Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xả 6 tỷ m3 nước hồ thủy điện phục vụ gieo cấy 480.000 ha vụ Đông Xuân
Thanh Hương - 17/01/2019 08:05
 
12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ chuẩn bị bước vào 3 đợt lấy nước cho vụ Đông Xuân 2018- 2019. Năm nay, ngành điện dự tính xả khoảng 6 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện để phục vụ cho khoảng 480.000 ha cấy lúa.

Lịch lấy nước vụ Đông Xuân 2018-2019 đã được thống nhất giữa các bên liên quan được chốt là 16 ngày.

Năm nay, 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ gieo cấy khoảng 602.500 ha lúa, giảm 9.340 ha so với vụ Đông Xuân 2017-2018 do các tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa sang cây trồng khác. Trong số này, diện tích phụ thuộc vào nguồn nước xả gia tăng từ các hồ chứa thủy điện là khoảng 480.000 ha.

Trong thời gian 3 đợt lấy nước mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì từ  mức +2,2m trở lên.

Theo Tổng cục Thủy lợi cho hay, tiêu chí xây dựng lịch lấy nước là bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, các đợt xả nước phải trùng với kỳ triều cường, khả thi trong việc lấy nước, tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (đợt 2 kết thúc vào 24 giờ ngày 29/12 âm lịch).

Tổng cục Thủy lợi cũng đánh giá, đợt 1 lấy nước sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương vùng ảnh hưởng triều đẩy mặn và các địa phương khác thau rửa hệ thống. Đợt 3 (8 ngày) sẽ tạo điều kiện cho các địa phương khó khăn về nguồn nước như Hà Nội, Bắc Ninh lấy đủ nước và các địa phương lấy đủ diện tích gieo trồng và tích nước vào hệ thống công trình thủy lợi. Còn đợt 2 lấy nước được đánh giá là thời gian ngắn (4 ngày) do giáp Tết Nguyên đán.

Dẫu vậy năm nay một số địa phương thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước đã đầu tư xây dựng các trạm bơm tưới có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội), xây dựng các trạm bơm cột nước thấp để bơm trữ nước trong hệ thống kênh mương (Hưng Yên).

Theo dự kiến, tổng lượng xả vẫn còn tương đối lớn khoảng 5,44 tỷ m3.

Chia sẻ về thực trạng các hồ thủy điện hiện nay, ông Nguyễn Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho hay, tình hình thủy văn vào thời điểm cuối năm 2018 không thuận lợi. Tới ngày 31/12/2018, tổng lượng nước thấp hơn mức nước dâng bình thường trong các hồ thủy điện trên toàn quốc là 5,57 tỷ m3. Đáng nói là do tình hình nhiên liệu đầu vào phục vụ cho phát điện gồm than và khí không như mong muốn nên hệ thống điện phải tăng sản lượng từ thủy điện để đảm bảo cấp điện ổn định.

Tới thời điểm này, mức nước dâng trong các hồ thủy điện thấp hơn so với cùng kỳ à 4.06 tỷ m3, tương đương với dung tích hữu ích của hồ thủy điện Hòa Bình.

Còn tại các hồ thủy điện tham gia xả nước phục vụ nông nghiệp là Hòa Bình, thác Bà, Tuyên Quang hiện có mức nước dâng thấp hơn bình thường tổng cộng là 993 triệu m3, nghĩa là nước tích trong 3 hồ không được tốt như dự kiến.

“Với kinh nghiệm nhiều năm vận hành xả nước phục vụ nông nghiệp, chúng tôi thấy để lấy nước vào ngày thông báo thì ngành điện sẽ phải xả trước 3 ngày và rút trước khi kết thúc 1 ngày. Như vậy với tổng cộng 3 đợt lấy nước trong 16 ngày thì ngành điện sẽ phải xả nước lên tới tầm 22 ngày”, ông Khu nói.

Ngoài ra dữ liệu thống kê cũng cho thấy, nếu hồ Hòa Bình xả nước ở mức độ 3.000 – 3.100 m3/giây thì mức nước ở Hà Nội vẫn chưa đạt được 2,2 mét, đủ cao trình để phục vụ các trạm bơm lấy nước vì vậy có thể sẽ phải nâng mức xả lên 3.400 m3/giây. Như vậy Tổng lượng xả năm nay có thể lên tới 6 tỷ m3.

Lịch lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân

Đợt 1: từ 0h ngày 21/1 đến 24h ngày 24/1/2019, 4 ngày
Đợt 2: từ 0h ngày 31/1 đến 24h ngày 03/2/2019, 4 ngày
Đợt 3: từ 0h ngày 15/2 đến 24h ngày 22/2/2019, 8 ngày

Cũng thừa nhận thực tế càng ngày càng phải xả nhiều nước từ các hồ thủy điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho hay, qua thực tế khoảng 10 năm xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân, Tổng cục cũng đã tích cực vận động và phối hợp với các địa phương để hướng dẫn bà con các vùng khó khăn về nước chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác với tổng diện tích đã là gần 20.000 ha.

Dẫu vậy ông Tỉnh cũng thừa nhận, càng ngày các hồ thủy điện càng phải xả nhiều nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân. Cụ thể trước đây chỉ xả tầm 3-3,5 tỷ m3 nước nhưng trong 3-4 năm trở lại đây lượng nước cần xả đã tăng lên tầm 5-5,5 tỷ m3. Điều này còn có nguyên nhân là do đáy một số dòng sông đã bị hạ thấp, lượng bùn cát thiếu hụt do khai thác cát.

“Theo tính toán của chúng tôi, 1 ngày cần xả khoảng 280 triệu m3 nước, với mỗi mét khối nước mất 330 đồng, thì 1 ngày xả theo đúng kế hoạch sẽ tiết kiệm được khoảng 100 tỷ đồng. Lượng nước tiết kiệm được thì sẽ dồn lại cho phát điện những lúc nắng nóng cao điểm chứ nếu phải đổ dầu vào chạy bù lượng thủy điện đã phát trước đó do phải xả nước phục vụ nông nghiệp thì chi phí còn gia tăng lớn nữa. Bởi vậy rất cần bà con và các địa phương sẵn sàng để lấy nước đúng lịch và lấy tối đa lượng nước có thể trong thời gian các hồ thủy điện xả nước để không phải xả nhiều, có lợi cho nền kinh tế nói chung”, ông Tỉnh nói.

Thống kê số liệu xả nước qua các năm:
Năm 2006: 2,142 tỷ m3
Năm 2007: 3,613 tỷ m3
Năm 2008: 3,680 tỷ m3
Năm 2009: 3,424 tỷ m3
Năm 2010: 3,276 tỷ m3
Năm 2011: 2,925 tỷ m3
Năm 2012: 3,964 tỷ m3
Năm 2013: 4,699 tỷ m3
Năm 2014: 5,770 tỷ m3
Năm 2015: 5,060 tỷ m3
Năm 2016: 3,030 tỷ m3
Năm 2017: 4,670 tỷ m3
Năm 2018: 5,740 tỷ m3
Năm 2019: 6,000 tỷ m3 (dự kiến)
Bắt đầu xả nước 3 hồ Thủy điện phía Bắc phục vụ cấy lúa
Hôm nay, 11/1, đợt xả nước đầu tiên của các hồ thủy điện ở miền Bắc gồm Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình đã bắt đầu để phục vụ lấy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư