Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 12 tháng 02 năm 2025,
Xử lý nợ xấu: Góc nhìn thực tế
Thùy Vinh - 29/09/2014 10:52
 
Mục tiêu của tái cấu trúc ngân hàng là lành mạnh hóa hệ thống và xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng hiện là giải quyết hậu quả của quá trình nền kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2007-2009.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sếp HSBC: "Các ngân hàng không có nhiều lựa chọn"
Không nên kỳ vọng sớm xử lý được nợ xấu
Cần thị trường mua - bán nợ để xử lý nợ xấu
Chính phủ thúc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt kết quả kỳ vọng, cần có sự phối hợp đồng bộ, hình thành thị trường mua bán-nợ và tăng quyền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Quyết liệt xử lý khối u nợ xấu

Nợ xấu đã xảy ra trước đây, nhưng sau quá trình tái cấu trúc ngân hàng trong 3 năm qua, nợ xấu phần nào được xử lý. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm “bắt bệnh” để chữa trị, dù vẫn biết nợ xấu là vấn đề nhạy cảm của ngành.

  HD Bank, nợ xấu  
  HDBank đã chủ động sáp nhập với DaiABank. Ở thời điểm trước khi sáp nhập, nợ xấu của HDBank ở mức khoảng 4,8%, hiện tại tỷ lệ này dưới 3%  

Đó là việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của ngành với các Thông tư 02/2013/TT-NHNN và 09/2014/TT-NHNN về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, với mục tiêu nhận diện rõ mức độ nợ xấu. Các ngân hàng buộc phải gọi đúng tên nợ xấu để làm sạch bảng cân đối tài sản.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng gửi NHNN, tính đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). 7 tháng đầu năm nay, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 40.800 tỷ đồng nợ xấu.

Cụ thể, khách hàng trả nợ 14.300 tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ được 1.560 tỷ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân 14.490 tỷ đồng và xử lý bằng dự phòng rủi ro 8.300 tỷ đồng...

Qua đó có thể thấy, việc xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro đã và đang được các ngân hàng thương mại thực hiện bằng cách hy sinh lợi nhuận để đảm bảo an toàn trong hoạt động. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải trích dự phòng đầy đủ trước khi chi trả cổ tức cho cổ đông. 

Cùng với những nỗ lực trên, VAMC đã ra đời. Đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua 3.281 khoản nợ từ các ngân hàng thương mại, với tổng dư nợ gốc hơn 56.000 tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46.000 tỷ đồng. Những kết quả đạt được ban đầu của VAMC là rất đáng khích lệ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - kinh tế, để xử lý được nợ xấu cần phải tăng quyền cho VAMC và cần hình thành được thị trường mua - bán nợ nhằm thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Có như vậy mới có thể kỳ vọng nợ xấu được giải quyết nhanh hơn.

Song để hình thành được thị trường mua-bán nợ, quả thực còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc, khi luật pháp Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản. Trong khi đó, tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản. Vì vậy, cần có giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ.

Chẳng hạn, với những dự án đang xây dựng dở dang, nhưng cạn vốn, có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành. Hiện cũng có những kiến nghị về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản.

Liên quan đến việc bán nợ của VAMC, trước hết, cần phải tăng quyền cho VAMC trong xử lý hành chính thì việc xử lý nợ xấu mới triệt để, thay vì chỉ có thể kéo dài thời gian xử lý nợ.

Việc xử lý nợ xấu hiện chủ yếu xuất phát từ sự nỗ lực của ngành ngân hàng và tăng trích dự phòng rủi ro từ các ngân hàng thương mại. Kế đến là việc bán nợ xấu cho VAMC. Thế nhưng, VAMC vẫn bị hạn chế về quyền hạn, nên chưa thể xử lý triệt để được nợ xấu.

Trên thế giới, cơ quan như VAMC được trao hai đặc quyền quan trọng, đó là bán tài sản bảo đảm và được phép bổ nhiệm hoặc liên kết với cơ quan công an để cưỡng chế, định giá thị trường.

Hiện Chính phủ Việt Nam đã bật “đèn xanh” cho phép tiến tới định giá nợ xấu theo giá thị trường, song quan trọng hơn vẫn là nguồn lực xử lý nợ xấu và có 100% tiền để xử lý được nợ. Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần xem xét tăng vốn điều lệ của VAMC theo quy định Chính phủ thêm khoảng 2.000 tỷ đồng, đồng thời tạo cơ chế bán nợ xấu cũ đi để có tiền mua nợ xấu mới.

Rõ ràng, VAMC là một sáng kiến khi xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách. Song  VAMC không phải là “cây đũa thần”, nên không thể một sớm, một chiều có thể xử lý xong hết nợ xấu. Thông qua VAMC, các ngân hàng có thể làm sạch được bảng cân đối, tạo được uy tín trên thị trường cũng như tăng trưởng tín dụng thuận lợi hơn.

Thực tế, để xử lý được đống nợ xấu khổng lồ, các ngân hàng thương mại không thể đủ lực để trích dự phòng trong thời gian ngắn, nhưng thông qua VAMC, các ngân hàng hoàn toàn có thể kéo dài thời gian trích lập dự phòng xử lý nợ lên 5 năm và thậm chí, theo đề xuất của các tổ chức tín dụng, có thể xem xét sửa đổi kéo dài lên đến 10 năm.

Đây là khoảng thời gian quý báu để các tổ chức tín dụng giảm áp lực trích dự phòng rủi ro và hoạt động có hiệu quả hơn, có điều kiện để tái cấu trúc.

Ngoài ra, muốn xử lý được nợ xấu nhanh và triệt để hơn, đòi hỏi có sự phối, kết hợp đồng bộ từ nhiều phía, cơ quan, ban, ngành, nhất là trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo mới có thể giúp quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn. Nhìn xa hơn nữa, phải có các giải pháp kích cầu sức mua thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, giảm hàng tồn kho, đưa công nghệ tiên tiến vào ứng dụng, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...

Sẽ đạt kết quả kỳ vọng

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, NHNN đóng vai trò nòng cốt, đi tiên phong trong xử lý nợ xấu, nhưng để đạt được kết quả kỳ vọng, cần có sự phối, kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành nhằm giải quyết được cục máu đông nợ xấu, nhất là trong khâu phát mãi tài sản.

“Không có quốc gia nào mà việc phát mãi tài sản lại nhiêu khê và phức tạp như ở Việt Nam. Trong khi, muốn khơi được dòng chảy tín dụng, đòi hỏi trước hết là xử lý cục máu đông nợ xấu”, TS. Lịch nhấn mạnh. 

Mục tiêu của NHNN là, đến năm 2015, sẽ kéo nợ xấu xuống 3% và để làm được việc này, theo TS. Lịch, cần tập hợp các giải pháp đồng bộ, như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt, hình thành thị trường mua-bán nợ, các ngân hàng thương mại tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro. Ngoài ra, cũng  cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng giảm bớt thủ tục hành chính để phát mãi tài sản nhanh.

Dưới định hướng của NHNN, sau khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại có sức khỏe ổn định dần. HDBank là một ví dụ điển hình. Để tăng quy mô và năng lực trên thị trường, HDBank đã chủ động sáp nhập với DaiABank - một tổ chức tín dụng không thuộc diện yếu kém. Ở thời điểm trước khi sáp nhập, nợ xấu của HDBank ở mức khoảng 4,8%, hiện tại tỷ lệ này dưới 3%. HDBank đã tích cực trích dự phòng rủi ro đầy đủ và 8 tháng đầu năm nay, đã bán được gần 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Song song với quá trình xử lý nợ xấu, thời gian qua, ngành ngân hàng thực hiện tái cơ cấu quyết liệt với 9 ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, yếu kém, đã được xử lý thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) và mục tiêu từ nay đến năm 2015, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, với mục tiêu lành mạnh hệ thống, còn khoảng 18-20 ngân hàng. Chính quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, lành mạnh hệ thống đã giúp ngành tạo dựng uy tín cho thị trường trong và ngoài nước, từ đó tác động tích cực đến kinh tế, ổn định vĩ mô.

Phó thống đốc NHNN: VAMC không phải là “cây đũa thần”

Phó thống đốc NHNN: VAMC không phải là “cây đũa thần”

() Trả lời báo chí liên quan đến xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng - lần đầu tiên tham dự họp báo Chính phủ thường kỳ trên cương vị Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,17%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư