Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
WB tài trợ dự án 130 triệu USD, Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 165 triệu USD
Hạnh Nguyên - 05/08/2023 09:25
 
WB tài trợ dự án 130 triệu USD đầu tư hạ tầng đô thị tại Nghệ An; Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án 165 triệu USD…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

KN Investment Group muốn đầu tư 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai 

Ngày 1/8, KN Investment Group đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về đề xuất đầu tư Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Thành và Cẩm Mỹ.

Trong đó, KN Investment Group đề xuất đầu tư một dự án tại huyện Long Thành và 3 dự án tại huyện Cẩm Mỹ.

nong
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại một doanh nghiệp ở huyện Long Thành, Đồng Nai

Theo thuyết minh của doanh nghiệp, các dự án được đầu tư theo mô hình ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, gắn kết thị trường tiêu thụ và đầu tư theo hướng nông nghiệp an toàn, tuần hoàn.

Tại các dự án doanh nghiệp sẽ đầu tư các trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; trung tâm ứng dụng, bảo tồn...

Theo tính toán của KN Investment Group, dự kiến, 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai sẽ đóng góp cho ngân sách của địa phương gần 1.500 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động địa phương. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước tính trung bình 586 triệu USD/năm.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai, đề nghị doanh nghiệp phân tích rõ hơn hiệu quả đầu tư, tính hợp pháp của dự án đề xuất và các vấn đề liên quan đến quy hoạch của tỉnh.

Trao đổi với nhà đầu tư về đề xuất 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đề nghị nhà đầu tư cần dự báo, tính toán cụ thể các giải pháp khi triển khai thực hiện dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương.

Doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm cả xu hướng phát triển của tương lai, tính khả thi của từng dự án để trình bày cụ thể trước lãnh đạo địa phương.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai nêu quan điểm của tỉnh rằng việc lựa chọn nhà đầu tư phải công khai, minh bạch cả về ý tưởng thực hiện lẫn năng lực của doanh nghiệp.

Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.

Trong đó, Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng được từ 2 đến 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Dự kiến mỗi huyện, thành phố có từ 3-4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 3-4 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vì vậy, 4 dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao của KN Investment Group được các sở,ngành của tỉnh Đồng Nai đánh giá phù hợp với kế hoạch của tỉnh. 

Nhà mua hàng toàn cầu dồn dập tới Việt Nam

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến ngày 15/7 đạt gần 343,65 tỷ USD, vẫn giảm 14,9% so với cùng kỳ, nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn về đơn hàng xuất khẩu ở một số ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, từ đó thúc đẩy hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Đã có những tín hiệu tích cực hơn về đơn hàng xuất khẩu ở một số ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn

Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 178,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 165,2 tỷ USD, giảm 18,4%; cán cân thương mại xuất siêu 13,25 tỷ USD.

Nửa đầu tháng 7/2023, xuất nhập khẩu cả nước đạt 27,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với nửa cuối tháng 6 (trong đó, xuất khẩu đạt 13,81 tỷ USD, nhập khẩu 13,38 tỷ USD). Nhìn vào kết quả đó, vẫn thấy rõ khó khăn bao trùm hoạt động thương mại. Tuy nhiên, nhập khẩu đã tăng so với kỳ năm trước 5,5%, cho thấy đơn hàng dần được cải thiện, kéo theo nhu cầu về nguyên liệu tăng lên.

Mang về 44 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng thị trường giảm sức mua, nên hết tháng 7/2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đã thấy tín hiệu tích cực khi mức giảm 14% đã thấp hơn so với mức giảm 17% tại thời điểm cuối tháng 6/2023.

Động lực cho xuất khẩu tăng tốc tiếp tục đến từ các Dự án của doanh nghiệp đầu tưnước ngoài sắp đi vào hoạt động. Trong cuộc tiếp đón lãnh đạo Vitas hôm 21/7, ông Zheng Yang, Tổng giám đốc Công ty Weixing SAB (Trung Quốc) tiết lộ, một nhà máy sản xuất phụ kiện hàng may mặc xuất khẩu, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) của doanh nghiệp này sẽ đi vào vận hành cuối năm nay.

Xuất khẩu thủy sản cũng chứng kiến sự phục hồi nhẹ khi mang về gần 800 triệu USD trong tháng 6/2023. Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep), thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng, giúp xuất khẩu tăng, bù đắp sự sụt giảm hồi đầu năm.

Tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III/2023. Hiện các doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, sản xuất các loại sản phẩm khô được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn, phù hợp với mức thu nhập thấp.

Trước sự suy giảm của thương mại hàng hóa toàn cầu tác động đến tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong nước, các bộ, ngành đã thiết kế nhiều chương trình, sự kiện nhằm kéo nhà mua hàng là các tập đoàn lớn từ Mỹ, EU, Nhật Bản… tới Việt Nam.

Mới đây nhất, Triển lãm quốc tế Vải, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp may 2023 (SaigonFabric Summer 2023) từ ngày 26 đến 29/7 đã quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại khu “Made in Vietnam”, gần 100 doanh nghiệp giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu của Việt Nam, gồm sợi gai xanh của Tập đoàn Thiên Phước; vải in trên chất liệu đặc biệt của Công ty cổ phần Fadatech; vải từ tre, sợi sen và hạt cà phê của Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink…

Theo Vitas, thị trường nửa cuối năm chắc chắn sẽ ấm hơn đầu năm. Sự xuất hiện của sản phẩm được sản xuất xanh, giảm phát thải theo xu thế chung của các thị trường lớn như Mỹ, EU… tạo sức hút đáng kể với các nhà mua hàng, đặt trong bối cảnh cạnh tranh chung giữa các quốc gia xuất khẩu như Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tháng 9/2023, Phó chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh của Walmart, ông Avineesh Gupta sẽ dẫn đầu đoàn của tập đoàn bán lẻ đa quốc gia này tham dự chuỗi sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức.

Trước thềm chuyến đi này, “ông lớn” trong ngành bán lẻ Mỹ cho biết, Walmart sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính do các doanh nghiệp Việt cung cấp, bao gồm quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Lãnh đạo Walmart nhấn mạnh, sự ổn định trong chuỗi cung ứng của Walmart có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Điều này càng được minh chứng trong giai đoạn đại dịch và xung đột thương mại, địa chính trị toàn cầu.

Ngoài Walmart, nhiều tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… cũng sẽ “đổ bộ” Việt Nam. Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, một đoàn khoảng 50 doanh nhân do Thủ hiến vùng Flanders và Phó chủ tịch Thứ nhất Thượng viện Bỉ dẫn đầu sẽ sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và tham dự chuỗi sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế nêu trên.

Ông Noriaki Koyama, Phó chủ tịch Fast Retailling - tập đoàn sở hữu một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng, trong đó có Uniqlo, tiết lộ, các sản phẩm hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam đã được bán rộng khắp hệ thống Uniqlo trên toàn thế giới. “Thời gian tới, Tập đoàn sẽ ưu tiên tăng cường số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”, ông Noriaki Koyama cho biết.

Đề xuất phương án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D, đoạn qua tỉnh Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D - tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra tình hình triển khai một số Dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 22/7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D - tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay.

Một đoạn Quốc lộ 15D (Ảnh: Duy Lợi).
Một đoạn Quốc lộ 15D (Ảnh: Duy Lợi).

Cụ thể, đoạn Quốc lộ 15D từ Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn (dài khoảng 8km), UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị tiếp tục giao cho địa phương này chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước tương tự như nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao cho các địa phương tại văn bản số 671/TTg-CN ngày 19/7/2023.

Đối với đoạn Quốc lộ 15D từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cửa khẩu La Lay (dài khoảng 12km), UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị giao Bộ GTVT, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai, đáp ứng nhu cầu lưu thông và đảm bảo an toàn.

Đối với Quốc lộ 15D đoạn từ đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (dài khoảng 34km) UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị giao cho tỉnh này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP.

Được biết, Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ ngắn nhất nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. Sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ kết nối với tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của nước bạn Lào, hệ thống đường bộ của Thái Lan và Myanmar, tạo thêm một trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây; hình thành tuyến đường thuận lợi nhất kết nối biển Đông và Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300km), tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.

Tuyến đường này còn kết nối các trục dọc của Quốc gia như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam; kết nối với cao tốc Bắc Nam phía Đông trong việc phân luồng, điều tiết, giải tỏa giao thông trên tuyến cao tốc khi có sự cố an toàn giao thông (do tuyến cao tốc Cam Lộ La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh hiện trạng là đường độc đạo, chưa có nút giao liên thông với các tuyến đường ngang trong khu vực).

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ chính yếu của khu vực miền Trung, có chiều dài 92km (bao gồm đoạn tuyến đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 24km), quy mô đường cấp III - IV (2 - 4 làn xe). Tính đến thời điểm hiện nay, có 2 đoạn tuyến đã đầu tư xây dựng gồm đoạn đầu tuyến từ biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1 dài 13,8km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; đoạn cuối tuyến từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12,2km, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-VI miền núi.

Có 2 đoạn tuyến phải đầu tư xây dựng mới, gồm đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km; đoạn từ đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km.

“Hiện nay, nhu cầu vận tải gia tăng đột biến, lưu lượng phương tiện xe có trọng tải lớn, xe container tăng cao; đặc biệt với trữ lượng than đá được khảo sát tại 2 tỉnh Sekong và Salavane ước tính khoảng (0,8 -1) tỷ tấn, nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào qua cửa khẩu Quốc tế Lalay đến các cảng tại Việt Nam để xuất khẩu tăng cao, ước tính 20-30 triệu tấn/năm; trung bình mỗi ngày từ 300-350 xe, cao điểm có ngày hơn 400 lượt xe tải, xe container lưu thông qua cửa khẩu LaLay”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thông tin.

Phương án đầu tư vành đai 5 Hà Nội, đoạn qua địa phận Bắc Giang

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Giang gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cử tri tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và hoàn thiện đường vành đai 5 Hà Nội (đã có trong quy hoạch mạng lưới đường bộ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050) để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Đường vành đai 5 - vùng Thủ đô đoạn từ KCN Yên Sơn - Bắc Lũng đến đường 293B (màu xanh lá cây) sẽ được đầu tư xây dựng. (Đồ họa: Báo Bắc Giang).
Đường vành đai 5 - vùng Thủ đô đoạn từ KCN Yên Sơn - Bắc Lũng đến đường 293B (màu xanh lá cây) sẽ được đầu tư xây dựng. (Đồ họa: Báo Bắc Giang).

Theo Bộ GTVT, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 272 km (đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 48 km), quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Bộ GTVT đánh giá để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và giao thông địa phương, việc sớm đầu tư đưa vào khai thác đường vành đai 5 nói chung, đoạn qua tỉnh Bắc Giang nói riêng là cần thiết.

Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các Dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 561/QĐ-TTg, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường vành đai.

Đồng thời, tại Thông báo số 199/TB-VPCP ngày 9/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “UBND tỉnh Bắc Giang cần rà soát kỹ, cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai, bảo đảm yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt.

Trên cơ sở rà soát kỹ các nguồn lực, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác, Bộ GTVT khuyến nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư vành đai 5 đoạn qua địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư vành đai 5 Hà Nội, đoạn qua địa phận Bắc Giang”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Đường Vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình; Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, đoạn qua thành phố Hà Nội dài khoảng 48 km; qua tỉnh Hòa Bình 35,4 km; qua tỉnh Hà Nam 35,3 km; qua tỉnh Thái Bình 28,5 km; qua tỉnh Hải Dương 52,7 km; qua tỉnh Bắc Giang 51,3 km; qua tỉnh Thái Nguyên 28,9 km, qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 51,5 km. Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).

Trước đó, vào năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư Dự án đường vành đai V – vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh này.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong giai đoạn 2011-2025 quan tâm hỗ trợ tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương (ngoài cân đối cho tỉnh) số vốn là 1.330 tỷ đồng để triển khai Dự án đường vành đai V - vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (đoạn từ Km0-Km13+700). 

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai V- vùng Thủ đô (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) được đánh giá là sẽ góp phần hình thành trục giao thông kết nối ngang rất quan trọng kết nối trực tiếp đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cao tốc Nội Bài - Hạ Long (trong tương lai).

Bên cạnh đó, tuyến đường được đầu tư sẽ tạo không gian phát triển mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp cho các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Tuyến đường hoàn thành sẽ là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện trong vùng và của tỉnh.

Theo quy hoạch đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn từ nút giao Quốc lộ 37 đến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (từ Km0-Km21+200) đầu tư với quy mô đường cao tốc 6 làn xe; đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến hết địa phận tỉnh Bắc Giang (Km21+200 - Km35+200) đầu tư với quy mô tiêu chuẩn cấp II đồng bằng.

Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu vận tải thực tế hiện nay và khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất ưu tiên phân kỳ đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang muốn Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí để đầu tư đoạn vành đai 5 – vùng Thủ đô trên địa bàn với chiều dài khoảng 13,7km (bao gồm cả cầu vượt sông Lục Nam); với điểm đầu dự án tại Km0+00 (khoảng Km95+700, Quốc lộ 37) thuộc xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; điểm cuối giao với ĐT293 tại Km11+700 (lý trình ĐT293), huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, theo quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.

Chi phí đầu tư theo quy mô nói trên ước khoảng 1.330 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 882 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 188 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi khác là 102 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 158 tỷ đồng. 

Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án 165 triệu USD

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP.

Dự án có tổng mức đầu tư 165 triệu USD, tương đương 3.872,55 tỷ đồng nhằm sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử, năng lượng xanh; là ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các dự án sản xuất sản phẩm như: vỏ điện thoại, vỏ laptop, cục sạc dự phòng, sạc, đồng hồ thông minh;… với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm.

Dự Án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP.
Dự án 165 triệu USD của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam được triển khai tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP.

Dự án triển khai trên phạm vi 11,78 ha, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2024. Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị, với suất vốn đầu tư 328,74 tỷ đồng/ha, dự án này có suất đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào Nghệ An; dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động.

Dự án của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ sinh thái các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dự án này cũng góp phần đưa tổng số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh từ đầu năm đến nay đạt hơn 890 triệu USD.

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua chủ trương, UBND tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam.

Tính đến ngày 20/7/2023, Nghệ An đã cấp mới cho 69 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 21.839,4 tỷ đồng; điều chỉnh 92 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 27 dự án (tăng 2.712,4 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm từ đầu năm 2023 là 24.551,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới tăng 4,55%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,33 lần.

Theo thống kê Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, Nghệ An thu hút được 725,4 triệu USD vốn FDI cả cấp mới và điều chỉnh, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Những năm qua, Nghệ An trở thành điểm đến của các nhà đầu tư FDI lớn trong lĩnh vực điện tử như: Foxconn, Luxshare, Everwin, Goertek, JuTeng. Đây là đối tác của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Samsung…

Đề xuất cơ quan đầu mối tổng hợp, cơ quan điều phối Dự án vành đai 4 TP.HCM

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc xác định cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các Dự ánthành phần của đường vành đai 4 TP.HCM.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét giao UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP.HCM, gửi Bộ GTVT để thực hiện tổ chức điều phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021.

Cần phải nói thêm rằng, tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021, Thủ tướng đã giao UBND TP.HCM và UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thựchiện các dự án đi qua địa bàn của các tỉnh/thành phố; có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định.

Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các dự án do các địa phương là cơ quan có thẩm quyền; tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến, kịp thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật.

Tại Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 28/4/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo: “giao UBND tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP.HCN, gửi Bộ GTVT để thực hiện tổ chức điều phối theo chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 1263”.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, UBND tỉnh Long An có báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi giao cho tỉnh Long An làm cơ quan đầu mối tổng hợp và điều phối thực hiện Dự án đường vành đai 4 TP.HCM. Vì vậy, UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối Dự án đường vành đai 4 TP.HCM.

Lộ trình của dự án như sau: Quý II/2023 hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Quý IV/2023 lập nghiên cứu báo cáo khả thi dự án. Quý III/2024 lựa chọn nhà đầu tư. Quý IV/2024 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công. Hoàn thành dự án vào cuối 2027 và đưa vào khai thác sử dụng vào cuối 2028.

Liên quan đến vấn đề trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ GTVT đã có 2 văn bản đề nghị UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu có ý kiến bằng văn bản về cơ quan đầu mối tổng hợp và điều phối Dự án đường vành đai 4 TP.HCM.

Đến ngày 11/7/2023, Bộ GTVT đã nhận được văn bản tham gia ý kiến của UBND 5 tỉnh/thành phố, trong đó, về cơ quan điều phối chung các dự án thành phần có 4 tỉnh/thành phố đề xuất giao Bộ GTVT làm cơ quan điều phối triển khai thực hiện các dự án, riêng tỉnh Bình Dương đề xuất giao UBND TP.HCM làm cơ quan điều phối.

Về cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, có 3 tỉnh (Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương) đề xuất giao UBND TP.HCM làm cơ quan cơ quan đầu mối tổng hợp; UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất giao UBND tỉnh Long An làm cơ quan đầu mối tổng hợp; UBND TP.HCM không có ý kiến rõ ràng về cơ quan đầu mối tổng hợp.

Ngày 12/7/2023, Bộ GTVT đã chủ trì tổ chức cuộc họp trực tuyến với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố của 5 địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án thành phần đường vành đai 4.

Tại cuộc họp, các địa phương và Bộ GTVT đã thống nhất: về cơ quan điều phối chung các dự án thành phần sẽ do giao Bộ GTVT làm cơ quan điều phối chung các dự án thành phần. Về cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần sẽ giao UBND TP.HCM làm cơ quan đầu mối tổng hợp do hiện nay Chủ tịch UBND TP.HCM đang là Tổ trưởng Tổ công tác của các địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền của Dự án đường vành đai 4.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm cơ quan đầu mối triển khai thực hiện dự án đường vành đai 3.

“UBND TP.HCM đã thống nhất tiếp nhận nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối tổng hợp được các địa phương và Bộ GTVT tín nhiệm đề xuất tại cuộc họp”, Bộ GTVT thông tin.

Dự án đường vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6 km, có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.

WB tài trợ dự án 130 triệu USD đầu tư hạ tầng đô thị tại Nghệ An

Ngày 31/7, ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt Dự án nhằm tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và cải thiện cơ sở hạ tầng vệ sinh, giao thông và không gian công cộng tại thành phố Vinh với kinh phí 129,6 triệu USD.

Theo Ngân hàng Thế giới, thành phố Vinh thiếu khả năng ứng phó với các trận mưa lớn, dẫn đến tình trạng nước mưa ứ đọng ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Để cải thiện hệ thống thoát nước, một hồ điều hòa mới sẽ được xây dựng để chứa lượng nước mưa dư thừa chảy tràn trong lưu vực thoát nước rộng hơn của thành phố.

WB đầu tư 130 triệu USD xây dựng hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Vinh
WB đầu tư 130 triệu USD xây dựng hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Vinh. Ảnh minh hoạ.

Theo đó, dự án ‘Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh’ sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 250.000 cư dân tại khu vực trung tâm đô thị Vinh thông qua giảm thiểu rủi ro úng ngập và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Các danh mục đầu tư gồm: hệ thống kiểm soát ngập lụt, cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và kết nối giao thông để thúc đẩy tăng trưởng đô thị bền vững và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ chuyển đổi đất trống ở hai bên bờ sông thành không gian xanh công cộng đồng thời cải thiện thu gom và phân loại rác thải để giảm lượng rác thải nhựa bị thải ra sông.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối 30.000 hộ gia đình với hệ thống cống cấp 2 và cấp 3 xây mới hoặc cải tạo đồng thời giảm một nửa thời gian phụ nữ phải làm việc nhà sau ngập lụt, bao gồm cả dọn dẹp nhà cửa. Dự án sẽ góp phần cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiệt hại do mưa lớn và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhờ cải thiện điều kiện sống ở khu vực trung tâm thành phố và xây dựng làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Dự án thành phố Vinh không chỉ có mục tiêu cơ sở hạ tầng mà là một nỗ lực mang tính chuyển đổi để cải thiện điều kiện kinh tế xã hội của người dân thành phố Vinh. Dự án thể hiện cam kết của Ngân hàng Thế giới trong hỗ trợ Việt Nam đạt được đô thị hóa bền vững và tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Trước đó, Ngân hàng Thế giới phê duyệt 194,36 triệu USD cho 4 đô thị vừa của Việt Nam xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu và tăng cường năng lực quy hoạch đô thị. Theo WB, Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực có mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và cải thiện dịch vụ đô thị ở bốn đô thị, bao gồm: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương và Yên Bái. 

Đề xuất hàng loạt giải pháp huy động 25 tỷ USD đầu tư 200 km metro tại TP.HCM

Chiều 31/7, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM”.

Buổi tọa đàm được tổ chức ngay sau khi TP.HCM triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Vậy làm thế nào để rút ngắn thủ tục, huy động được vốn tư nhân đầu tư hệ thống metro là thách thức mà đầu tàu kinh tế TP.HCM phải hóa giải trong thời gian tới.

ghhj
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trước khi vận hành vào cuối năm nay 

Thông tin từ MAUR cho biết, TP.HCM đã quy hoạch 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray với tổng chiều dài khoảng 220 km.

Đến nay, Thành phố mới đầu tư được 2 tuyến. Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thực hiện từ năm 2007, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Còn tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành năm 2032. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư.

Ông Hoàng Ngọc Tuân, Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư của MAUR cho biết, các Dự án hiện đang đầu tư hiện nay từ nguồn vốn vay ODA nên phát sinh nhiều thủ tục, tỷ suất đầu tư cao, phụ thuộc về thiết kế, kỹ thuật, công nghệ của đối tác cho vay...

Theo ông Tuân, Kết luận số 49 mà Bộ Chính trị mới ban hành đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035, nghĩa là Thành phố phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm tới.

"Đây là thách thức rất lớn bởi trong suốt 20 năm qua, TP.HCM mới làm gần xong 19,7 km đường sắt đô thị. Nếu tiếp tục làm theo cách như hiện nay với thời gian chuẩn bị dự án kéo dài trung bình 4 - 5 năm, thêm thời gian thực hiện từ 7 - 8 năm thì không thể thực hiện được" ông Tuân đánh giá.

Vì vậy, MAUR đề xuất nhiều cách làm mới. Về quy hoạch,  MAUR đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài các tuyến metro từ 220 km hiện nay lên khoảng 400 - 500 km, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến 2035 và giai đoạn 2 sau năm 2035. Khi quy hoạch phải xác định ngay ranh giới, vị trí và thiết kế đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), với bán kính 500 - 1.000 m xung quanh nhà ga.

Ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án cần thu hồi đất ngay để đảm bảo có quỹ đất đấu giá và tránh tình trạng đầu cơ đất đang diễn ra tràn lan. Như vậy mới có thể đảm bảo mục tiêu đến 2028 thu hồi được toàn bộ mặt bằng sạch để thi công.

“Còn cách làm như hiện nay kéo dài ít nhất 10 năm. Nếu áp dụng Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thực hiện thu hồi đất sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì cũng mất 4 - 5 năm” ông Tuân nêu thực trạng.

Về nguồn vốn, để thu xếp được 25 tỷ USD nếu dựa váo ngân sách Nhà nước hoặc vốn ODA như hiện nay thì không khả thi. Vì vậy, MAUR đề xuất huy động vốn từ 5 nguồn: ngân sách nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng; vốn thu được từ đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường; vay vốn trong nước; vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu.

Theo tính toán của MAUR, một nhà ga làm theo mô hình TOD bán kính nhỏ nhất 500 m thì mỗi nhà ga kết hợp với làm khu đô thị với diện tích khoảng 80 ha. Một tuyến metro sẽ có hàng ngàn ha đất, nếu mỗi ha tạo ra được giá trị thặng dư 50 tỷ đồng thì đã có 50.000 tỷ từ đấu giá quỹ đất cho mỗi tuyến metro.

Về thủ tục MAUR đưa ra ý kiến, có thể bỏ qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nếu thực hiện tốt phần quy hoạch; phân quyền, phân cấp tự chủ hơn cho địa phương hoặc có thể gom toàn bộ các tuyến lại thành 1 - 2 dự án để trình Quốc hội một lần rồi thực hiện theo từng dự án thành phần...

"Hầu hết các đề xuất chúng tôi nêu ra đều chưa có trong quy định của pháp luật. Nhưng, chúng ta phải làm khác đi như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói mới đây, nếu cứ làm như cũ thì 100 năm nữa TP.HCM mới hoàn thiện được mạng lưới metro" ông Hoàng Ngọc Tuân nhấn mạnh.

Đề xuất về giải pháp huy động vốn để xây dựng các tuyến metro, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho rằng, đầu tư metro  phụ thuộc vào vốn vay ODA là không ổn, dù lãi suất thấp nhưng các chi phí khác khá cao, nếu tính chung lại có thể còn cao hơn cả vốn vay thương mại.

Theo bà Trang, cùng với giải pháp đấu giá đất dọc đường metro, TP.HCM có thể huy động vốn từ phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình, thời gian tới lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt nên phát hành trái phiếu quốc tế sẽ thuận lợi hơn.

“Nếu huy động được các nguồn vốn khác nhau từ trái phiếu, đấu giá quỹ đất thì sẽ có một lượng vốn lớn để đầu tư 200 km metro để hoàn thành vào năm 2035” bà Trang nhấn mạnh.

Đà Nẵng được bố trí hơn 2.000 tỷ đồng cho 2 dự án giao thông trọng điểm

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng liên quan đến các Dự án hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông - Vận Tải (GTVT) cho biết, trong năm 2023 sẽ triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm là đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B theo phê duyệt của Bộ GTVT. Đây là 2 dự án động lực trọng điểm của thành phố sẽ khởi công trong năm 2023 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Hai Dự án giao thông trọng điểm tại Đà Nẵng đã cân đối được nguồn kinh phí để triển khai.
Hai dự án giao thông trọng điểm tại Đà Nẵng đã cân đối được nguồn kinh phí để triển khai.

Đối với dự án xây dựng cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài khoảng 11,5 km với điểm đầu tuyến tại vị trí tiếp giáp nút giao thông Hòa Liên (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) và điểm cuối tại vị trí tiếp giáp nút giao thông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với tổng mức đầu tư gần 2.113 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 951 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 942 tỷ đồng. Về phân bổ nguồn vốn, năm 2022 dự kiến bố trí 4,6 tỷ đồng; năm 2023 bố trí 678 tỷ đồng; năm 2024 bố trí 906 tỷ đồng và năm 2025 bố trí hơn 565,5 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua địa bàn Đà Nẵng từ nút giao thông Túy Loan đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 7,55km với điểm đầu tuyến tại Km24+633 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) và điểm cuối tuyến tại Km32+185 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) có tổng mức đầu tư hơn 788 tỷ đồng.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri Đà Nẵng về nâng cấp và mở rộng tuyến đường Quốc lộ 14G, Bộ GTVT cho biết, trong phạm vi nguồn lực cân đối được, đã ưu tiên đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác 4 cầu (Km32+480, Sông Vàng, Dốc Rùa 2 và Sông Kôn) bằng nguồn vốn vay JICA của Nhật Bản.

Ngoài ra đã nghiên cứu lập Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14G3 và giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, tuy nhiên do khó khăn về vốn nên dự án chưa được phê duyệt.

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về việc ưu tiên đầu tư tuyến Quốc lộ 14G theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược nên chưa thể cân đối nguồn lực để thực hiện thêm các dự án khác trong đó có Quốc lộ 14G.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện về nguồn lực. Để bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác đoạn tuyến Quốc lộ 14G, trước mắt Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan và địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra và duy tu, sửa chữa trên tuyến.

2 bến cảng container gần 7.000 tỷ đồng tại Hải Phòng bám sát tiến độ dự kiến

Dự án Đầu tư xây dựng các bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Hải Phòng do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (gọi tắt là Cảng Hải Phòng) làm chủ đầu tư.

Theo thông tin từ Cảng Hải Phòng, vừa qua, đơn vị thi công Bến container số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân đã hoàn thành đổ bê tông bản mặt cầu phân đoạn cuối cùng của hạng mục kè sau cầu thuộc Gói thầu EC. Gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Bến container số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện được chính thức triển khai thi công từ tháng 10/2022 hiện nay đã hoàn thành 50% khối lượng.

Bến 1, 2 Cảng Lạch Huyện đang được khai thác hiệu quả cho các chuyến hải trình đi khắp thế giới. Ảnh Thanh Tân
Bến 1, 2 Cảng Lạch Huyện đang được khai thác hiệu quả cho các chuyến hải trình đi khắp thế giới. Ảnh: Thanh Tân

Việc hoàn thiện đổ bê tông bản mặt cầu phân đoạn cuối cùng của hạng mục kè sau cầu là một hạng mục lớn trong quá trình triển khai thi công gói thầu EC – gói thầu chính của Dự án, từ đó tạo điều kiện  tổ chức thi công các hạng mục khác, rút ngắn tiến độ hoàn thiện toàn bộ gói thầu.

Gói thầu cung cấp thiết bị chính cho Dự án bao gồm Trang bị, lắp đặt 06 Cẩu bốc xếp container trên bến chính (STS) và 24 cẩu bánh lốp RTG hiện nay cũng đang được triển khai theo tiến độ hợp đồng đã được ký kết. Đơn vị cung cấp đã hoàn thiện thiết kế để chính thức đưa vào gia công chế tạo. 

Theo thông tin từ chủ đầu tư, cùng các bên liên quan hoàn thiện thiết kế hệ thống cấp điện; hệ thống công nghệ thông tin; nhà văn phòng, nhà xưởng và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện hiện đang được tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến các bến tàu số 3 và số 4 có thể đưa vào khai thác cầu tàu trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.

Dự kiến khi đưa vào hoạt động khai thác trong Quý IV/2024, bến container số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của toàn bộ hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Theo chiến lược phát triển, giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước về phát triển các dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế.

Trước mắt, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 – 2025 đạt 15,1%/năm.

Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn.

Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hết sức ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như của cả nước. Dự án còn góp phần thực hiện thành công "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030”.

Hà Nội: Khởi công 3 cụm công nghiệp tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng

Ngày 3/8, tại huyện Thanh Oai, Hà Nội diễn ra Lễ khởi công, động thổ 3 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2, Cụm công nghiệp làng nghề Phương Trung và Cụm công nghiệp Hồng Dương có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Lễ khởi công, động thổ 3 cụm công nghiệp tại huyện Thanh Oai có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Phát biểu tại Lễ khởi công, động thổ 3 cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, Cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2, Cụm công nghiệp làng nghề Phương Trung và Cụm công nghiệp Hồng Dương là các công trình quan trọng theo định hướng của huyện Thanh Oai. 3 cụm công nghiệp này khởi công nhằm mục tiêu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; kéo giãn các hộ gia đình, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra sản xuất tại các cụm công nghiệp.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, với quy mô 17,14ha, 3 cụm công nghiệp có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, dự kiến thu hút hơn 100 doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, hằng năm đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng. 

“Đây cũng là cơ hội để Thanh Oai đẩy mạnh thị trường lao động, đất đai nhà ở và các dịch vụ đi kèm, tạo nguồn thu cho ngân sách ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện", ông Sáng nhấn mạnh.

Các cụm công nghiệp trên được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc hiện đại với nhiều tiện ích phụ trợ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới như: đáp ứng quy trình sản xuất khép kín; hệ thống phòng cháy, chữa cháy đủ tiêu chuẩn, sẵn sàng đáp ứng phòng, chống cháy nổ trong mọi tình huống; hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, mức phát thải ít theo tiêu chí khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Để Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai yêu cầu, chủ đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật. 

Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; không được để quá trình thi công xây dựng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận dự án.

Được biết, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 có diện tích quy hoạch 7,7ha, diện tích xây dựng 6,5ha; nằm trên trục đường phát triển kinh tế phía Nam - Cienco 5 qua địa phận xã Thanh Thùy. Đến nay, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy đang hoàn thiện bóc tách đất hữu cơ, san nền. Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 sẽ mở ra cơ hội mới cho các ngành hàng chế biến nông sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp sản xuất cơ kim khí, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố, góp phần gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống. 

Dự án Cụm công nghiệp Hồng Dương có diện tích 11,4ha nằm trên tuyến đường Hồng Dương - Liên Châu. Cụm cách quốc lộ 12B 1.300m và cách đường trục phát triển kinh tế phía Nam 250m, thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội cũng như các quận phía Nam và các huyện lân cận.

Cụm công nghiệp Phương Trung nằm trên địa bàn xã Phương Trung, có quy mô 9,55ha, với vị trí thuận lợi, tiếp giáp Quốc lộ 21B, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 25km về phía Nam.

Quảng Ngãi cho ý kiến về đề xuất khu đô thị sinh thái và du lịch hơn 7.200 tỷ đồng

Sở Xây dựng vừa có ý kiến về Dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi với tổng vốn hơn 7.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Newhaus đề xuất.

Dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi được đề xuất tại huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho hay, theo đề nghị của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Newhaus, vị trí khu đất dự kiến đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi có diện tích khoảng 93,9ha.

Đối chiếu với đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, vị trí đề xuất đầu tư dự án thuộc khu vực được định hướng quy hoạch gồm: đất ở mật độ thấp, đất mặt nước, đất rừng phòng hộ, đất du lịch, đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật và đất giao thông.

Đối chiếu với đồ án Quy hoạch phân khu tại khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt, vị trí đề xuất đầu tư dự án thuộc khu vực được quy hoạch gồm: đất khu dân cư, đất mặt nước, đất rừng phòng hộ, đất du lịch, đất cây xanh, đất hỗn hợp (thương mại dịch vụ kết hợp ở), đất dịch vụ, đất văn hóa, đất giáo dục, đất bãi đỗ xe, đất hạ tầng kỹ thuật và đất giao thông.

Do đó, Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng, việc đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi là cơ bản phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh và Quy hoạch phân khu I.I tại khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.

Về phương án quy hoạch sử dụng đất, Sở Xây dựng cho biết, khu vực đề xuất đầu tư có quy mô dân số dự báo khoảng 4.000 người, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, các chỉ tiêu kỹ thuật của nhóm ở cơ bản phù hợp với quy chuẩn hiện hành và sự kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực.

Trước đó, vào ngày 19/7/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Tọa đàm tư vấn, phản biện Tư vấn, phản biện Đề xuất dự án đầu tư Khu Đô thị sinh thái và Du lịch Coastal Quảng Ngãi.

Nhà đầu tư đề xuất Dự án cho biết Dự án đầu tư Khu Đô thị sinh thái và Du lịch Coastal Quảng Ngãi với mục tiêu hình thành khu đô thị sinh thái, quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 96 ha, với tổng mức vốn đầu tư gần 7.275 tỷ đồng.

Dự án có thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ triển khai thực hiện dự án tối đa 60 tháng (2023-2028) được chia làm 4 giai đoạn.

Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học cho rằng: Dự án Khu Đô thị sinh thái và Du lịch Coastal Quảng Ngãi là dự án có quy mô tương đối lớn mang tầm cỡ khu vực và Quốc gia; phù hợp chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ và phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch phát triển du lịch biển…

Dự án khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về tài nguyên sông, biển, rừng phòng hộ. Đề xuất dự án là điểm nhấn tích cực mới cho thị trường bất động sản Quảng Ngãi, cung cấp đa dạng dịch vụ, sản phẩm như biệt thự, nhà ở cao cấp, nhà cho thuê, khách sạn, dịch vụ du lịch sinh thái…

Tuy nhiên, tại các chuyên gia nhận định, đây là dự án có quy mô sử dụng đất khá lớn với nhiều loại đất khác nhau, nếu triển khai kéo dài và chậm đi vào hoạt động, sẽ để lại nhiều hệ lụy, nhất là làm lãng phí tài nguyên đất và sinh kế của người dân địa phương. Đồng thời, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hàng trăm dự án khu đô thị, khu dân cư đã được cấp phép và một số đã triển khai xây dựng, do đó việc đầu tư khu đô thị sinh thái và du lịch quy mô lớn, nhà ở biệt thự có giá trị cao cần có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về nhu cầu trong tầm nhìn dài hạn để dự án mang tính khả thi.

Hải Dương phân bổ 9.200 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024

HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-HĐND về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024. 

Theo đó, tổng vốn ngân sách địa phương năm 2024 dự kiến 9.200 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung 844 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 8.000 tỷ đồng; thu xổ số kiến thiết 38 tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương 318 tỷ đồng.

Tổng vốn ngân sách trung ương năm 2024 dự kiến là 902 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước là 766 tỷ đồng, phân bổ cho 9 Dự án. Cụ thể, bố trí đủ 611 tỷ đồng cho 7 dự án chuyển tiếp, 1 dự kiến hoàn thành trong năm 2024 (1 dự án nhóm A và 6 dự án nhóm B). Số vốn còn lại 155 tỷ đồng phân bổ cho 2 dự án khởi công mới.

Các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2024 là Dự án xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây, tỉnh Hải Dương thuộc dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (tổng vốn dự kiến phân bổ năm 2024 là 400 tỷ, trong đó có 200 tỷ vốn ngân sách Trung ương); Dự án Đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37, thành phố Chí Linh (tổng vốn phân bổ 206,340 tỷ đồng, trong đó có 126,340 vốn Trung ương); Dự án xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, huyện Kim Thành (45,916 tỷ đồng vốn Trung ương); Dự án xây dựng đường tránh đường tỉnh 391 đoạn qua địa bàn thị trấn Tứ Kỳ và xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (tổng vốn 94,259 tỷ đồng, trong đó có 44,259 vốn Trung ương); Dự án đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn (tổng vốn 190,974 tỷ đồng, trong đó có 120,974 vốn ngân sách Trung ương); Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn Cầu Hàn, đường Ngô Quyền và Quốc lộ 5, thành phố Hải Dương (33,34 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương); Dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều tỉnh Hải Dương (40,382 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương).

2 dự án khởi công mới đó là Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (173 ha), thực hiện từ năm 2024 – 2025 với nhu cầu và dự kiến kế hoạch vốn năm 2024 là 35,162 tỷ đồng; Dự án nạo vét và gia cố kênh trung thủy nông Sặt - Phủ, huyện Bình Giang có quy mô tưới 1.929 ha đất canh ác, tiêu 2.134 ha phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và bảo vệ môi trường sinh thái (nạo vét lòng kênh 7,5 km và kè gia cố hai bên bờ kênh...) với nhu cầu và dự kiến kế hoạch vốn năm 2024 là 120 tỷ đồng.

Vốn nước ngoài là 136 tỷ đồng, phân bổ cho 1 dự án nhóm A chuyển tiếp theo tiến độ được phê duyệt (phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Cũng tại Nghị quyết này, HĐND tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện tăng cường rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Trong đó, đối với vốn đầu tư công cấp tỉnh quản lý, tập trung ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án trọng điểm, dự án có sức lan tỏa cao, tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án giao thông quan trọng thúc đẩy liên kết vùng và các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, y tế, giáo dục triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải ngân được 1.784 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, đạt 25,3% so với tổng kế hoạch vốn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 25,8%, vốn ngân sách Trung ương 32,7%, vốn vay nước ngoài (ODA) và vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư chưa giải ngân.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do vướng mắc về quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ dự án; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai dự án chưa kịp thời; năng lực chuyên môn của một số cán bộ làm công tác đầu tư, quản lý dự án, giám sát thi công, nhất là ở cấp huyện, xã còn hạn chế; một số nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu về tư vấn thiết kế, giám sát xây dựng... Mặt khác, vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất nhưng hiện tại thị trường bất động sản trầm lắng nên cấp huyện, xã không đủ nguồn vốn triển khai dự án theo tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công 5 năm 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành trước ngày 15/8. Định kỳ vào các ngày 8, 18 và 28 hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu tư và phấn đấu rút ngắn ít nhất 50% thời gian thẩm định, trình phê duyệt dự án so với quy định.

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có đề nghị Trung ương điều chỉnh giảm gần 178 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho 2 dự án do không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2023. Đó là các dự án: Đầu tư, phát triển Trường Cao đẳng nghề Hải Dương; Đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị y tế tại 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện.

Nguồn vốn trên để bổ sung cho 4 dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn ngân sách Trung ương trong dự toán ngân sách năm 2023. Đó là các dự án: xử lý cấp bách các công trình đê điều; xây dựng tuyến đường trục Đông-Tây; xây dựng đường tránh đường 391 đoạn qua thị trấn Tứ Kỳ và xã Văn Tố (Tứ Kỳ); xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (đoạn từ quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn). Đây là những dự án có nhu cầu bổ sung vốn và giải ngân hết 100% vốn bổ sung trong năm 2023. 

Bình Định sắp đấu giá 45 mỏ khoáng sản, dự kiến thu hơn 46 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, tổng số mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng của tỉnh Bình Định là 45 mỏ, gồm 6 khu vực mỏ đã có kết quả thăm dò khoáng sản và 39 khu vực mỏ chưa có kết quả thăm dò khoáng sản.

UBND tỉnh Định Định cho biết, việc đấu giá 45 mỏ nhằm phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước; cung ứng kịp thời nhu cầu xây dựng cơ bản, phục vụ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhu cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện kế hoạch đấu giá trong năm 2023; trường hợp chưa thực hiện đấu giá thành công thì tiếp tục thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024. Dự kiến số tiền thu được khoảng hơn 46 tỷ đồng.

6 mỏ đã có kết quả thăm dò có giá khởi điểm hơn 29 tỷ đồng.

Trong đó, huyện Tuy Phước có mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (trữ lượng 7.058.219 m3, giá khởi điểm hơn 26,7 tỷ) và đất san lấp (trữ lượng 746.588 m3, giá khởi điểm 667 triệu đồng) tại xã Phước An rộng 27 ha.

TP. Quy Nhơn có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Phước Mỹ có diện tích 6,26 ha (giá khởi điểm hơn 476 triệu đồng) và 16,79 ha (giá khởi điểm hơn 899 triệu đồng), trữ lượng lần lượt 573.757 m3 và 1.018.025 m3.

Ngoài ra, huyện Phù Cát có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Cát Hiệp có trữ lượng 146.870 m3 và xã Cát Hanh trữ lượng 113.593 m3; huyện Tây Sơn có 1 mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Bình Thuận với trữ lượng 162.291 m3.

39 điểm mỏ chưa thăm dò trữ lượng có tổng giá khởi điểm ước tính khoảng hơn 12,8 tỷ đồng. Bao gồm, huyện Tây Sơn có 13 mỏ; huyện Vân Canh 9 mỏ; huyện Phù Cát 4 mỏ; huyện Vĩnh Thạnh 3 mỏ; TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Ân, An Lão có 2 mỏ; thị xã Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Mỹ có 1 mỏ.

Một số mỏ đất san lấp chưa thăm dò trữ lượng có diện tích lớn như 2 mỏ đất tại xã Canh Hiển, huyện Vân Canh có diện tích 14,1 và 13,58 ha; mỏ đất tại thị trấn Vĩnh Thạnh rộng 9,346 ha; mỏ đất tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn rộng 9 ha…

Được biết, ngày 2/8, Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Bình Định có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đối với 45 mỏ khoáng sản này. Tổ chức đấu giá tài sản có nhu cầu cần nộp hồ sơ từ ngày 3/8/2023 đến hết ngày 10/8/2023.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư