Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xóa nỗi ám ảnh thanh tra, kiểm tra
Khánh An - 20/05/2017 07:36
 
Cộng đồng doanh nghiệp hào hứng với Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra - là điều dễ hiểu. Mỗi năm vài lần đón thanh tra, kiểm tra, mỗi đợt kéo dài cả tuần, doanh nghiệp sẽ hết cả thời gian và sức lực làm ăn.

Nhưng, việc Thủ tướng Chính phủ chọn điểm thắt này để gỡ ngay trong tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 chứng tỏ Chính phủ “đã thấu hiểu”, “đã nhận diện được” và “đã gãi đúng” - như lời các doanh nghiệp chia sẻ.

Một năm trước, cũng ngay sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, yêu cầu tương tự đã được ghi vào Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhưng chốt lại, năm 2016, tần suất kiểm tra trung bình là 2 lần/doanh nghiệp.

.
.

Doanh nghiệp luôn e ngại trước mọi yêu cầu thanh tra, kiểm tra, bởi dù với lý do nào, hoạt động bình thường của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn thế, với đa phần doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa chuẩn mực, thiếu chuyên nghiệp, thì những sai sót trong hoạt động là khó tránh khỏi.

Tình trạng đội quản lý thị trường vừa ra thì đội thanh tra, kiểm tra của y tế, đo lường lại đến luôn là nỗi lo ngại lớn của rất nhiều doanh nghiệp. Rồi những đợt kiểm tra sau 23 giờ với các cơ sở lưu trú du lịch hay kế hoạch thanh tra, kiểm tra một đằng, yêu cầu báo cáo hồ sơ một kiểu…

Trong rất nhiều văn bản đánh giá về hoạt động này, các cơ quan quản lý nhà nước đã từng lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý… Cũng có nguyên nhân từ sự phân công giữa các bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng.

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nỗi ám ảnh lớn nhất của các doanh nghiệp khi đối mặt với các đoàn thành tra, kiểm tra là tư duy “doanh nghiệp kiểu gì cũng có cái sai” của những công chức thực thi.

Cách tư duy này đang chi phối không chỉ các hoạt động thanh tra, kiểm tra, mà phần lớn các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Các công chức thường đặt vấn đề quản lý thế nào khi doanh nghiệp vi phạm, ít khi thấy câu hỏi cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp làm đúng. 

Đã có chuyên gia kinh tế cho rằng, với điểm cốt tử trong tư duy này, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại thì mới đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước…

Với Chỉ thị 20/CT-TTg, ít nhất, tư duy hành doanh nghiệp là chính này sẽ giảm. Việc tuân thủ yêu cầu thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo thì chủ động phối hợp; chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng... sẽ buộc các công chức phải sớm thực thi, phải sớm thay đổi lề thói cũ.

Tất nhiên, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách thức làm ăn, lành mạnh, minh bạch, để không còn hệ thống 2-3 sổ, để có cơ sở nêu ý kiến của mình trước các yêu cầu thanh tra, kiểm tra, để giải được chính nỗi lo sợ tiềm ẩn do hoạt động không chính đáng.

Quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chỉ có thể được bảo vệ bởi cả sự quyết liệt của chính họ trong bối cảnh doanh nghiệp đang nhận được sự hậu thuẫn vô cùng lớn của người đứng đầu Chính phủ.

77,41% kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ đã được trả lời
Thông tin cập nhật từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã có 98 trong số 188 kiến nghị doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư