Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Xét xử vụ án tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội
Hữu Tuấn - 19/12/2015 10:08
 
Ngày 21/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội.

Đây là một trong 8 vụ trọng án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng đối với Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội và 17 đồng phạm về các tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong 18 bị cáo đứng trước vành móng ngựa lần này só 13 bị cáo nguyên là các cán bộ Ngân hàng Agribank, 4 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan và một giám đốc doanh nghiệp.

Trong nhóm bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng Agribank còn Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc; Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng giám đốc; Đỗ Quang Vinh, nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp Agribank; Chử Thị Kim Hiền, Phó giám đốc Chi nhánh; Trương Thị Út, Phó trưởng phòng Tín dụng; Đỗ Tiến Long, cán bộ phòng Tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội… Cơ quan tố tụng xác định, Phạm Thị Bích Lương đóng vai trò chính trong vụ án này.

Li
Dự án Luxfashion của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.

 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công ty cổ phần Enzo Việt thành lập tháng 7/2007, đăng ký đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - may công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình với số vốn gần 530 tỷ đồng.

Qua 4 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và cổ đông góp vốn, đầu năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, dự án đổi tên thành Luxfashion.

Năm 2010, khi biết Công ty cổ phần Enzo Việt có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án nhưng hết hạn mức cho vay, nên bị can Lương đã chỉ đạo cấp dưới bàn bạc với Lê Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietmade và cổ đông Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam sử dụng 2 pháp nhân để vay vốn. Mặc dù cả 2 công ty này đều không đủ điều kiện vay vốn, song Lương và Hiền đã giúp làm khống hồ sơ pháp lý để được giải ngân hơn 402 tỷ đồng.

Trong “phi vụ” này, Hiếu đã “lại quả” 3 tỷ đồng cho lãnh đạo Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và Chử Thị Kim Hiền là người trực tiếp nhận tiền. Quá trình điều tra, bị can Hiền khai được hưởng 800 triệu đồng còn lại chia cho bị can Lương 1,2 tỷ đồng...

Ngoài ra, Lương và Hiền còn khai nhận: trong quá trình giải ngân cho vay đối với Công ty Enzo Việt Nam, hai bị can này còn nhận gần 900.000 USD từ đối tác nước ngoài để “chi phí”. Sau đó số tiền được chia cho nhiều người từ cấp thành viên HĐQT cho đến cán bộ, từ 5.000 USD - 100.000 USD.

Bị cáo Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank đã ký cho Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD trái với nghị quyết của HĐQT. Trong quá trình giải quyết cho vay, bị can Phạm Thanh Tân đã nhiều lần nhận tiền từ Phạm Thị Bích Lương tổng cộng 310.000 USD, ông Tân cũng thừa nhận việc này.

Thông qua việc xin chuyển đổi pháp nhân và Dự án Dệt - Nhuộm - May của công ty Enzo Việt thành dự án Luxfashion của công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (2 Công ty này là một), nhóm người nước ngoài do Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam cầm đầu đã tạo lập hồ sơ vay vốn để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang không có thật nhằm vay vốn tại Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội.

Không những khai khống số lượng vải vóc, thiết bị nhập khẩu trong dự án để chiếm đoạt tiền vay vốn ngân hàng, Yang Yong và đồng phạm còn lừa đảo chiếm đoạt tiền vay của một số đối tác hơn 2.523 tỷ đồng.

Ngoài ra các đối tượng còn gây ra khoản thiệt hại hơn 231 tỷ đồng trong quá trình thực hiện dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty Enzo Việt (tiền thân của công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam). Sau khi gây án, Yang Yong và các đối tượng người nước ngoài đã bỏ trốn. Tổng cộng, dưới sự trợ giúp của các cán bộ ngân hàng, Yang Yong đã lừa đảo, chiếm đoạt 2.755 tỷ đồng.

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ 21/12 đến 31/12. Theo đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa phiên tòa.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Agribank
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank
Trao đổi với phóng viên Cơ quan Báo Đầu tư sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao công bố cáo trạng, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank, cho biết:

Sự việc được Agribank phát hiện ngay sau khi Thống đốc NHNN có quyết định điều chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc đi nhận nhiệm vụ khác. Với sự chỉ đạo của NHNN, Agribank đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra quyết liệt, tích cực xử lý hậu quả, truy tìm tài sản để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác tổ chức niêm phong, quản lý, bảo vệ nhà máy và các máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và một số tài sản khác.

Bằng tài chính của mình, Agribank đã chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Đến 31/12/2014, đã thu hồi và xử lý rủi ro được 2.947 tỷ đồng (trong đó thu hồi 5,39 tỷ đồng), dư nợ nội bảng còn 235 tỷ đồng. Có thể nói, về góc độ tài chính toàn ngành thì hậu quả đã cơ bản khắc phục.

Dư nợ nội bảng còn 235 tỷ đồng, nhưng tài sản bảo đảm là máy móc, thiết bị và vật tư hàng hóa Agribank đang quản lý được cơ quan thẩm định giá do Cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu, xác định trị giá 624 tỷ đồng. Kết thúc việc xét xử, Agribank sẽ tập trung phát mại để thu hồi nợ.

Về xử lý trách nhiệm cá nhân, trước khi khởi tố vụ án, Agribank đã kiểm điểm và xử lý các cán bộ có liên quan đến vụ việc. Toàn bộ cán bộ có liên quan đều bị kỷ luật như cách chức, miễn nhiệm chức vụ. Ngoài những cá nhân bị khởi tố, truy tố trong cáo trạng, toàn bộ 100% thành viên Hội đồng thành viên thời điểm đó đã bị Thống đốc NHNN thay thế.

Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam là công ty có vốn nước ngoài do các cá nhân nước ngoài sở hữu. Việc quan hệ với công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các giao dịch thương mại quốc tế là tất yếu trong quá trình hội nhập.

Đương nhiên, bọn tội phạm lợi dụng những sở hở, thiếu sót, yếu kém trong quá trình hội nhập để hoạt động đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Đây không chỉ là bài học cho Agribank mà cho tất cả các nhà quản lý và các ngân hàng khác. Nếu công tác cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài được kỹ lưỡng hơn thì cá nhân người nước ngoài không thể thực hiện được hành vi lừa đảo.

Vụ án sắp kết thúc nhưng kẻ chủ mưu, chiếm đoạt tài sản là cá nhân người nước ngoài vẫn ngoài vòng pháp luật. Agribank mong muốn cơ quan điều tra bằng nghiệp vụ riêng có và quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ của mình sớm truy bắt được những bị can là người nước ngoài, truy tìm và thu hồi tài sản đã chiếm đoạt, giảm tổn thất cho Nhà nước.

Vụ việc kéo dài, máy móc, hàng hóa để lâu hư hỏng, không thanh lý được, thiệt hại tăng lên. Từ vụ án này chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan tố tụng sớm có quyết định xử lý tang, tài vật khi pháp lý đã rõ ràng để hạn chế thiệt hại không mong muốn cho các ngân hàng không may mắn như Agribank.

Hậu "chống bão", Agribank đứng đâu trong hệ thống ngân hàng?
Đang dồn sức xử lý các hậu quả từ thời kỳ tăng trưởng nóng, song Agribank vẫn là ngân hàng lớn nhất hệ thống về tổng tài sản và là “át...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư