Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xử lý 200 game không phép như thế nào?
Hữu Tuấn - 19/08/2013 11:24
 
Từ cuối năm 2010 đến nay, việc không cấp phép cho game nội địa đã khiến các game không phép tràn lan.

Thoáng hay chặt là ở khâu cấp phép

Ngày 1/9/2013, Nghị định 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp DN kinh doanh game online tháo gỡ khó khăn, góp phần hạn chế tác động tiêu cực, mặt trái của game online tới xã hội.

Thời gian tới, sẽ không cấp phép các game bắn súng, bạo lực

Sở dĩ nói việc quản lý game theo Nghị định 72 khá thoáng là do sau 3 năm cấm, không cấp phép cho game online, Nghị định 72 đã đồng ý cấp phép trở lại. Đây là tin tốt cho các đơn vị sản xuất, phát hành game nội địa làm ăn chân chính.

Lâu nay, do lợi nhuận lớn, nhiều DN lén lút phát hành game online lậu có nội dung không lành mạnh gây ảnh hưởng xấu tới xã hội và các DN sản xuất, phát hành game online Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), những quy định tại Nghị định 72 sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các DN game, từng bước ngăn chặn game không phép, đồng thời giải quyết nhanh quyền lợi của người chơi khi hệ thống có sự cố, đỡ mất chi phí lưu lượng đi quốc tế.

Còn ông Phạm Công Hoàng, Phó tổng giám đốc FPT Online đánh giá rằng, việc cấp phép trở lại, sẽ khiến DN chú trọng hơn vào sản phẩm, tránh hiện tượng làm ăn manh mún, chụp giật.

Ngoài những quy định “cởi trói” nêu trên, Nghị định 72 cũng có những điều kiện ràng buộc chặt chẽ với việc cấp phép game. Nghị định 72 chia game online thành 4 nhóm, trong đó dù nhóm G1 mới cần phải xin giấy phép lưu hành, song các nhóm còn lại vẫn cần giấy xác nhận đăng ký cung cấp game.

Không những thế, DN nhỏ rất khó đáp ứng những điều kiện để được phép kinh doanh game online.

Nghị định 72 cũng “cấm cửa” các game bạo lực. Điểm b, mục 3, Điều 32, Nghị định 72 quy định DN chỉ được cấp phép kinh doanh khi nội dung game "không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính..., trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử".

Theo Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian tới, sẽ không cấp phép các game bắn súng, bạo lực và đơn vị sẵn sàng tư vấn cho DN, để không rơi vào cảnh vi phạm khi làm thủ tục xin cấp phép game.

Xử lý 200 game không phép như thế nào?

Từ cuối năm 2010 đến nay, việc không cấp phép cho game nội địa đã khiến các game không phép tràn lan. Nhiều DN nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật, cung cấp game trái phép vào Việt Nam không qua sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý…

Khi Nghị định 72 có hiệu lực, hơn 200 game chưa được cấp phép đang được các DN trong nước phát hành trên thị trường để phục vụ người chơi sẽ nằm ngoài vòng pháp luật.

Trên thực tế, hiện có nhiều nhà phát hành game chưa được cấp phép, nhưng đã vi phạm quy định về quản lý game online. Tuy nhiên, do chính sách quản lý chưa phù hợp, nên sau khi xử phạt, cơ quan chức năng vẫn để họ duy trì game.

Khi Nghị định 72 có hiệu lực, bắt buộc DN muốn duy trì game chưa được cấp phép phải tiến hành xin phép.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với các game chưa được cấp phép tồn tại trên thị trường, khi Nghị định 72 có hiệu lực, sẽ được Hội đồng Xét duyệt xem xét hồ sơ để cấp phép cho game đáp ứng điều kiện như quy định.

Như vậy, các DN đang phát hành game chưa được cấp phép trên thị trường cần tiến hành làm hồ sơ để xin phép, đồng thời phải chờ xét duyệt của cơ quan cấp phép để xem game của mình có đáp ứng đầy đủ các quy định và được cấp phép hay không.

Việc tái cấp phép game online sẽ không dễ cho tất cả DN. DN kinh doanh game nhỏ sẽ khó đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ cơ quan chức năng, nhiều DN sẽ đối mặt nguy cơ “đóng cửa” do không đủ điều kiện được cấp phép…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư