Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 09 năm 2024,
Xem xét quy hoạch "động" và "mở" nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng
T.T - 05/09/2024 20:46
 
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 406/TB-VPCP ngày 5/9/2024 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo: Mặc dù là quy hoạch chi tiết nhưng không quy hoạch
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo: Mặc dù là quy hoạch chi tiết nhưng không quy hoạch "bó cứng", cần phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn làm tiền đề, cơ sở cụ thể hóa trong Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển

Thông báo nêu rõ, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo Luật Quy hoạch, cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Để bảo đảm chất lượng và có đầy đủ cơ sở xem xét phê duyệt, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ rà soát kỹ quy trình, thủ tục, thẩm quyền (quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển) bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch, hàng hải, giao thông và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan lập quy hoạch và các đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin, số liệu Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển; chịu trách nhiệm về kết quả dự báo và tính thống nhất giữa Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển với các quy hoạch có liên quan (Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh…), tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cấp thấp phải tuân thủ quy hoạch cấp cao hơn.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu nội dung Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phải bảo đảm nguyên tắc và quan điểm quy hoạch đồng bộ, thống nhất dựa trên các tiêu chí khoa học, xem xét quy hoạch "động" và "mở" hợp lý, lường trước phương án xử lý các vấn đề quy hoạch khi xuất hiện các yếu tố mới. Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan lập quy hoạch thường xuyên theo dõi, đánh giá, khi xuất hiện các điều kiện thay đổi bất ngờ, không dự báo được, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Các bến cảng, khu bến cảng mới được bổ sung phải được xem xét, đánh giá trên quan điểm mục tiêu, tầm nhìn, hiệu quả tổng thể để "cùng thắng"; đánh giá mối quan hệ, tác động các bến cảng mới có làm thay đổi, ảnh hưởng các dự án lớn, chiến lược. Trong đó, nhóm cảng số 4 liên quan đến các bến cảng Cái Mép hạ, bến cảng Cái Mép thượng thuộc khu Cái Mép - Thị Vải và bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được nghiên cứu, đánh giá xem xét, tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề liên quan.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, mặc dù là quy hoạch chi tiết nhưng không quy hoạch "bó cứng", cần phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn làm tiền đề, cơ sở cụ thể hóa trong Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển; tư duy quy hoạch phải tạo được các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (bến cảng) tốt để kêu gọi các nhà đầu tư (hãng tàu, doanh nghiệp) có tiềm lực.

Cần nghiên cứu một số cơ chế, chính sách trong việc phát triển hạ tầng cảng, tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả, trong đó nghiên cứu xem xét nhà nước đầu tư một số bến cảng chính, quan trọng cần thiết phải nắm giữ, quản lý; phân định rõ trách nhiệm của nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư trong đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng phục vụ khai thác cảng biển.

Tắc nghẽn một số cảng biển lớn trong khu vực: Cơ hội nào cho Việt Nam
Chưa bao giờ, dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển trên toàn thế giới lại trở nên đặc biệt mẫn cảm như hai năm trở lại đây, với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư