Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, gạo ST25 đã có mặt tại Nhật Bản
Hải Yến - 01/07/2022 10:57
 
Lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Ngày 30/6, tại thủ đô Tokyo, Công ty CP Tập đoàn Tân Long phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi tổ chức ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu "A An" mà Công ty đã xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản.

Tập đoàn Tân Long cho biết kế hoạch xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật Bản đã được thực hiện cách đây 1 năm, khi lần đầu tiên cho ra mắt gạo ST25 tại thị trường nội địa.

Tại thị trường Nhật Bản, gạo ST25 mang thương hiệu "A An" sẽ do Công ty Suntomi International nhập khẩu và sau đó được Công ty Spice House phân phối tới các siêu thị và cửa hàng.

Spice House đã đưa gạo ST25 bán ở một số cửa hàng cách đây 3 tuần và đến nay đã tiêu thụ được 8 tấn.

Ngày 1/7/2022 tại Tokyo, sự kiện quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán tại thị trường Nhật Bản được tổ chức bởi Liên minh ngân hàng Kiraboshi, Công ty Suntomi Internatianal, Công ty Spice House và Tập đoàn Tân Long, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tập đoàn Nikkoku Trust.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long cho biết, Công ty bắt đầu tập trung vào việc sản xuất gạo ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2017, với mô hình bao tiêu lúa canh tác trực tiếp từ nông dân.

Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân đã mang lại sản phẩm gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản, góp  phần nâng cao giá trị của gạo Việt mà  còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Ban đầu, khi đưa gạo ST25 sang Nhật, Tập đoàn Tân Long cho biết họ không đặt mục tiêu về số lượng mà muốn tiếp cận các đối tượng khách hàng cụ thể và lựa chọn đối tác thương mại phân phối bán lẻ có uy tín.

Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Việc Tập đoàn Tân Long đưa thành công gạo ST25 sang Nhật, mở đường cho các sản phẩm nông sản giá trị cao của Việt Nam tiến sâu vào thị trường này.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 48,7 triệu Yen, tăng 73% so với năm 2020 và mới chỉ chiếm khoảng 0,09% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường này.

Đặc biệt, trong xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nước có sự bảo hộ ở mức cao đối với nền nông nghiệp nội địa. Gạo cũng là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện nay, trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên (gồm các Hiệp định AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), Nhật Bản không có cam kết ưu đãi đặc biệt nào cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Gạo Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật Bản phải tham gia vào các gói đấu thầu quốc tế (theo các cơ chế tiếp cận thị trường thông thường - OMA, hoặc cơ chế mua bán song song - SBS). 

Trong ngành lúa gạo, Tân Long là doanh nghiệp có tên tuổi xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao. Những năm qua, Tập đoàn này đã trúng thầu nhiều đợt đấu giá xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc.

Tân Long đã và đang nỗ lực cạnh tranh, phát triển thị trường xuất khẩu, phối hợp với nông dân sản xuất lúa, và mang sản phẩm gạo Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Trước nhu cầu của thế giới về lúa gạo ngày càng tăng, trong khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp đang tạo cơ hội rất lớn cho lúa gạo Việt Nam đến gần hơn với thị trường thế giới.

Để đón bắt nhu cầu thị trường, Tập đoàn Tân Long  ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như ST21, ST24, ST25 và các giống lúa khác của Viện lúa ĐBSCL theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa - tôm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu và nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư