Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình: Ý Đảng hòa quyện lòng dân
Quý Hưng - 04/09/2020 13:29
 
Ý Đảng hòa quyện lòng dân tạo lên sức mạnh tổng hợp để Thái Bình phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, gặt hái những mùa màng thắng lợi trên mặt trận xây dựng nông thôn mới.
.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện nông thôn mới Tiền Hải.

Những thành quả đầy ấn tượng

10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thái Bình bứt phá, thay đổi từng ngày, tạo nên một nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới, những làng quê như phố phồn vinh.

Giai đoạn 2010 - 2020, Thái Bình đã huy động nguồn lực đầu tư trên 22.000 tỷ đồng, một nguồn lực to lớn kết tinh sức mạnh từ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện, thành phố, các xã, các doanh nghiệp, tổ chức, các dự án, nguồn vốn tín dụng, của con em xa quê cùng nguồn lực huy động toàn dân. Nguồn lực ấy đã tạo nên một thành quả đầy ấn tượng, một mốc son lớn trong lịch sử ngàn năm của nông thôn Thái Bình.

Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 47,29 triệu đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,12% xuống còn 2,66% năm 2019. Gần 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã, phường, thị trấn được cấp nước sạch.

Các cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hỗ trợ. Quốc phòng được giữ vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, cuộc sống của người dân nông thôn thực sự sang trang mới, “đổi đời”.

Năm 2019, 100% xã, huyện trong toàn tỉnh đã cán đích nông thôn mới, Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới là thành quả to lớn kết tinh sức mạnh của ý Đảng, lòng dân.

Xã nông thôn mới Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đang vững vàng lên nông thôn mới nâng cao
Xã nông thôn mới Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đang vững vàng lên nông thôn mới nâng cao

Sức mạnh của “Ý Đảng, lòng dân”

Quán triệt sâu sắc lời Bác dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, giải pháp cơ bản và then chốt đầu tiên mà Thái Bình thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để toàn dân hiểu công cuộc xây dựng nông thôn mới do Đảng khởi xướng, nhằm tạo ra sức sản xuất mới, nâng cao mức hưởng thụ cho chính họ và các thế hệ mai sau.

Từ đó, mỗi người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ cùng Nhà nước và cộng đồng chung tay kiến tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần, làm thay đổi gương mặt làng quê và chất lượng cuộc sống của chính mình. Người dân đã thực thụ trở thành chủ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới, thể hiện bằng sự đồng thuận, đồng hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng - một cuộc cách mạng lớn về đất đai, bằng việc hiến hàng vạn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông công cộng. Đó cũng là thể hiện vai trò làm chủ, tình yêu quê hương đất nước của người dân Thái Bình. Sau các cuộc kháng chiến cứu nước, chưa có thời kỳ nào mà người dân tự ý thức được vai trò làm chủ như công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò đầu tàu gương mẫu của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Không thể kể hết được các điển hình, mô hình, các địa phương đã chủ động, sáng tạo có những bước đi đột phá trở thành những điển hình tiên tiến trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhiều cách nghĩ, cách làm hay ở cơ sở kịp thời được tổng kết, nhân rộng, giúp tỉnh, Trung ương đề ra những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, sát thực tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp  xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là động lực to lớn thúc đẩy. Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước hỗ trợ đầu tư bằng vật tư trực tiếp cho các hạng mục công trình xây dựng ở cơ sở. Từ năm 2013, tỉnh đã hỗ trợ gần 1,3 triệu tấn xi măng. Giải pháp đó vừa có ý nghĩa chủ động trong quản lý, giám sát nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ thực hiện, vừa thể hiện minh bạch, công khai, ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trái mục đích.

Bên cạnh việc chung tay của cả hệ thống chính trị, còn là sự chung tay quý giá của các doanh nghiệp, doanh nhân, con em Thái Bình xa quê đã tự nguyện đầu tư các công trình phúc lợi, đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của quê hương, góp phần vào thành quả cán đích nông thôn mới. Quê hương Thái Bình ghi nhận những tấm lòng đầy trách nhiệm luôn hướng về quê hương, chung tay xây dựng Thái Bình giàu đẹp.

Đi lên nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Thái Bình đã cán đích nông thôn mới, về đích trước một năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX. Để duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới, ngày 21/12/2018, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Và ngày 18/3/2019, ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang kiểu mẫu.

Từ các nghị quyết trên, Thái Bình đã đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 15% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 5% số xã trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2030, có 30% trở lên số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, có 10% trở lên số xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 1 năm, có nhiều xã đã đăng ký phấn đấu đạt các tiêu chí nêu trên.

Để sớm trở thành hiện thực, thời gian tới, Thái Bình tập trung vào một số giải pháp cơ bản. Đó là tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục hoàn thiện giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn, triển khai tích cực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

Quản lý chặt chẽ thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn và đào tạo nghề cho nông dân.

Chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đang nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, kế thừa phát huy những thành tựu đã đạt được, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đưa tỉnh trở thành một tỉnh hiện đại, văn minh, giàu đẹp.

Điểm sáng về cung cấp nước sạch cho toàn dân

UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động kịp thời ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND và Quyết định số 19/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn. 31 doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và khép kín hệ thống cấp nước sạch cho 100% xã trong toàn tỉnh, với tổng đầu tư gần 3.000 tỷ đồng từ 3 nguồn doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân, trong đó nguồn vốn của các doanh nghiệp là chủ đạo. Từ đó đã giải quyết mấu chốt một trong những tiêu chí quan trọng về môi trường, đưa Thái Bình thành tỉnh dẫn đầu, điểm sáng về cung cấp nước sạch cho toàn dân.
Tìm dư địa cho Thái Bình phát triển
Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc với Ban...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư