Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Xây dựng khu công nghiệp xanh tại Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung: Xu hướng tất yếu
Hoàn Nhân - 31/07/2024 17:12
 
Các khu kinh tế, khu công nghiệp ở miền Trung đều đang thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đây là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhà đầu tư khu công nghiệp.
Phát triển khu công nghiệp xanh là xu hướng chung để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tam Thăng (tỉnh Quảng Nam)
Phát triển khu công nghiệp xanh là xu hướng chung để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tam Thăng (tỉnh Quảng Nam)

Hướng đến công nghiệp xanh

Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương; chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường tại các KKT, KCN đang hoạt động.

Trong đó, phát triển các KKT ven biển theo hướng hình thành chức năng nòng cốt, chủ đạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển của vùng. Khuyến khích các ngành kinh tế biển có giá trị gia tăng cao như du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo; các lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Miền Trung còn nhiều dư địa để phát triển khu công nghiệp

- Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Becamex Bình Định

 Các KCN ở phía Bắc và phía Nam còn rất ít quỹ đất, thậm chí có nơi không còn quỹ đất, giá thuê đất rất cao so với miền Trung. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố ở miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng còn nhiều dư địa để phát triển KCN, thu hút nhà đầu tư, với quỹ đất lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết nối với khu vực trong nước và quốc tế, chi phí xây dựng, nhân công rẻ hơn so với các khu vực khác… KCN, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định ưu tiên thu hút doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất thực sự, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh Bình Định khuyến khích.

Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 KKT ven biển hiện có, ưu tiên tập trung cho các KKT có vai trò quan trọng, có tính động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng định hướng phát triển, hình thành KKT ven biển tại các địa bàn có tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận khi đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn về cảng biển và dịch vụ cảng biển, năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các KCN, khu đô thị, thương mại, dịch vụ hiện đại,

Bên cạnh đó, việc phát triển các khu công nghệ cao cũng được Chính phủ quan tâm, với mục tiêu tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo nhiều cơ hội việc làm.

Theo đó, Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được mở rộng khi đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu công nghệ cao có vai trò dẫn dắt phát triển khoa học và công nghệ, có tính động lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Qua đó, góp phần xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành đô thị khoa học - công nghệ - sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất, hình thành một số khu công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và một số địa bàn có tiềm năng khác khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định…

Theo quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ đưa các khu chức năng của Khu công nghệ cao vào hoạt động trước năm 2025. Đồng thời, kết nối Khu công nghệ cao với các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh. Đà Nẵng cũng xác định chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng các tiêu chí của mô hình KCN sinh thái.

Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định ưu tiên thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định ưu tiên thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước, được quy hoạch, xây dựng theo hướng khu đô thị sinh thái, có sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu - phát triển, ươm tạo, đào tạo với sản xuất và môi trường văn hóa - xã hội.

Thời gian tới, Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có chọn lọc, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Trong quá trình mời gọi đầu tư, TP. Đà Nẵng luôn cân nhắc các yếu tố về nhân lực, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, quỹ đất phù hợp với từng lĩnh vực, hạ tầng phục vụ sinh hoạt cho người lao động và đội ngũ chuyên gia.

Ưu tiên thu hút các Dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn

- Ông Lê Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (Quảng Nam)

Phát triển các KCN xanh, thân thiện với môi trường là xu hướng chung để phát triển bền vững. Việc xây dựng các KCN theo hướng tăng trưởng xanh và thân thiện môi trường là một bước quan trọng. Theo đó, cần thu hút những dự án có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường và sử dụng công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, cần thực hiện thu hút đầu tư theo định hướng của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như vận dụng linh hoạt các quy định, cơ chế, chính sách; ưu tiên thu hút các dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với tỉnh Nghệ An, theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh bảo đảm có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong Khu kinh tế Đông Nam và các KCN để đón nhận làn sóng đầu tư.

“Nghệ An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư thứ cấp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao; kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN để kết nối, thu hút nhà đầu tư thứ cấp, hướng tới các tên tuổi đến từ các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…”, ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chia sẻ.

Tương tự Nghệ An, tỉnh Bình Định cũng định hướng ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ xanh, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao vào KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh; tập trung thu hút nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản...

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cho hay, nhà đầu tư đến với Bình Định được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam và cơ chế hỗ trợ ổn định, lâu dài của tỉnh. Bình Định luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển dự án.

Trung Nam nghiên cứu phát triển tổ hợp năng lượng và khu công nghiệp xanh tại Ninh Thuận
Trung Nam group đã nghiên cứu Tổ hợp Dự án Năng lượng xanh tại Ninh Thuận với quy mô công suất Hydro xanh dự kiến là 824.400 tấn/năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư