Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xem xét đầu tư tuyến đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Gianh Lam - 31/08/2020 18:56
 
Tuyến đường ven biển bọc cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kỳ vọng mở ra một không gian phát triển mới, là động lực phát triển kinh tế ven biển.
TIN LIÊN QUAN
Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, kết nối các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM.
Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, kết nối các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM.

Ngày 31/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong giai đoạn tới phải hoàn thành tuyến đường cao tốc từ Bắc đến Nam (không chỉ đến Cần Thơ mà phải đến Cà Mau). “Quyết tâm làm bằng được, cả nước này không thể có chuyện đường cao tốc 1.900 cây số mà để đến 45 năm nay không làm được, không thể chần chừ chậm trễ nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng dành những nguồn lực thích đáng để hoàn thành”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài cao tốc là trục chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tập trung bàn với các tỉnh để làm sao hoàn thành được tuyến đường ven biển bọc cả vùng ĐBSCL.

Đây vừa tuyến đường liên vùng, vừa mở ra một không gian phát triển mới, vừa là động lực cho các tỉnh phát triển kinh tế ven biển, vừa để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, chống hạn mặn, chống xói lở, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, biến đổi khí hậu và phục vụ quốc phòng an ninh.

Vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương nghiên cứu thật kỹ văn bản trong đó có rất nhiều vấn đề. Trong đó, quan điển tiếp cận với đường ven biển này không chỉ là đường giao thông đơn thuần mà còn theo hướng tạo một hành lang kinh tế, tạo một trục động lực phát triển cho ĐBSCL. 

“Do vậy phải quy hoạch lại hai bên đường như thế nào, chỗ nào làm khu dân cư, chỗ nào khu công nghiệp, chỗ nào nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp…giải phóng mặt bằng, giữ đất để đấu giá, tạo nguồn lực bổ sung cho đầu tư tuyến đường này, sau đó còn dư địa để đầu tư những cái khác từ nguồn chúng ta tạo ra, chứ nếu chỉ chờ từ ngân sách trung ương để đầu tư đường giao thông mà không nghĩ xa hơn thì sẽ mất đi những cơ hội…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016- 2020, tăng trưởng bình quân vùng ĐBSCL đạt 6,9%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 59,21 triệu đồng/người, gấp 1,62 lần so với năm 2015 nhưng chỉ bằng khoảng 84% mức bình quân đầu người cả nước. 

Về đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm 2020 của các địa phương trong vùng ĐBSCL ước đạt 45,4% so với số vốn Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (49,1%) và chỉ cao hơn vùng Đông Nam Bộ. 

Tổng vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 210.860 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng số vốn đã giao của khối địa phương. 

Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu nguồn vốn ngân sách nhà nước của vùng ĐBSCL là 415.117 tỷ đồng, trong đó nguồn cân đối ngân sách địa phương 213.956 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương 201.161 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư