Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình
Bảo Ngọc - 18/03/2019 08:33
 
Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, ông Patrick Chung, doanh nhân người Hồng Kông, xem miền Tây Nam bộ như quê hương thứ hai của mình. Ông thích nhất sự lạc quan “làm hết sức, chơi hết mình” của người dân địa phương.
TIN LIÊN QUAN
Ông Patrick Chung (giữa) và đội ngũ Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang
Ông Patrick Chung (giữa) và đội ngũ Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang

Sự phát triển ổn định về kinh tế - xã hội giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2018, Tạp chí Forbes bình chọn Việt Nam là điểm đến thu hút đầu tư hàng đầu châu Á với lượng FDI kỷ lục 17,5 tỷ USD. Tính trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng Indonesia và Singapore thu hút đến 72% tổng lượng vốn đầu tư vào khu vực này.

Dòng vốn đầu tư mạnh, kéo theo làn sóng chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trong đó có ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam, hiện sống, làm việc tại Châu Thành (Hậu Giang) và xem nơi này như quê hương thứ hai của mình.

Ông Patrick Chung đã có buổi trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư xoay quanh suy nghĩ của một chuyên gia nước ngoài về môi trường làm việc tại Việt Nam và cuộc sống của một người ngoại quốc tại đây.

Cảm ơn ông đã tham gia buổi chia sẻ ngày hôm nay. Trước hết xin hỏi, vì sao ông đến Việt Nam làm việc?

Tôi đầu quân cho Tập đoàn Lee & Man - một trong những doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì lớn nhất châu Á, từ hơn 10 năm nay. Môi trường làm việc chú trọng phát triển kỹ năng cá nhân và bồi dưỡng nhân tài giúp tôi có nhiều cơ hội phát huy năng lực và trải nghiệm nhiều cơ hội mới.

Khi biết đến dự án thành lập nhà máy giấy tại Việt Nam, tôi rất thích ý tưởng này. Nó cho phép tôi dấn thân trên con đường hoàn toàn mới, chung tay xây nên một cơ ngơi rộng mở ngay từ những ngày đầu khi dự án còn trên giấy. Đó là lý do tôi đến Việt Nam vào tháng 1/2014.

Ông Patrick Chung thường xuyên gặp mặt anh em kỹ sư, công nhân để tìm hiểu quy trình làm việc từ góc độ những người trực tiếp thao tác.
Ông Patrick Chung thường xuyên gặp mặt anh em kỹ sư, công nhân để tìm hiểu quy trình làm việc từ góc độ những người trực tiếp thao tác.

Ấn tượng ban đầu của ông về Việt Nam là gì?

Châu Thành (Hậu Giang) giống hệt nơi tôi sinh ra và lớn lên tại Hồng Kông, từ môi trường, khí hậu cho đến không gian và phong cách sống của người dân nơi đây. Những căn nhà nhỏ với các đại gia đình chung sống gợi tôi nhớ đến thời thơ ấu của mình cách đây 40 năm. Lúc ấy, chúng tôi tuy không có điều kiện vật chất dư dả, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường và một thái độ làm việc tích cực, bền bỉ. Đó là ấn tượng của tôi về Việt Nam, cụ thể là huyện Châu Thành, Hậu Giang.

Ông có gặp trở ngại gì khi hòa nhập vào lối sống của người dân nơi đây không?

Trở ngại lớn nhất của tôi là ngôn ngữ. Nhưng chuyện đó không thành vấn đề, bởi chúng ta có rất nhiều cách để giao tiếp và thấu hiểu nhau. Dù hạn chế về tiếng Việt, nhưng tôi có thể hiểu cách các bạn làm việc và tận hưởng cuộc sống. Điều đó phần nào cũng chính là cá tính của tôi “làm hết sức, chơi hết mình”. Ngày trước tôi đã từng làm việc như một cái máy, dần dà tôi hiểu ra đó không phải cách để phát huy tính sáng tạo và năng suất làm việc.

Người Việt làm việc rất siêng năng và ham học hỏi, khi hết giờ làm việc, họ trở về với gia đình và tận hưởng thời gian quây quần cùng cha mẹ, vợ chồng, con cái. Tôi thích cách sống đó. Nhiều lúc tôi còn nhắc nhở nhân viên về nhà sớm chứ đừng để gia đình chờ cơm.

Nhưng điều đó có ảnh hưởng gì đến năng suất làm việc, hay rộng hơn là văn hóa doanh nghiệp của công ty không, thưa ông?

Chúng tôi xem công ty như một đại gia đình với hơn 1.000 người anh em. Văn hóa làm việc của chúng tôi cũng dựa trên phương châm “làm hết sức, chơi hết mình” như tôi đã nói. Điều đó không có nghĩa chúng ta phải làm việc như một cái máy, làm theo mệnh lệnh và quần quật cả ngày. Chúng tôi đề cao tinh thần trách nhiệm, ý chí cầu tiến, ham học hỏi và làm việc hiệu quả một cách thông minh.

Bởi chúng tôi xem nhau như gia đình, nên giữa cấp trên và cấp dưới cũng có một sự gắn kết nhất định dựa trên tinh thần chung vì sự nghiệp phát triển của công ty và cá nhân mỗi người. Trong đó cấp trên chính là những người đào tạo, hướng dẫn, còn cấp dưới là các bạn thanh niên ôm hoài bão lớn và ý chí muốn chinh phục những thành tựu lớn lao. Chúng tôi trân trọng ý chí đó.

Một ngày làm việc của ông diễn ra như thế nào?

Giữ vai trò lãnh đạo cao nhất, tôi cần quán xuyến tất cả hoạt động của công ty. Tôi thường đi một vòng để quan sát hoạt động của các bộ phận, nhất là nhà máy và khu xử lý chất thải. Tôi cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt anh em kỹ sư, công nhân để tìm hiểu quy trình làm việc từ góc độ những người trực tiếp thao tác. Điều đó vừa giúp tôi và nhân viên hiểu hơn về nhau, vừa giúp cho công việc suôn sẻ hơn và cũng cải thiện rào cản ngôn ngữ giữa đôi bên. Cuối giờ, tôi thu xếp công việc để trở về với gia đình. Tôi hiện sống cùng bà xã trong chung cư đối diện công ty, sẵn sàng có mặt tại nhiệm sở bất cứ lúc nào.

Vậy ngoài giờ làm việc thì sao. Ông tận hưởng cuộc sống tại Việt Nam thế nào?

Tôi yêu sự yên bình nơi đây, đến nỗi tôi và bà xã đã dự tính sẽ nghỉ hưu tại đây sau khi mãn nhiệm. Ban đầu những người hàng xóm, nhất là trẻ con, ít tiếp xúc với tôi, có lẽ do tôi không biết nói tiếng Việt. Tôi cố gắng học từ những câu chào hỏi cơ bản và dần dần cải thiện vốn liếng ngôn ngữ của mình.

E dè là vậy, nhưng trong những buổi tiệc chung của cộng đồng, chẳng hạn lễ, Tết, tôi đều được mời đến. Sự hiếu khách ấy khiến tôi cảm động. Tôi đến từng bàn mời rượu và trao đổi nhiều hơn với hàng xóm láng giềng và dần dà chúng tôi hiểu nhau hơn.

Điều này cũng diễn ra tại công ty khi chúng tôi thường xuyên tổ chức tiệc sinh nhật hoặc báo hỉ cho anh em công nhân viên. Chúng tôi tận hưởng bữa tiệc cùng nhau. Và đặc biệt, tôi luôn để dành sẵn bao lì xì trong tủ kéo, để khi cần đều có thể lấy ra để mừng tuổi cho các em nhỏ. Chính những sự kiện, hoạt động và chi tiết nhỏ này giúp người và người đến gần nhau hơn. Thậm chí đến bây giờ, các cháu nhỏ gặp tôi đều không còn sợ hãi mà rất vui mừng gọi “chú” như rất thân quen. Đó chính là lý do tôi xem đây như quê hương thứ hai của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư