Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xác định rõ nội hàm đổi mới mô hình tăng trưởng
Bá Thư - 17/10/2016 07:36
 
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII kết thúc cuối tuần qua đã bàn thảo và thông qua những nội dung quan trọng, bức thiết, trong đó có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng.

Có lẽ, một trong những điểm đáng chú ý và rất được xã hội kỳ vọng chính là Trung ương đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, đồng thời làm rõ nội hàm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cũng như nêu bật các giải pháp thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Đi vào chi tiết, Hội nghị đã xem xét Đề án “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, xác định mô hình tăng trưởng cần đổi mới, xây dựng gồm các điểm chính.

Thứ nhất, đây là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường.

Thứ ba là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tài năng, trí sáng tạo của con người và mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

Thứ tư là tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng.

Thứ năm là, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái.

Hiện thực hóa các nội hàm đó, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cũng được xác định.

Trước hết là đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm tăng cường đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo hướng hiện đại; Phát triển đồng bộ, lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc ưu tiên bố trí nguồn lực để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn Đề án Cơ cấu lại nông nghiệp; khẩn trương bổ sung xây dựng, thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và Đề án Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc ưu tiên bố trí nguồn lực để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn Đề án Cơ cấu lại nông nghiệp
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc ưu tiên bố trí nguồn lực để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn Đề án Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (ảnh minh họa - vov5)

Việc xác định rõ nội hàm của đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như các giải pháp thực hiện được dư luận xã hội đặt nhiều kỳ vọng là bởi, đã có nhiều kỳ họp, nhiều cuộc hội thảo ở các cấp, các ngành được tổ chức, nhưng câu hỏi về đổi mới mô hình tăng trưởng còn đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề khá mới trong khi câu trả lời lại chưa thực sự thỏa đáng. Ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải một lần nữa đặt câu hỏi rằng, phải chăng chúng ta chưa nhận thức đúng và thống nhất về mô hình tăng trưởng mới, với đầy đủ những yếu tố cấu thành động lực, nguồn lực, phương thức tạo ra sự tăng trưởng; thậm chí còn nhìn nhận giản đơn, đồng nhất mô hình tăng trưởng với mô hình phát triển.

Chính vì thế, việc Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung xác định rõ nội hàm đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như các giải pháp thực hiện có thể xem là bước tiến quan trọng, tháo những “nút chặn” đang làm nghẽn nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Như vậy, một khi đã xác định rõ nội hàm cũng như các giải pháp thực hiện, thì cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, việc đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ kết hợp thành lực véc – tơ đủ mạnh, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn, vượt qua khó khăn, thách thức, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.

WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,0% trong năm 2016
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 chỉ khoảng 6,0%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo vào tháng 6/2016.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư