Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công thương: Cho phá sản, giải thể nếu không thể hồi phục
Thế Hải - 04/04/2020 11:03
 
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Dự án không thể phục hồi thì kiên quyết cho phá sản, giải thể
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo, những dự án không thể phục hồi thì kiên quyết cho phá sản, giải thể

Tham dự Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty có liên quan.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo bàn về tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để từ đó đánh giá, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp với từng dự án, doanh nghiệp trong năm 2020.

Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn làm rõ các vấn đề lớn như những kết quả cụ thể, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ, nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lý về tổng thầu EPC và giải pháp về tài chính, tín dụng. 

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiêp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sau 3 năm triển khai đề án, các dự án yếu kém ngành công thương đã có những chuyển biến nhất định, bước đầu đạt được một số mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng.
Trong số 6 dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ trước đây, thì năm 2018 và 2019, có 2 nhà máy có lãi (DAP-1 Hải Phòng, Thép Việt Trung); 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS).
3 dự án đã bị dừng sản xuất kinh doanh trước đây nhưng đến nay, 1 dự án vận hành trở lại (Xơ sợi PVTex Đình Vũ), 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại, nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).
Quá trình xử lý các dự án, doanh nghiệp cơ bản vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động, an ninh trật tự xã hội và ổn định môi trường kinh doanh.

Về hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi, một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện tùy theo tình hình nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý, đến nay cần quyết định phương án để xử lý dứt điểm.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án yếu kém trên theo đúng vai trò, chức năng của DATC. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, DN theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông  chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo định hướng cơ quan báo chí vê công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo đề án và kế hoạch của Ban chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại đề án. Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành kiểm toán theo nhiệm vụ của mình.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng DN, chủ đầu tư; phối hợp các tập đoàn, tổng công ty và DATC để cùng xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ các ngân hàng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp đầy đủ ý kiến tại phiên họp này, kết luận của trưởng Ban chỉ đạo để khẩn trương hoàn thiện báo cáo về tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2020, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.

"Siêu ủy ban" giữ vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém
Sáng 9/7/2019, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã bàn giao nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư