Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 19 tháng 08 năm 2024,
Xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa chắc chắn
Thế Hải - 19/08/2024 10:24
 
Sản xuất, tiêu thụ thép trong nước đã đón nhiều tín hiệu tích cực hơn, nhưng sự phục hồi này chưa chắc chắn bởi tình trạng cung vượt cầu của một số sản phẩm thép trong nước và sự đổ bộ của thép nhập khẩu.
Sản xuất và tiêu thụ théo đang có tín hiệu phục hồi.
Sản xuất và tiêu thụ thép đang có tín hiệu phục hồi.

Tín hiệu sáng dần từ sản xuất, tiêu thụ 

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép tháng 7/2024 đã có những tín hiệu tích cực, sản xuất thép thô đạt 927.180 tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ tháng 7/2023.

Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,527 triệu tấn, tăng 2,59% so với tháng 6/2024 (sản xuất tất cả các mặt hàng thép đều ghi nhận mức tăng trưởng, ngoại trừ cuộn cán nóng HRC giảm 5,43%) và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. (sản xuất các mặt hàng thép xây dựng và tôn mạ vẫn giữ được mức tăng trưởng lần lượt là 8,9 và 30,3%.

Các mặt hàng thép còn lại là thép cán nóng (HRC), cuộn cán nguội (CRC) và ống thép giảm lần lượt là 5,1%, 11,7% và 5,6%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất thép thô đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 16,959 triệu tấn, tăng 9,4%. Trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại & sơn phủ màu đạt cao nhất là 29,2%, thép xây dựng 14,6% và HRC là 2,9%; Sản xuất thép cuộn cán nguội và ống thép đều ghi nhận mức tăng trưởng âm là 14,9% và 1,1%.

Tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 12,41 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Bán hàng thép thành phẩm đạt 16,75 triệu tấntăng 14,3% so với 7 tháng 2023. Mức tăng trưởng cuộn cán nguội CRC đạt cao nhất 40,6%, tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và thép xây dựng tuy nhiên xuất khẩu ống thép giảm 1,2% và HRC giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ 2023.

Ở mảng xuất khẩu cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ. 7 tháng, xuất khẩu đạt 7,97 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sắt thép các loại xấp xỉ 7,5 triệu tấn, trị giá 5,475 tỷ USD, tăng 16,6% và 9,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sản phẩm từ thép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 6,1%.

Sức ép lớn từ hàng nhập khẩu

Năm ngoái, năng lực sản xuất phôi của toàn ngành thép Việt Nam là khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm, thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho thị trường xuất khẩu. Còn năm nay, ngành này dự kiến sản xuất khoảng 30 triệu tấn.

Năng lực sản xuất lớn, thậm chí dư thừa đối với một số chủng loại, nhưng một lượng lớn thép nhập khẩu tiếp tục đổ bộ vào thị trường nội địa, gây khó khăn cho tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng qua, cả nước đã chi 10,557 tỷ USD để nhập khẩu thép các loại và sản phẩm từ thép. Nhập siêu ngành thép hết 7 tháng gần 2,6 tỷ USD.

Trong đó, nhập 9,5 triệu tấn thép, trị giá 6,91 tỷ USD, tăng lần lượt 42,2% và 23,4% so với cùng kỳ, nhập 3,64 tỷ USD sản phẩm từ thép, tăng 25%.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, với những điểm sáng của kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024, nhiều lĩnh vực tháng 7 đạt kết quả cao hơn tháng trước và 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng.

Cùng đó, các văn bản luật liên quan đến thị trường bất động sản, luật đất đai... có hiệu lực có thể tạo động lực thị trường thép phục hồi tích cực, ngành xây dựng dự kiến đạt triển vọng tăng cao so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, khiến xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu chắc chắn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư