Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xử lý nợ xấu bằng cách dồn về VAMC thì ảo quá
Nguyên Đức - 22/10/2015 16:23
 
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, xử lý nợ xấu bằng cách dồn về một chỗ - VAMC - là không thực chất.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (22/10), các đại biểu Quốc hội cho rằng, dù báo cáo của Chính phủ cho biết, đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% trong khi tháng 9/2012 là 17,43%, song việc xử lý nợ xấu là không thực chất.

“Nếu đưa về VAMC và ‘chôn lấp’vào đó thì k thể gọi là giảm tỷ lệ nợ xấu được. Đấy chỉ là tạm thời khoanh nợ chứ không thể nói là xử lý được.Con số này phải xem lại”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói.

.
.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng cho rằng, vấn đề nợ xấu “thực chất không được xử lý mà chỉ là được khoanh lại và chuyển sang VAMC”.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, đại biểu Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đặt câu hỏi: “VAMC mua nợ xấu có phải chỉ để tạo cho ngân hàng một bộ mặt ‘sạch ảo’ để tạo ra những khoản nợ xấu mới?”

Đặt câu hỏi vậy, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nợ xấu vẫn đang rất xấu và đây là vấn đề trầm trọng của nền kinh tế. Lý do là vì, nợ xấu có tỷ lệ lớn và tăng nhanh nhưng việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, mà chỉ “lấy chỗ này gom vào chỗ kia (VAMC)”.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho rằng, dù Chính phủ đã hết sức quyết liệt nhưng nợ xấu còn phức tạp nên cần phải có giải pháp xử lý rốt ráo. “Cần rà soát lại việc bán nợ cho VAMC vì chưa giải quyết được căn bản nợ xấu”, ông Lê Hữu Đức nói.

Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc thời gian qua đã tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại bằng các biện phápchủ động tự xử lý nợ xấu là chủ yếu; đồng thời phát huy vai trò của VAMC tham gia xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ.

“Đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% (trong khi tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33%GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngay tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cho rằng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giàu thì nợ xấu trên thực tế chỉ là “dồn về một chỗ” (VAMC) nhưng trong báo cáo của Chính phủ lại không tính những khoản nợ đã được VAMC mua nên tỷ lệ nợ xấu giảm.

Ông Trương Văn Phước: Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ
Trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư