Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Xu hướng “cô đặc” ngành sữa
Anh Hoa - 19/01/2021 09:45
 
Các công ty lớn tiếp tục giành thêm thị phần, các đối thủ mới tiếp tục lộ diện, song không nhiều trong số đó có khả năng “chạy bền”, tạo nguồn cho hoạt động mua bán - sáp nhập.
Cùng với việc mở rộng thị phần, Vinamilk liên tục đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị tại các nhà máy
Cùng với việc mở rộng thị phần, Vinamilk liên tục đầu tư nâng cấp công nghệ, thiết bị tại các nhà máy

Tham vọng trái chiều

Chỉ hơn 1 năm sau khi về với Vinamilk, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, mã: MCM) đã được giao dịch trên thị trường UPCoM, với giá trị vốn hóa ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước tính đạt 135.000 tỷ đồng trong năm 2020 (tăng 8,3% so với năm 2019), nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành hàng sữa chua và sữa uống. Các nhóm sản phẩm tăng trưởng cao bao gồm: sữa uống (10%), sữa chua (12%), phô mai (11%), bơ (10%), các sản phẩm từ sữa khác (8%). Trong khi đó, sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị.

Trước đó, Mộc Châu Milk từng dự tính niêm yết trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10/2020, doanh nghiệp này thay đổi kế hoạch sang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được đánh giá là bước đi tiếp theo, nối tiếp một loạt thay đổi của Mộc Châu Milk và GTNFoods sau khi “về một nhà” với Vinamilk.

Cuối năm 2019, Vinamilk thông báo sở hữu 75% vốn của GTNFoods, công ty mẹ của Mộc Châu Milk. Hai tháng sau thương vụ này, bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của GTN Foods và các công ty thành viên.

CEO Vinamilk cho biết, hiệu quả của thương vụ là giá trị cộng hưởng giữa Mộc Châu Milk và Vinamilk được tạo ra từ lợi thế của mỗi bên. Mộc Châu Milk chưa tìm được đường vào thị trường phía Nam và xuất khẩu, trong khi Vinamilk có sẵn tiềm lực từ hệ thống phân phối, có thể giúp Mộc Châu Milk làm điều này.

Ở chiều ngược lại, Vinamilk có thể mở rộng thị trường Tây Bắc nhờ sự hỗ trợ của Mộc Châu Milk. Vinamilk sẽ không xóa bỏ thương hiệu Sữa Mộc Châu, bởi thị trường sữa vẫn còn rất lớn, ngoài Mộc Châu Milk và Vinamilk, vẫn còn những đối thủ khác.

Mặc dù vậy, có lẽ việc Mộc Châu Milk sở hữu quỹ đất lớn mới là điều Vinamilk cần. Lãnh đạo Vinamilk từng tiết lộ với giới truyền thông, công việc đầu tiên với Mộc Châu Milk là đánh giá lại quỹ đất để xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao. Việc tiếp theo là nâng cấp thiết bị tại nhà máy sữa để có công suất cao hơn, khi đầy đủ điều kiện, sẽ xây dựng nhà máy mới để đảm bảo đồng bộ.

Giống như Mộc Châu Milk, Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) sau khi về tay Blue Point cũng lên sàn UPCoM với mức định giá hơn 2.900 tỷ đồng vào ngày 7/1/2021, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/cổ phiếu.

Nhóm VinaCapital đã đầu tư nắm cổ phần chi phối của IDP từ năm 2014 và đến tháng 6/2020, thì tiến hành thoái vốn. Hiện IDP có 4 cổ đông lớn nắm hơn 90% cổ phần là Bluepoint (60,6%), Lothamilk (10,2%), Chứng khoán Bản Việt (15%) và Tổng giám đốc Đặng Phạm Minh Loan nắm giữ hơn 5%.

Năm 2020, IDP đặt mục tiêu doanh thu 2.050 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng; mục tiêu năm 2021 lần lượt là 2.250 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

Như vậy, sau động thái mua lại 95% cổ phần IDP, nhóm các cổ đông mới không chia sẻ thêm gì về chiến lược phát triển IDP. Từ đây, giới chuyên môn cho rằng, việc đầu tư vào IDP chỉ đơn thuần là “cuộc chơi” đầu tư tài chính của nhóm cổ đông mới.

Nhìn rộng ra toàn thị trường, các “đối thủ” đều ngày một lớn mạnh và “tân binh”cũng đã xuất hiện.

Tập đoàn Masan ra mắt sữa ngũ cốc ca cao lúa mạch với thương hiệu B’fast. Trong khi đó, Vitadairy có vẻ đang phát triển nhanh trong phân khúc sữa bột với sản phẩm sữa non.

Nutifood vừa giới thiệu trang trại bò sữa NutiMilk sau 2 năm tiếp quản từ Hoàng Anh Gia Lai. Trang trại bò sữa

NutiMilk (Gia Lai) trên 1.000 ha đang sở hữu 7.000 con bò sữa và bê con. Với lợi thế đã được cấp Chứng nhận FDA Hoa Kỳ; hợp tác cùng các đối tác ngoại…, nên ngoài thị trường nội địa, Nutifood không giấu tham vọng lấn sân sang EU để tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tiêu thụ sữa theo “mô hình chữ K”

Những diễn biến thực tế trên thị trường trong năm 2020 cho thấy, ngành sữa đang thay đổi cấu trúc. Mặc dù các thương hiệu trong nước thống lĩnh thị trường, nhưng áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn hiện hữu. Hơn nữa, EVFTA sẽ loại bỏ các mức thuế 5 - 20% đối với sản phẩm sữa châu Âu trong vòng 3 - 5 năm tới, mở đường cho sữa từ châu Âu vào Việt Nam.

Vì vậy, xuất khẩu sẽ trở thành kênh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó, Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm. Hiện tất cả các nhà sản xuất sữa trong nước đều đã chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này có lợi cho các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk.

Với thị trường trong nước, nhu cầu về các sản phẩm sữa trong năm 2020 chỉ giảm 4% về giá trị so với năm 2019 (theo nghiên cứu của Nielsen). Có thể thấy, so với các ngành hàng khác, ngành sữa ít nhạy cảm với tác động của Covid-19.

Đặc biệt, trong năm 2020, Vinamilk và Mộc Châu Milk lần lượt đạt tăng trưởng doanh thu nội địa 2,5% và 9,7% - mức vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành. Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, Vinamilk đã giành thêm thị phần trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt, quá trình hợp nhất ngành vẫn tiếp diễn.

Đánh giá triển vọng ngành sữa trong năm nay, SSI cho rằng, sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhưng xu hướng tiêu thụ có thể theo “mô hình chữ K”. Trong đó, nét sổ thẳng của chữ K để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột vì dịch bệnh. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan.

Theo đó, nhu cầu từ người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng, do Covid-19 đã gây thiệt hại đến thu nhập của nhóm này. Bằng chứng là, các công ty như Vinamilk và Vinasoys đã chứng kiến hiện tượng cơ cấu sản phẩm bán ra dịch chuyển về phía các sản phẩm giá rẻ trong 9 tháng đầu năm 2020.

Ngược lại, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra, do nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng hơn và họ vẫn sẽ có xu hướng gia tăng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.

Đặc biệt, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến môi trường, xã hội, quản trị khi đầu tư vào các công ty sữa. Do đó, các công ty sữa bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm, như chuyển sang đồ uống có nguồn gốc thực vật. Về phía người tiêu dùng, họ ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường, sức khỏe và chế độ ăn uống, nên các loại sữa hạt đã được chú ý nhiều hơn.

Một chuyên gia trong ngành sữa cho rằng, trong những tên tuổi trên thị trường hiện nay, chưa có ai thực sự tạo ra sân chơi mới hấp dẫn hơn từ việc đáp ứng những nhu cầu mỗi ngày một khác biệt của người tiêu dùng thế hệ mới. Các doanh nghiệp trong ngành vẫn chủ yếu xoay quanh sản phẩm sữa tươi và sữa nước từ bò sữa đựng trọng hộp giấy. Trong khi người tiêu dùng đang tự chế các loại sữa được làm từ hạt, từ dầu, không có chất béo động vật và thực vật, phù hợp với lối sống mới thuận tự nhiên...

“Muốn điều khiển cuộc chơi, cần định nghĩa lại nhu cầu của thế hệ tiêu dùng cũ và tạo ra thế hệ tiêu dùng mới. Rất nhiều xu hướng tiêu dùng mới sẽ xuất hiện, tạo cơ hội cho các tay chơi mới, nếu họ nhìn ra được những cơ hội mới này trước người khác và dám đầu tư vốn, nguồn nhân lực để theo đến cùng cho tới lúc thành công”, vị chuyên gia này nói.

Dự báo, ngành sữa sẽ tăng trưởng 1 chữ số trong năm 2021 và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Các chuyên gia cho rằng, kênh thương mại hiện đại dự kiến tiếp tục vượt xa kênh thương mại truyền thống về tốc độ tăng trưởng. Hiện nay, kênh  thương mại hiện đại chỉ chiếm 10 - 15% doanh thu của doanh nghiệp sữa Việt Nam. Theo Kantar Worldpanel, sữa là một trong những sản phẩm được mua online tăng mạnh nhất  trong thời kỳ dịch bệnh. Nhận thức được xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực  đẩy mạnh độ phủ sóng trên kênh  thương mại hiện đại.

Tuy nhiên, theo SSI, kênh này sẽ có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn kênh truyền thống, do có sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nhãn hàng. Đặc biệt, xu hướng mua bán - sáp nhập trong ngành sữa vẫn có thể xảy ra, vì hầu hết “tân binh” trên thị trường sữa đều “sống chung” với thua lỗ và khó có tiềm lực chạy đua đường dài, khẳng định vị thế tên tuổi trên thị trường.

Vinamilk sẽ tiếp tục mở rộng thị phần trên thị trường sữa Việt Nam
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, Vinamilk sẽ cạnh tranh công bằng, sòng phẳng với các thương hiệu khác trên thị trường sữa
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư