã chào bán cho cổ đông hiện hữu hồi tháng 3/2021.

VN-Index qua tuần “sóng sánh”, khối ngoại rút tới 3.715 tỷ đồng
Dù có hai phiên giảm xen kẽ và áp lực bán ròng “khủng” của khối ngoại, VN-Index đóng cửa tuần giao dịch giữa tháng 5 vẫn tăng 1,98%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư