Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa vào hệ thống phân phối
Thế Hoàng - 05/10/2022 12:00
 
Nhiều sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo như sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa đã được hỗ trợ tiêu thụ tại kênh bán lẻ trong nước và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn Kinh tế “Kết nối  Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo năm 2022” được Bộ Công thương tổ chức sáng 5/10 tại Hà Nội.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015, mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Qua 5 năm thực hiện, đã hỗ trợ đưa các sản phẩm hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh… kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc thực hiện Chương trình còn tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng – tiêu thụ có tính liên tục.

Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm, chuyên cung cấp sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm, cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển bao trùm vào cuối năm 2021 chia sẻ, ý niệm khởi nghiệp ngành mật hoa dừa cũng xuất phát từ việc mong muốn giải cứu cho vườn dừa hơn 2 hecta của gia đình, sau khi trồng 5 năm có trái, nhưng không bán được, thương lái ép giá chỉ còn 20.000 đồng/12 trái. 

Ngay từ khi khởi nghiệp, doanh nghiệp đã xác định được giá trị cốt lõi và định hướng chuẩn hoá từ khâu quy trình sản xuất, chọn xây dựng thương hiệu bắt nguồn từ văn hoá địa phương, về những lợi thế vùng miền, kết hợp với công nghệ để khẳng định chất lượng và tính tác động xã hội của mô hình lan toả được xa hơn.

Theo bà Chal Thi, ngành sản xuất mật hoa dừa có thể giúp nông dân gia tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3 -5 lần, thu nhập ổn định theo tháng và đặc biệt, ngành nghề còn tạo thêm việc làm cho hơn 33 gia đình.

"Sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm được sản xuất từ tài nguyên bản địa hiện đã đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đã và đang được hỗ trợ tiêu thụ tích cực", bà Chal Thi nhấn mạnh.

Đại diện Amazon, đơn vị đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua thương mại điện tử cho hay: trong kỷ nguyên số hóa, thương mại điện tử là "sân chơi bình đẳng", mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả. Ngành này hiện không chỉ là lãnh địa dành cho các "ông lớn" mà ngay cả những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ giờ đây cũng có thể nắm bắt để khởi nghiệp thành công, đưa sản phẩm nội địa vươn tầm thế giới.

Amazon đang thực hiện chương trình Amazon Global Selling, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh toàn cầu, tiếp cận khách hàng toàn cầu của Amazon.

Thông qua chương trình Amazon Global Selling, những người bán thuộc nhiều loại hình và quy mô, dù ở thành phố lớn hay vùng sâu vùng xa,  là các nhà sản xuất hoặc thương hiệu lâu năm hoặc các hợp tác xã đang tìm hướng cho các làng nghề truyền thống của mình - có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua, vươn tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lợi thế của Việt Nam là các sản phẩm gia đình, thủ công, nông sản, thân thiện với môi trường, có thiết kế độc đáo và khác biệt so với các nước khác, đại diện Amazon chia sẻ. Tuy nhiên, nhược điểm là những nhà bán hàng Việt còn đang e ngại trước sự rộng lớn của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Có tới 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. 81% doanh nghiệp thừa nhận rằng họ chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.

Do đó, với biên bản ghi nhớ đã ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, Amazon sẽ ​hỗ trợ phát triển 10,000 nhân lực cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua nền tảng số.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư